38 giáo viên (GV) hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở TP.Nam Định đang lo lắng về số phận của mình khi nhận được nguồn tin sẽ không còn cơ hội được đứng lớp do chỉ có bằng tại chức. Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng ai cũng như đang ngồi trên… lửa.
Còn lại gì sau hơn 10 năm đứng lớp?
Tiếp xúc với chúng tôi, chiều 4-11, cô T.H, nguyên GV Trường TH Trần Phú (TP.Nam Định), cho biết: “Tôi đã làm việc trong nghề 13 năm. Thế nhưng, từ tháng 9-2011 tôi đã phải nghỉ dạy. Hiệu trưởng nhà trường nói trường đã có giáo viên biên chế nên không có tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng”. Tuy chưa bị nghỉ việc nhưng cô N.T.Th, Trường TH Nguyễn Trãi (TP.Nam Định) và nhiều GV khác lại tỏ ra khá lo lắng khi không biết bao giờ sẽ đến lượt mình khi tỉnh Nam Định chủ trương từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp bằng dân lập, tại chức.
Theo phản ánh của các GV thì vào những năm 1996-2000, khi ngành giáo dục tỉnh Nam Định có chủ trương đưa môn học tiếng Anh vào chương trình giảng dạy bậc tiểu học thì Trung tâm Ngoại ngữ trực thuộc Sở GD-ĐT Nam Định kết hợp với Viện ĐH Mở – ĐH Ngoại ngữ, ĐH QG Hà Nội mở hai khóa đào tạo cử nhân tiếng Anh bậc CĐ (khóa I: 1996-1998 và khóa II: 1998-2000). Khác với các lớp ĐH tại chức tập trung theo đợt, khóa này học tập trung một tuần 6 ngày, 1 năm học 11 tháng và 1 tháng nghỉ hè, giống như hệ CĐ chính quy. Nhiều học viên đinh ninh đây là khóa đào tạo chính quy cho đến khi kết thúc khóa nhận bằng mới biết đây là khóa học hệ tại chức. Vào thời điểm đó do nhu cầu ngành giáo dục cần nhiều giáo viên tiếng Anh nên ngay sau khi những sinh viên khóa I tốt nghiệp dù chưa nhận được bằng nhưng đã được Phòng GD-ĐT nhận dạy hợp đồng luôn. Về những năm sau này có người thì được Phòng GD-ĐT ký hợp đồng tiếp có người thì được các trường ký trực tiếp. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp hệ CĐ tại chức các giáo viên này cũng biết là khó mà tồn tại lâu dài. Chính vì thế để có tương lai chắc chắn 32/38 chị em lại phải “dùi mài kinh sử” thêm hai năm để lấy bằng ĐH nhằm trang bị thêm kiến thức để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đến cuối năm 2008, Sở GD-ĐT Nam Định có công văn thông báo về các trường, những giáo viên tốt nghiệp ĐH tại chức cần phải học thêm một lớp chuẩn hóa từ 8-10 tháng để có chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ ĐH chính quy cho cử nhân hệ tại chức ngành tiếng Anh sư phạm. Không quản ngại tuổi tác 20 giáo viên trong số này lại tuân thủ chấp hành. Số còn lại nếu tiếp tục giảng dạy họ sẽ học tập và bổ túc thêm theo yêu cầu nâng cao của ngành.
Nhưng oái oăm ở chỗ khi cầm giấy chứng nhận này lên Sở Nội vụ Nam Định thì lại bị từ chối và vẫn được liệt vào danh sách đối tượng không được tham gia đăng ký tuyển dụng.
Một giáo viên đã phải bật khóc nói: “Tại sao Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chứng nhận đạt trình độ tương đương ĐH chính quy thì ngành nội vụ và ngành giáo dục lại không công nhận”. Cô P.T.N (GV Trường TH Nguyễn Viết Xuân) cũng thảng thốt: “Chỉ vì tấm bằng tại chức mà chúng tôi đã phải theo học lớp này, lớp nọ để đáp ứng yêu cầu đề ra. Tính ra quãng thời gian theo học của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều so với học chính quy ngày nay. Tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vậy bây giờ cấp trên sa thải tôi ra khỏi ngành thì tôi biết đi đâu? Về đâu? Và làm gì? Ai sẽ nhận tôi vào làm việc khi ở tuổi 34 này?”…
Hết tự chọn – hết dạy
Trao đổi vớichúng tôi về việc không có biên chế cho GV tiếng Anh tiểu học, ông Bùi Thanh Khiết, cán bộ tổ chức Phòng GD-ĐT TP.Nam Định cho biết: “Khi những GV này hợp đồng thì tiếng Anh vẫn là môn học tự chọn nên chưa có biên chế. Sau này Bộ GD-ĐT có quyết định đưa môn tiếng Anh vào trong nhà trường, ban đầu thì thí điểm và bây giờ thì mở rộng nên mới có biên chế. Tuy nhiên thời điểm bộ đưa ra quyết định này thì nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (Nghị quyết 08) đã được thông qua. Chính vì thế những GV này không có cơ hội tham gia tuyển dụng (Nghị quyết 08 được ký tháng 8-2007 trong đó quy định chỉ tuyển dụng mới những người tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy)”.
