Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Tiếp bước trường thi 2011”: Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành, chọn nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM dành cho thí sinh tỉnh Bến Tre tại chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2011 mang chủ đề “Tiếp bước trường thi” diễn ra vào chiều 14/3…

Chương trình do báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre tổ chức, được phát sóng trực tiếp từ 14h 30 đến 16h 30 trên kênh THBT – Đài PTTH tỉnh Bến Tre.
Thí sinh tham gia tư vấn tại chương trình
Tham gia chương trình lần này có các chuyên viên tư vấn: Thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM và các chuyên gia đến từ các trường: ĐH Quốc tế Hồng Bàng,ĐH Công nghiệp, ĐH Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Hùng Vương, HV Tài Chính, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Quốc tế Kent, CĐ Phú Lâm, CĐ Nghề Việt Mỹ, CĐ Tài Nguyên Môi Trường, CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trung cấp Đại Việt, Trung cấp Quốc tế VABIS Hồng Lam…
Thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, tư vấn tại chương trình
Mở đầu buổi tư vấn, thầy Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã có những chia sẻ chân thành cùng những lưu ý của mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, năm nay thời hạn nộp hồ sơ sẽ kéo dài một tháng. Hồ sơ gồm có 1 phiếu nộp cho Sở GD-ĐT tại nơi thí sinh cư trú, phiếu số 2 giữ lại để đối chiếu thông tin trong trường hợp phiếu số 1 bị thất lạc.  Đối với thí sinh đang là học sinh phổ thông thì nộp hồ sơ ngay tại trường. Với các thí sinh tự do thì nộp hồ sơ tại các điểm do Sở GD- ĐT quy định hoặc nộp trực tiếp tại trường. Thời hạn xét tuyển nguyện vọng 2 kéo dài thêm 5 ngày (từ 25-8 đến 15-9) nên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn trường, chọn ngành… Ngoài ra, thí sinh phải đến trước ngày thi một ngày để điều chỉnh thông tin nếu có sai sót. Đặc biệt nên ghi đầy đủ, chính xác hồ sơ và địa chỉ liên lạc để cán bộ tuyển sinh các trường dễ liên lạc với các em khi có vấn đề phát sinh, thầy Cường, chia sẻ.
Cơ hội việc làm khi ra trường thế nào? Đó là tâm tư chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với nhiều thí sinh đến tham dự chương trình, cũng như qua các câu hỏi gửi về ban tư vấn. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nhiều HS đã mạnh dạn giơ tay xin được tư vấn trực tiếp. Báo giáo dục TP.HCM trích đăng một vài câu hỏi:

Ông Trần Phúc Hậu – Thư ký Tòa soạn Báo Giáo dục Online TP.HCM trao tặng tượng trưng 100 cuốn cẩm nang cho thầy Lâm Trí Thiết, Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre.

