Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2010: Có nhiều điểm mới!

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi xong tại hội đồng thi THPT Lương Thế Vinh, kỳ thi tốt nghiệp năm 2009. Ảnh: Như Hùng

Công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2010 có nhiều điểm mới. Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn tới kỳ thi. Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hưởng – Phó chánh thanh tra của Bộ GD-ĐT về những điểm mới này. 
PV: Năm nay, lực lượng thanh tra ủy quyền không còn “cắm chốt” tại các hội đồng thi. Liệu giảm thanh tra ủy quyền có dẫn tới tình trạng “nới lỏng” giám sát việc thực hiện một kỳ thi nghiêm túc không, thưa ông?
Ông Lê Quang Hưởng: Không nên quan niệm thanh tra là người giám sát và quyết định tính nghiêm túc của kỳ thi, điều này phụ thuộc phần lớn vào cấp cơ sở và muốn như vậy phải tăng trách nhiệm của địa phương. Việc bộ thực hiện cuộc vận động “hai không” đã vào nề nếp nên tiếp tục tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền của bộ cắm chốt tại các hội đồng coi thi là không thực sự cần thiết nữa và gây lãng phí. Như thế không có nghĩa là buông lỏng vì quy chế vẫn rất chặt chẽ. Chỉ có cách làm thay đổi, bộ giao trách nhiệm “cắm chốt” cho các sở, còn thanh tra bộ sẽ thanh tra đột xuất, nếu phát hiện thí sinh, cán bộ hoặc giám thị, nhân viên… tại hội đồng thi vi phạm quy chế thì cán bộ thanh tra phải kiên quyết xử lý hoặc yêu cầu xử lý theo quy định; lập biên bản ghi nhớ và theo dõi việc xử lý đó.
Ông có lời khuyên nào để tránh cho thí sinh vi phạm quy chế thi?
– Đặc biệt nhất vẫn là việc mang điện thoại di động vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Bởi vậy, thí sinh phải rất lưu ý điều này, trước khi vào phòng thi nếu có mang theo điện thoại thì phải nhớ gửi lại ở ngoài phòng thi. Chúng tôi cũng yêu cầu các hội đồng thi phải có nơi để thí sinh gửi điện thoại di động trước khi vào phòng thi. Còn về tài liệu, thí sinh cần biết rằng, cách ra đề hiện nay không phải để kiểm tra học thuộc. Thí sinh không thể lấy tài liệu ra chép.
Việc thi hộ, thi kèm vẫn xảy ra ở các năm trước. Vậy năm nay, Bộ GD-ĐT có biện pháp nào để hiện tượng này không tái diễn?

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi xong tại hội đồng thi THPT Bùi Thị Xuân, kỳ thi tốt nghiệp năm 2009. Ảnh: Như Hùng

– Năm nay, bên cạnh thẻ dự thi thì khi vào phòng thi yêu cầu thí sinh phải có kèm thêm bản sao giấy chứng minh nhân dân (có công chứng) và thẻ học sinh. Đây chính là biện pháp để đối chiếu tránh thi hộ, thi kèm. Và đây cũng là điểm mới của năm nay.
Vậy trong trường hợp thí sinh bị mất hết giấy tờ tùy thân ngay trước kỳ thi thì sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?
– Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu. Với trường hợp thí sinh bị mất hoặc quên thẻ dự thi, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các hội đồng thi vẫn phải tạo điều kiện để thí sinh đó dự thi với điều kiện thí sinh đó phải viết cam đoan, có ít nhất hai thí sinh khác ký xác nhận. Sau đó thí sinh phải bổ sung những giấy tờ còn thiếu.
Vừa qua, có hiện tượng một số trường phân loại học sinh và không cho học sinh có học lực yếu dự thi tốt nghiệp THPT. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
– Theo quy chế, học lực kém thì đương nhiên học sinh đó không được dự thi; còn nếu học lực yếu nhưng đủ các điều kiện mà quy chế yêu cầu về đối tượng dự thi thì vẫn phải cho thí sinh đó dự thi bình thường.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Lam
Trước thực trạng có một số trường phân loại học sinh và không cho học sinh trung bình, yếu dự thi tốt nghiệp, ông Phạm Ngọc Trúc – Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện tượng đó ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh thì chắc chắn người nhà thí sinh sẽ lên tiếng. Nhưng trường hợp đó không đáng sợ bằng việc có những thí sinh không đủ điều kiện nhưng vì một lý do nào đó mà vẫn được dự thi.
 

Bình luận (0)