Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Kiềng 3 chân đang suy yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) hiện nay đang có nhiều vấn đề. Đó cũng chính là nội dung cuộc hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 11-4 tại ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.
Thiếu giáo viên, thiếu thời gian
TS. Chu Văn Yêm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết thực hiện ý kiến của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tháng 4-2013, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố, gồm: TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Ninh Bình. Tại mỗi tỉnh, thành phố, đoàn đã làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, khảo sát thực tế tại 22 trường, 43 lớp; đồng thời trực tiếp lấy ý kiến qua phiếu khảo sát đối với 295 giáo viên và 1.494 HS từ lớp 3 đến lớp 12 (mỗi địa phương khảo sát 3 trường: 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT). Kết quả cho thấy 39% giáo viên coi môn giáo dục công dân (GDCD) là môn phụ; 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức. Có tới 58% giáo viên cho rằng số lượng giáo viên GDCD là chưa đủ; 47% cho rằng trình độ, chất lượng của đội ngũ này chưa bảo đảm. Về đời sống của giáo viên dạy đạo đức/GDCD còn nhiều khó khăn, không có thu nhập thêm. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy môn đạo đức/GDCD (chỉ có TP.HCM hỗ trợ cho giáo viên dạy GDCD, pháp luật và giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với mức hỗ trợ 500.000đ/tháng). Kết quả khảo sát: 73% giáo viên cho rằng, mức lương hiện tại không đủ sống; 100% giáo viên không có thu nhập thêm, cũng như không có chế độ đãi ngộ đặc thù dành riêng cho giáo viên dạy đạo đức/GDCD. Về thời lượng môn học, báo cáo cho thấy môn đạo đức/GDCD là 1 tiết/tuần (ở cả 3 cấp học), chiếm khoảng 4% thời lượng toàn chương trình (tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các môn học ở bậc tiểu học đến THPT). Nhiều địa phương cho rằng thời lượng ít, không đủ truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa, kiến nghị tăng thời lượng môn đạo đức/GDCD.
Bên cạnh đó, tổng xếp loại hạnh kiểm HS từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự suy giảm về đạo đức trong HS phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng lên. Cụ thể, ở bậc THCS tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt đạt trên 70% nhưng lên THPT chỉ còn trên 65%; trong khi đó, tỷ lệ HS xếp loại khá ở THCS là trên 23%, THPT là trên 24%. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT cho rằng tình trạng không trung thực trong thi cử vẫn còn khá nhiều ở các trường. Khảo sát và phỏng vấn sâu 3.000 cán bộ, giáo viên của Bộ GD-ĐT cho thấy có trên 18% HSSV được hỏi cho biết hiện tượng quay cóp khi làm bài kiểm tra còn tương đối nhiều, trên 32% cho là không có. Nhưng có tới gần 36% phân vân khi được hỏi về việc gian lận trong thi cử.
“Khoán trắng” cho nhà trường
Tình trạng HSSV vi phạm đạo đức, lối sống, đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo không còn là chuyện hiếm và đang là một hiện tượng không đẹp trong giới trẻ hiện nay. TS. Chu Văn Yêm cho rằng đối với HS tiểu học: Qua khảo sát thực tế, các em mới bắt đầu tiếp thu kiến thức, nhận thức xã hội… và bước đầu thực hành chuẩn mực đạo đức theo hướng dẫn của thầy cô, gia đình, chưa phải chịu nhiều tác động bởi những tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù ở lứa tuổi này chưa có nhiều hành vi lệch lạc, song nét cốt lõi của nhân cách lại được hình thành chủ yếu trong giai đoạn này; thực tế tính ích kỷ, biệt lập, thiếu tính cộng đồng trong HS tiểu học có xu hướng tăng theo thời gian và theo lứa tuổi. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức ở cấp học này, không để tiềm ẩn nguy cơ lệch lạc trong những cấp học sau này. Còn đối với HS THCS và THPT, báo cáo của các địa phương cho thấy: Đại đa số các địa phương có tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt, khá chiếm trên 90%; cá biệt một vài địa phương có tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt, khá thấp nhưng cũng đạt khoảng 85%. Như vậy, có thể thấy đại đa số HS phổ thông ngoan ngoãn. Số liệu này là đáng mừng nhưng phần lớn giáo viên các trường vẫn chưa yên tâm về tính bền vững của giáo dục đạo đức (trong khuôn viên của nhà trường các em tỏ ra ngoan ngoãn nhưng khi ra ngoài rất khó kiểm soát hành vi của các em). Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường trong việc giáo dục con em mình, chưa thực sự có sự cộng đồng trách nhiệm giữa gia đình, xã hội với ngành GD-ĐT, trong khi dư luận thường coi mọi lỗi lầm do HS gây ra là thuộc trách nhiệm của nhà trường. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học… chưa được phát huy đúng mức; vẫn còn độ vênh tương đối cao giữa kiến thức của môn đạo đức/GDCD trong nhà trường với thực tế ngoài xã hội; sự đưa tin “một chiều” về hiện tượng một số giáo viên vi phạm đạo đức làm ảnh hưởng tới môi trường sư phạm, hình ảnh chung của người thầy… Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng để giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đạt hiệu quả thì việc thực hiện mô hình tam giác giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở cả ba góc của tam giác này đều đang suy yếu. Ngành giáo dục chưa coi trọng đúng mức vai trò của giáo dục đạo đức mà quá tập trung vào truyền thụ kiến thức với những kỳ thi cử liên miên trong khi một số gia đình có tư tưởng “khoán trắng” việc dạy dỗ con cái cho nhà trường, còn xã hội lại có nhiều tác động tiêu cực. Kết quả điều tra của Vụ Công tác HSSV cũng cho thấy, 50% HS, SV được hỏi cho rằng sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường và cộng đồng còn lỏng lẻo, không kịp thời; 30,27% cho rằng cha mẹ chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con em.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)