Tiết trời mát mẻ trong những ngày qua đã giúp giảm sự căng thẳng cho thí sinh (TS) thi vào các trường CĐ. Tâm lý thi đợt 3 chỉ để "dự phòng" phần nào cũng giúp nhiều TS giảm được áp lực thi cử, nhưng ngược lại, tâm lý ấy đang khiến công tác tuyển sinh của nhiều trường CĐ trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ dự thi tăng
Nếu quan niệm rằng áp lực thi CĐ không cao bằng ĐH thì nhiều người sẽ bất ngờ khi nhìn vào số TS đăng ký và dự thi của nhiều trường CĐ. Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Lâm cho biết, trường đã nhận được 29.550 bộ hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 2.100. Tỷ lệ TS dự thi của trường cũng khá cao, khoảng 70%. Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội năm nay tăng 1.000 hồ sơ, lên 18.238 bộ, trong khi chỉ tiêu của trường là 2.400. Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, dù năm nay giảm 10.000 hồ sơ nhưng vẫn có tới 27.778 bộ mà chỉ tiêu của trường là 1.500…
Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ở nhiều trường, dù số hồ sơ đăng ký giảm song tỷ lệ dự thi lại tăng lên như: Trường CĐ Nội vụ, Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, Trường CĐ Sư phạm Trung ương. Một số TS cho biết, vì năm nay đề thi ĐH khối A khó, nên không thể yên tâm với kết quả thi ĐH nên các em đã dốc sức thi đợt thứ 3 để có thêm cơ hội.
Ông Vũ Ngọc Phương, Hiệu phó Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho rằng: Với hơn 9.000 hồ sơ trường nhận được, tỷ lệ dự thi chiếm 75%, đây là một con số khá cao trong các trường thi cùng đợt. Theo ông Phương, xu hướng đăng ký vào trường trong vài năm gần đây có dấu hiệu tăng trở lại.
Bài toán khó
Nếu như năm 2010 Trường CĐ Sư phạm Hà Nội chỉ xét tuyển thì năm nay nhà trường đã tổ chức thi, mặc dù "các thầy, cô vất vả hơn rất nhiều và cầm chắc lỗ". Tuy nhiên, cái được của việc tổ chức thi là nhà trường có thể chủ động trong tuyển sinh, chọn được những TS có điểm cao, tha thiết vào trường. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ giảm được phần nào khó khăn cho các trường, bởi xác định mức điểm chuẩn vẫn là bài toán khó. Ông Vũ Ngọc Phương cho biết: Mặc dù tuyển không nhiều nguyện vọng 2, song nhà trường gặp rất nhiều khó khăn bởi quy định khống chế điểm chuẩn nguyện vọng 2 phải bằng và cao hơn nguyện vọng 1. Các trường CĐ lại càng thiệt thòi vì TS vừa vào bằng nguyện vọng 2 lại có thể ra đi sau khi trường ĐH cũng mở nguyện vọng 2. Nhiều TS có khi vào học rồi còn đi. Ông Phương cho biết thêm, năm 2010, nhà trường tuyển được khoảng 1.000 sinh viên. Sau 1 năm thì có 20 sinh viên xin rút hồ sơ. Tỷ lệ có thể không phải cao, song rõ ràng điều này ảnh hưởng không tốt tới nhà trường.
Nỗ lực thu hút thí sinh
Để vượt lên những khó khăn do thiếu sức hút với TS, các trường CĐ đang nỗ lực mở rộng ngành nghề đào tạo cũng như quảng bá thương hiệu. Trường CĐ Nội vụ Hà Nội có 2 ngành thường có điểm chuẩn cao trên điểm sàn ĐH của Bộ từ 1,5 đến 3 điểm như Quản trị văn phòng, Quản trị nhân lực… Trường CĐ Sư phạm trung ương vốn khá tự tin về đầu vào của mình song cũng đang mở rộng việc quảng bá nhà trường qua nhiều kênh, trong đó hiệu quả nhất là qua kênh đào tạo giáo viên theo đặt hàng của các trường. Năm nay, trường còn mở thêm chuyên ngành mới là Thiết kế thời trang, Đồ họa. Đây là một trong 6 chuyên ngành ngoài sư phạm của trường. Còn Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm nay bắt đầu đào tạo mã ngành công tác xã hội. Ngoài ra trường còn có 5 mã ngành ngoài sư phạm khác trong tổng số 21 mã ngành.
Tuy dồn nhiều tâm huyết và nỗ lực trong công tác quảng bá, thu hút TS, nhưng các ngành năng khiếu ngày càng có dấu hiệu mất hẳn sức hút. Năm nay Trường CĐ Sư phạm Hà Nội có gần 200 TS đăng ký ngành nhạc, họa, nhưng chưa đầy một nửa số này tới dự thi. Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội năm nay có 700 chỉ tiêu với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký. Để có được kết quả ấy, từ trước đó nhà trường đã phải cất công đi sơ tuyển tại các vùng ngoại thành, thông qua các nhà văn hóa địa phương.
Không có cán bộ nào vi phạm quy chế
Theo Bộ GD-ĐT, các trường hợp vi phạm quy chế tuyển sinh được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc, đúng quy định. Tổng hợp từ báo cáo của các trường, trong cả 3 buổi thi của đợt 3, cả nước có 50 TS vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật nhưng không có cán bộ tham gia công tác tuyển sinh nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế tuyển sinh.
|
Theo Quỳnh Phạm
(HNM)
Bình luận (0)