Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo Dục – đào tạo TP.HCM: Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường được đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên để giáo dục học sinh tốt hơn
Hôm nay (ngày 2-8), tại Hội trường TP, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014. Mặc dù khó khăn vẫn chưa hết nhưng với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT, của lãnh đạo TP, ngành GD-ĐT TP.HCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2012-2013, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học…
Đa dạng loại hình trường lớp
Trước nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân, mạng lưới các trường lớp trên địa bàn TP cũng ngày càng được mở rộng, đa dạng về loại hình. Bên cạnh các trường công lập đơn thuần, còn có các trường công lập tự chủ tài chính, trường chất lượng cao, trường có yếu tố nước ngoài, trường ngoài công lập.
Hầu hết các trường đều áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, dạy theo hướng cá thể… Ngoài việc tổ chức đổi mới phương pháp dạy học, nhiều trường đã vận dụng tốt việc tích hợp các nội dung giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống vào dạy học bộ môn. Cụ thể ở tiểu học, các trường đã đa dạng hóa loại hình dạy học ngoài trời, học thực tế tại vườn trường. Nhờ vậy, giờ học trở nên sinh động hơn, học sinh tiếp thu kiến thức bài học cũng tốt hơn. Đối với học sinh lớp 1, các trường không cho điểm từ 2 đến 4 tuần đầu năm học. Qua đó góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh, tạo điều kiện cho các em ham thích đến trường, hứng thú trong việc học. Ở phổ thông, hầu hết các trường đã tổ chức thực hiện có chất lượng nội dung giáo dục địa phương theo quy định.
Song song đó, mạng lưới các trường chuyên nghiệp ngày càng hoàn chỉnh, cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của TP. Trong năm học qua, Sở GD-ĐT đã hợp tác với nhiều tổ chức giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc TCCN, thu hút học sinh sau trung học vào học.
Không chỉ quan tâm đến đối tượng học sinh phổ thông, ngành GD-ĐT TP cũng chú trọng đầu tư cho GDTX. Do đó, công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa được đẩy mạnh. Các trung tâm học tập cộng đồng phát triển, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh và đẩy mạnh quá trình xây dựng TP trở thành xã hội học tập.
Bên cạnh việc dạy chữ, ngành giáo dục TP cũng không quên nhiệm vụ dạy người. Các trường đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong đoàn viên – học sinh thông qua các môn học lịch sử, giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt dưới cờ… Đẩy mạnh việc phát triển hoạt động tư vấn học đường. Tính đến nay toàn TP đã có 285 đơn vị thành lập phòng tư vấn với 102 giáo viên tư vấn chuyên trách, 322 giáo viên tư vấn kiêm nhiệm. Năm qua đã tư vấn được 15.321 ca trực tiếp, 8.557 ca gián tiếp và 27.918 lượt tư vấn với các hình thức khác (tập huấn, giáo dục chuyên đề).
Chăm lo cho đội ngũ nhà giáo

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn tặng hoa chúc mừng cho 2 học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM vừa đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Ảnh: Ngọc Anh
Người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chăm lo đời sống, điều kiện làm việc của giáo viên là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ thực tế này, ngành giáo dục TP luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Trong năm học qua, Sở GD-ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh cho trên 5.000 giáo viên tiểu học, THCS, THPT, GDTX và GDCN. Mặt khác, để tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học cho giáo viên, TP ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng trường học, đưa vào sử dụng 1.464 phòng học mới với tổng kinh phí là 1.551 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thêm 699 phòng chức năng như phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, phòng y tế, phòng hỗ trợ khuyết tật. Hệ thống thư viện trường học được đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị mới và bổ sung sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa, sách giáo khoa. 100% trường học được nối mạng internet phục vụ cho công tác quản lý và giao lưu hoạt động chuyên môn. Trong năm TP đã bố trí thêm kinh phí mua sắm 375 màn hình đa chức năng, 1.558 bộ thiết bị tối thiểu.       
Mặt khác, các chế độ phụ cấp của giáo viên đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã trực tiếp giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Trong năm học mới 2013-2014, ngành GD-ĐT sẽ đổi mới phương thức tuyển dụng nhằm thu hút nguồn nhân lực đảm bảo cung cấp đủ số lượng giáo viên cho các cấp học, ngành học.Trong đó, quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Thành lập Trường CĐ Sư phạm và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên TP”. Tích cực tham mưu UBND TP ban hành các cơ chế, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm thu hút người giỏi, tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của TP.
Năm học 2013-2014 được Sở GD-ĐT TP lấy chủ đề là: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy – phát triển năng khiếu và phẩm chất học sinh”. Theo đó, ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là triển khai thực hiện đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Hợp tác quốc tế để nâng chất lượng nguồn nhân lực
Từ năm 1996 đến nay, hoạt động hợp tác quốc tế của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tập trung vào việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức phi chính phủ; giao lưu văn hóa – đến nay đã có hơn 10 trường ĐH, CĐ ở Hàn Quốc gửi trên 800 sinh viên đến trường giao lưu văn hóa; hợp tác phát triển và chuyển giao chương trình đào tạo – trường đã tham gia tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên và hợp tác phát triển chương trình hai ngành công nghệ thông tin đa phương tiện và cơ điện tử tại Singapore. Triển khai dự án trên, trường đã tuyển sinh 8 lớp với tổng số 300 sinh viên hai ngành IT-Media và Mechatronic. Đã có hơn 60 sinh viên tốt nghiệp và đều có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Ngoài ra, trường còn được Bộ GD-ĐT chọn tham gia chương trình hợp tác với Hiệp hội Thúc đẩy GD-ĐT ở nước ngoài (APEFE, Vương quốc Bỉ) để thực hiện 2 chương trình đào tạo là quản lý siêu thị và quản lý kho.
Trường cũng ký kết và triển khai các hoạt động liên kết với nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong việc đưa giáo viên, sinh viên đến tham quan, học tập, thực tập và tổ chức giao lưu tìm hiểu nhu cầu cũng như yêu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.
 
Cho trẻ tới lớp 5 tuổi thay vì học chữ trước
Để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non với tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98,95%, Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú đã chủ động trong công tác tuyên truyền giới thiệu bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, chương trình giáo dục mầm non mới, chương trình lớp 1 cho cha mẹ học sinh và cộng đồng dân cư 11 phường. Bên cạnh đó nêu rõ trách nhiệm của phụ huynh và quyền lợi của trẻ 5 tuổi khi ra lớp mầm non. Giải đáp thắc mắc của từng cha mẹ có con trong độ tuổi phổ cập mầm non, so sánh chương trình và phương pháp giáo dục giữa mầm non 5 tuổi và chương trình dạy lớp 1 để cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn về tâm sinh lý của trẻ 5 tuổi. Từ đó hạn chế tối đa tâm lý chuộng cho con ở nhà học chữ trước, không cho đến lớp mẫu giáo 5 tuổi. Ngoài ra, Ban chỉ đạo CMC-PCGD phường phối hợp với các trường mầm non tổ chức huy động trẻ 5 tuổi đến lớp thông qua Câu lạc bộ “Ông bà cháu”, “Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc”, hội khuyến học từng phường hỗ trợ kinh phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp…
 
 

Bình luận (0)