Bữa ăn của trẻ bị cắt giảm vì giá cả leo thang. Ảnh: H.T
|
Thời điểm này, giá cả các mặt hàng tăng nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến trường học, trong đó đặc biệt là bữa ăn của trẻ mầm non. Nhiều trường đã phải tăng giá bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) ở vùng khó khăn, nông thôn, những chi phí phát sinh như thế này khiến họ chật vật hơn khi gửi con tới trường.
Không thể không tăng
Tại Trường Mầm non Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội), năm học 2009-2010 mức tiền ăn của các cháu là 13.000 đồng. Nhưng đầu năm học mới trường đã tăng tiền ăn lên 15.000 đồng/ngày (gồm cả sữa uống). Bà Trịnh Thị Nhi (Hiệu trưởng nhà trường) nhẩm tính: Mới tháng trước, thịt lợn còn có giá 65.000 đồng/kg nay đã tăng tới 85.000 đồng/kg; gà tăng tới 5.000-6.000 đồng/kg từ 60.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg… Ga cũng tăng từ 230.000 đồng/bình lên gần 270.000 đồng/bình. Giá cả leo thang quá nhanh nên để duy trì bữa ăn đủ calo cho các cháu, nhà trường buộc phải tăng thêm tiền ăn. Trường sẽ cố gắng duy trì mức thu này đến cuối năm học để PHHS không phải bỏ thêm chi phí.
Trường Mầm non Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) có gần 900 trẻ đang theo học ở các lứa tuổi. Năm học này, do giá cả leo thang, trường đã phải tăng tiền ăn từ 8.000 đồng/ngày lên mức 10.000 đồng/ngày, tiền chất đốt 1.000 đồng/ngày. Các cháu được trường phục vụ hai bữa ăn chính gồm cơm, cháo và một bữa phụ có hoa quả, uống sữa. Bà Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (ngõ 1 phố Hồ Đắc Di, Hà Nội) cho biết, trường đã “cầm cự” mức thu tiền ăn là 10.000 đồng/ngày từ năm học trước đến hết học kỳ 1 của năm học 2010-2011. Tuy nhiên, sang đến đầu học kỳ 2 trường cũng đã phải tăng giá bữa ăn lên 12.000 đồng/ngày. Mức thu này thực chất cũng bằng với mức ăn 10.000 đồng trước kia. “Trong hoàn cảnh “thóc cao gạo kém” như hiện nay, việc nấu bữa ăn đủ chất mà rẻ tiền phụ thuộc rất nhiều vào tài tính toán kết hợp món ăn của thợ bếp. Trường nào tính toán khéo thì trẻ sẽ có bữa ăn ngon, đủ chất.
Bữa ăn teo tóp
Hiện nay, mức ăn của các trường mầm non trong nội thành Hà Nội dao động từ 12.000-15.000 đồng/ngày. Cao cấp hơn, có những trường thu tiền ăn ở mức 20.000 đồng/ngày. Một số trường tư thục như Little Food (quận Đống Đa) tiền ăn lên mức 25.000 đồng/ngày. Trong khi đó, ở các trường khu vực nông thôn, vùng khó khăn, mức ăn một ngày chỉ khoảng… 5.000 đồng/ngày thấp hơn nhiều lần trẻ học ở thành thị. Mức đóng góp thấp khiến thực đơn của trẻ nông thôn cũng nghèo nàn hơn. Bà Nguyễn Thị Thức, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quất Động (huyện Thường Tín) cho biết trường đang duy trì mức ăn là 6.500 đồng/ngày từ học kỳ 2 năm học 2010-2011. Mức thu này nhìn chung chỉ đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng ở mức trung bình với trẻ. Trẻ ở Trường Quất Động không có điều kiện uống sữa hàng ngày. Các món ăn khác như sữa chua, hoa quả cũng chỉ xuất hiện 1, 2 lần/tuần. “Nếu theo tính toán, chi phí cho ngày ăn của trẻ cũng phải từ 8.000-10.000 đồng mới đủ. Tuy nhiên, do điều kiện mức sống của người dân trên địa bàn còn thấp nên trường cũng chỉ dám thu ở mức trung bình”. Hiện nay, Trường Quất Động có 400 trẻ, nhưng chỉ có 200 cháu “có điều kiện” ăn tại trường. Số trẻ còn lại, nhiều cháu được gia đình đón về ăn tại gia để tiết kiệm chi phí. “Nhiều PHHS cũng muốn tăng chất lượng bữa ăn ở trường cho các con lên mức cao hơn nhưng không thể có tiền đóng thêm. Nếu trường tăng tiền ăn lên cao hơn, chắc chắn số trẻ bỏ ăn ở trường sẽ nhiều lên”, bà Thức cho biết.
Theo bà Lã Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chè Long Phú (huyện Quốc Oai, Hà Nội), mức ăn của trẻ vẫn phụ thuộc vào khả năng đóng góp của PHHS. Trẻ học ở những khu vực có điều kiện thì được “ăn tốt, ăn sang” và ngược lại. Trong khi một số trường ở nội thành duy trì mức ăn là 15.000 đồng ngày thì với số tiền đó, 300 trẻ ở Trường Chè Long Phú có thể ăn được trong hơn hai ngày. Tương tự như vậy, tại Trường Mầm non Xuy Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), mặc dù tiền ăn đã được tăng thêm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức 6.000 đồng/ngày (trước đây chỉ 4.500 đồng/ngày). Theo bà Đỗ Thị Ngọ, Hiệu trưởng nhà trường, để có thể tăng thêm 1.500 đồng, trường đã phải tính toán, cân nhắc rất kỹ rồi mới dám đề xuất với PHHS. Tuy nhiên, do số tiền ăn đóng góp khiêm tốn nên bữa chính chỉ được phép ăn trong mức tiền 4.000 đồng. Bữa phụ buổi chiều là 2.000 đồng nên các cháu không được uống sữa như trẻ ở nội thành mà chỉ ăn quả chuối hay vài cái bánh quy…
Với mức tiền thu ít, nhiều trường ngoại thành đã tính toán bỏ sữa ra khỏi thực đơn, hoặc thay sữa tươi bằng sữa đậu nành để hạ giá thành. Giảm bớt lượng thịt, tăng chế phẩm đậu phụ, lạc, vừng… Hoa quả đắt tiền cũng bỏ qua mà thay bằng hoa quả nội bình dân, mùa nào thức đó nên giá sẽ rẻ hơn…
Phụ huynh đóng gạo chống bão giá
Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều trường mầm non đã áp dụng cách đóng góp rất linh hoạt là để PHHS đóng góp gạo (vốn là thứ có sẵn trong nhà nông) để giảm chi phí đóng góp. Chẳng hạn tại Trường Mầm non Quất Động, thay vì phải đóng 6.500 đồng tiền ăn/ngày, PHHS có thể đóng góp 2,5 lạng gạo/ngày và 4.000 đồng tiền ăn. Tại Trường Mầm non Phú Túc huyện Phú Xuyên, mỗi cháu đi học đóng góp 1,36 lạng gạo/ngày và 4.000 đồng/ngày. Nếu không đóng gạo thì đóng 6.000 đồng/ngày. Nhờ kiểu đóng góp này mà nhiều PHHS ở vùng khó khăn đã “cầm cự” được để đưa con tới trường.
Theo quy định của ngành GD-ĐT, các trường phải cung cấp bữa ăn đủ năng lượng cho trẻ tại trường. Mặc dù vậy, vẫn không thể phủ nhận sự chênh lệch chất lượng hay sự phong phú của thực đơn bữa ăn của các trẻ ở các vùng khác nhau.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)