– Em muốn học ngành nữ công gia chánh thì phải thi vào ngành nào của trường nào?", HS Nguyễn Thị Mỹ Dung, THPT Châu Thành B, thắc mắc.
ĐH Sài Gòn: "Các bạn có thể thi vào chuyên ngành Kinh tế Gia đình của chúng tôi. Nếu học ngành này, SV sẽ được học những môn học về nữ công gia chánh như: Cắm hoa, Nấu ăn, làm bánh…
Em Nguyễn Thị Minh Phương, THPT Nguyễn Huệ, hỏi: “Xin thầy cô cho biết ngành tài chính ngân hàng ở ĐH Hoa Sen có gì mới so với những trường khác? Việc làm đầu ra có ổn định không?”
Th.S Trần Phương (ĐH Hoa Sen): Ngành Tài chính-Ngân hàng ở Đại Học Hoa Sen chú trọng vào tính Thực tiễn và tính Quốc tế. Theo đó, nội dung chương trình được biên soạn dựa trên giáo trình tại các trường đại học nổi tiếng của Anh, Úc, Mỹ và tài liệu của chương trình CFA (chương trình đào tạo chuyên gia phân tích tài chính của Mỹ). Đội ngũ giảng viên phần lớn được đào tạo tại các trường Đại học ở nước ngoài và có khỏang hơn 40% đội ngũ giảng viên đi làm thực tế bên ngoài và đang giữ những vị trí quản lý trong các tổ chức tài chính trong nước và  nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.  
Ngoài ra, hệ thống tài liệu và giáo trình của các môn chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh, đồng thời sinh viên có cơ hội được nhà trường, khoa hỗ trợ để thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, và tham gia vào các diễn đàn, các buổi hội thảo để nâng cao kiến thức thực tế trong suốt qua trình học. 
Nhờ được trang bị kiến thức mang tính thực tế và  có mức độ chuyên môn cao, đồng thời ngành Tài Chính-Ngân hàng cũng đang khát nhân lực nên sinh viên Hoa Sen có cơ hội việc làm rất tốt sau khi ra trường.
-Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành có ngành điều dưỡng và dược sĩ không? Điểm chuẩn có cao không?, HS Trần Thị Tuyết, THPT Phan Văn Trị, thắc mắc.
Thầy Phan Hữu Tấn Đức, chia sẻ: Bốn tháng nữa, trường CĐ Nguyễn Tất Thành sẽ nâng cấp và trở thành trường ĐH. Các em đừng chủ quan mà không thi Cao đẳng vì các em có nhiều nguyện vọng, cơ hội để đi học. Năm vừa rồi, trường xét NV3 chỉ 10 điểm. Nếu rớt THPT vẫn có cơ hội học lên ĐH bằng các hình thức liên thông. Ngành điều dưỡng và dược sĩ hệ TCCN tại trường đào tạo trong thời gian 3 năm 3 tháng. 
– Trần Thu Hồng (THPT Trần Văn Ơn), băn khoăn: “Gia đình em gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vậy có trường nào hỗ trợ cho em được theo đuổi con đường ĐH hay không?
Thầy Ngô Trí Dũng (ĐH Quốc tế Hồng Bàng): Trường sẽ hỗ trợ cho em có được chỗ ở trong KTX. Trong quá trình học, trường sẽ xem xét nếu em thuộc diện ưu tiên như: con thương binh, liệt sĩ, nhà nghèo… trường sẽ hỗ trợ miễn giảm học phí từ 50% đến 100%. Ngoài ra, nếu các em học khá, giỏi sẽ được nhà trường cấp học bổng khuyến khích học tập. Đặc biệt, trường sẽ giới thiệu việc làm thêm cho các em SV có nhu cầu tìm kiếm việc làm để trang trải cho việc học tập.
– HS Trần Văn Hoài Linh, THPT Phan Văn Trị, hỏi: "Nếu như em thi không đỗ ĐH thì liệu có cơ hội nào để được đi học ngay trong năm nay hay không?".
Thầy Lý Trung Vinh (TC Đại Việt), khẳng định: "Bạn có thể đi đường vòng, học lên từng cấp. Các bạn học lực trung bình chưa đủ sức đỗ đại học thì có thể học trung cấp hoặc cao đẳng, rồi sau đó học tiếp liên thông lên đại học". Hiện nay có rất nhiều trường được phép đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học…
HS Lê Trường Khanh, THPT Nguyễn Huệ, hỏi: “Sức vóc em khá nhỏ con, em muốn hỏi ĐH Công nghiệp có ngành nào đào tạo mà không yêu cầu sức khỏe nhiều không?”
ĐH Công nghiệp: Có hai khối công nghệ và y tế, bạn có thể thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, tại ĐH Công nghiệp TP.HCM có rất nhiều ngành không thuộc hai khối trên nhưng cũng không yêu cầu sức vóc nhiều như: cơ khí, công nghệ sinh học, hóa dầu… Sau khi TN, bạn có thể làm việc tại các phòng thí nghiệm…
– HS Lê Quang Kha, THPT Nguyễn Huệ, hỏi: “Em được biết Trường CĐ Phú Lâm mạnh về chương trình liên kết nước ngoài. Nhà trường có thể cho em biết thêm thông tin về các chương trình liên kết không?”.
Thầy Trần Lâm Bạch (Trường CĐ Phú Lâm): Trường có chương trình liên kết với Học viện Công nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc. Sau 2 năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ học tại Học viện Công nghiệp Quảng Tây với mức học phí 13 ngàn nhân dân tệ/năm. Ngoài ra, trường còn có đào tạo chương trình tiên tiến với nghề cơ điện tử và đa phương tiện với Singapore. Học phí của các chương trình liên kết đều theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đại diện trường ĐH Hồng Bàng (góc trái) trao tặng 5 suất học bổng cho HS tỉnh Bến Tre thông qua đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre
-HS Võ Nguyễn Xuân Trúc, THPT Nguyễn Thị Định, thắc mắc: “Thầy có thể giới thiệu sơ nét về Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, mức học phí ra sao?”
ĐH Công nghệ Sài Gòn: Trường là ngôi trường ĐH khang trang nhất quận 8, trường đào tạo rất nhiều ngành nghề như: Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Công trình, Cơ Khí…Mức học phí của Trường tương đối trung bình so với các trường ĐH ngoài công lập khác.
Báo Giáo dục TP.HCM xin cảm ơn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã tài trợ cho chương trình.

– Một HS Trường THPT Phan Văn Trị, hỏi: “Trường Cao đẳng Quốc tế Kent đào tạo những chuyên ngành nào? Điều kiện để theo học?
CĐ Quốc tế Kent: Cao đẳng Quốc tế Kent là trường đầu tiên của Úc được Bộ GD&ĐT Việt Nam cấp giấy phép đào tạo chương trình Diploma và Advanced Diploma của Úc tại Việt Nam. Sinh viên có thể chọn chương trình đào tạo CĐ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt  với các ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Quản trị Marketing, Phát triển Website, Truyền thông đa phương tiện. Điều kiện nhập học:Chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Quản trị Marketing thì đối với chương trình dạy bằng tiếng Việt (Tốt nghiệp THPT), Đối với chương trình dạy bằng tiếng Anh (Chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc tương đương) Chuyên ngành Phát triển Website và Truyền thông đa phương tiện: Học viên đã tốt nghiệp Phổ thông trung học trở lên và không yêu cầu tiếng Anh.
– Một HS trường THPT Trần Văn Ơn, đặt câu hỏi : “Em nghe nói năm nay có nhiều trường áp dụng nguyện vọng 1B, thầy có thể giải thích?”.
Thầy Nguyễn Quốc Cường, giải thích: “Cho đến nay, Bộ GD&ĐT không công nhận NV 1B, do vậy không có trường nào được áp dụng xét tuyển theo NV 1B. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng ưu tiên cho ĐH Quốc Gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội được áp dụng NV 1B này.
Cũng nhân dịp này, ĐH Quốc tế Hồng Bàng và CĐ Nguyễn Tất Thành đã trao tặng 10 suất học bổng (trị giá 500.000đ/suất) cho các em HS nghèo học giỏi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Nhóm PV Giáo dục

Bình luận (0)