Ông Khiết cũng cho biết, trước kia tiếng Anh là môn tự chọn nên nhà trường thỏa thuận với phụ huynh để trả lương cho GV hợp đồng. Bây giờ đã có biên chế nên vừa qua UBND tỉnh có văn bản yêu cầu không được phép thu tiền của HS nữa. Chính vì thế hiện nay các trường không có nguồn thu để trả tiền cho GV hợp đồng nữa.
Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định cho biết thêm, từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các khóa học tại chức trên, năm 2001 UBND tỉnh Nam Định có quyết định tổ chức sơ tuyển những GV có bằng tốt nghiệp tiếng Anh hệ tại chức. Những người đạt từ điểm 5 về chuyên môn sẽ được đưa vào danh sách xét tuyển vào biên chế ngành giáo dục năm đó và kết quả có 240 đạt yêu cầu. Cũng trong năm này, UBND tỉnh đã có quyết định tuyển vào công chức ngành giáo dục 100/240 người. Một năm sau đó, tỉnh tuyển bổ sung từ nguồn trên thêm 42 người nữa. Như vậy, còn khoảng 50 GV tiếng Anh đạt sơ tuyển nhưng không được tuyển vào biên chế đã được các trường, phòng giáo dục ký hợp đồng giảng dạy tiếng Anh cho các trường do nguồn giáo viên tiếng Anh khi đó còn thiếu.
Tuy nhiên khi được hỏi về kì thi sơ tuyển này thì hầu hết 38 GV đều trả lời là không biết. Họ cho hay, những năm trước đây thì có một số biên chế GV dạy tiếng Anh cấp THCS cho các huyện nhưng do điều kiện hoàn cảnh gia đình nên không thể tham gia được. Còn đối với địa bàn thành phố thì nhiều năm nay không có biên chế GV tiếng Anh tiểu học thậm chí là THCS.
“Thời điểm đó có thông tin trước sau gì cũng có chỉ tiêu biên chế GV tiếng Anh tiểu học nên chúng tôi luôn tâm huyết dạy để nuôi hi vọng. Ai ngờ ngày hôm nay lại có nguy cơ ra khỏi ngành”, cô T.H cay đắng nói.
Vẫn chưa có “phán quyết” cuối cùng
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp thì việc tuyển một số GV học hệ tại chức trước đây vào biên chế là vấn đề lịch sử để lại. Sở dĩ những GV trên vẫn chỉ là GV hợp đồng vì trước đây không đạt yêu cầu trong các kỳ tuyển công chức. Sau khi có Nghị quyết 08, chúng tôi không được phép tuyển công chức vào các ban, ngành nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ tại chức… nên không thể vượt rào.
Hơn nữa, hiện nay tại TP.Nam Định không còn biên chế cho GV tiếng Anh nữa. Nguồn GV tiếng Anh đã đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng, do chủ trương ưu tiên tuyển GV tốt nghiệp chính quy.
Ông Tiệp cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại chưa có một quyết định nào về việc những GV này phải nghỉ dạy cả.
“Theo tôi được biết vấn đề này bản thân UBND TP.Nam Định và Sở GD-ĐT vẫn chưa có một phương án nào báo cáo lên UBND tỉnh. Còn nếu đề xuất thì phải đưa ra phương án nào đó hợp lý, chứ giáo viên đã dạy hợp đồng nhiều năm thì cần phải tạo điều kiện cho họ. Dù biên chế hay hợp đồng tiếp thì cũng phải có chế độ thỏa đáng cho người ta”, ông Tiệp nêu ra quan điểm.
Cũng để tìm hiểu sâu thêm về cách giải quyết vụ việc trên, ông Nguyễn Minh Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.Nam Định, cho biết, hiện nay UBND thành phố đang cố gắng tập trung giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các GV. Còn giải quyết như thế nào thì phải căn cứ vào chế độ chính sách. Còn chế độ chính sách ấy như thế nào thì Sở Nội vụ sẽ tham mưu.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)