Khai trương rầm rộ 3 năm trước, những chuyến tàu liên vận từng được kỳ vọng thu hút nhiều khách du lịch từ Trung Quốc qua Việt Nam và ngược lại bằng đường sắt. Tuy nhiên, hiện có những chuyến cả đoàn tàu chỉ có 1-2 hành khách.
Một chuyến tàu liên vận quốc tế. Ảnh: Thu Thủy. |
Chuyến tàu hỏa cô độc
Dân trong ngành đường sắt thường ví tàu liên vận quốc tế với cái tên như vậy, bởi vì mang danh thương hiệu quốc tế, nhưng thường mỗi chuyến chỉ có 2 toa tàu và một đầu máy.
Nhiều chuyến, nhân viên phục vụ tàu còn đông hơn hành khách. Tàu ngắn nên nhân viên có buồn cũng chỉ quanh quẩn trong một phạm vi hẹp nhìn nhau rồi ngáp vặt. Chuyến tàu cứ lầm lũi xuyên màn đêm lên biên giới Việt-Trung một cách cô độc.
Tàu hỏa đi Bắc Kinh khởi hành tại ga Hà Nội vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần. Giá vé chiều Hà Nội – Bắc Kinh khoảng 333 USD. Đường sắt Việt Nam hiện hơn 120 năm tuổi, đang bị các hình thức vận tải khác (xe khách, máy bay…) cạnh tranh khốc liệt. Giá vé cao nhất trên tàu khách Thống Nhất một chiều Hà Nội-TPHCM đắt ngang vé máy bay và cao hơn nhiều so với xe khách giường nằm (cùng hành trình).
|
Hiện có 2 chuyến tàu liên vận quốc tế có tên M 1,2 (của Việt Nam) chạy cách nhật và MR 1,2 (của Trung Quốc) chạy thường xuyên. Tàu M 1,2 (chỉ chạy được trên khổ đường sắt rộng 1m phổ biến ở Việt Nam) do phía Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội quản lý, xuất phát từ ga Hà Nội và dừng ở ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Sau đó, hành khách chuyển sang tàu khách của Trung Quốc (với khổ đường ray rộng hơn chỉ tương thích với tàu hoả của nước bạn).
Tàu MR 1,2 xuất phát từ ga Gia Lâm (Hà Nội) do phía Trung Quốc quản lý (gồm nhân viên và trưởng tàu, toa xe với khổ đường ray 1,4 m có thể chạy một mạch xuyên qua Trung Quốc).
Những chuyến tàu liên vận này chỉ được vài khoảnh khắc nhộn nhịp vào dịp Tết Nguyên đán do lượng du học sinh đổ về. Tuy nhiên, gần đây, phần lớn hành khách chọn ô tô hoặc máy bay.
Một lãnh đạo Cty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội nói: “Hiện, thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách đi tàu liên vận quốc tế còn phức tạp. Tàu đến ga Đồng Đăng, hành khách đã phải làm xuất cảnh một lần, sau đó chạy 30 km tới ga Bằng Tường (Trung Quốc) lại mất 2 tiếng chờ kiểm tra”.
Trong thực tế, đây chỉ là vấn đề thứ yếu. Chủ yếu, khách ít là do giá vé quá cao và tiện nghi trên tàu không hơn các chuyến tàu nội địa Việt Nam là mấy. Riêng giá vé Hà Nội-Bắc Kinh đã gần bằng giá tour du lịch sang Trung Quốc gồm đi lại, ăn nghỉ. Trong khi thời gian đi lại quá lâu, khoảng 13 tiếng.
Nhiều chuyến tàu nội địa cũng… hiu hắt
Với hiện trạng như trên, doanh thu mỗi chuyến tàu không đủ bù chi. Tàu liên vận quốc tế cứ chạy lay lắt, thậm chí ít người biết tới sự hiện diện của nó.
Điều hữu ích nhất, có lẽ là nhiều cán bộ ngành đường sắt được đi tàu liên vận quốc tế với giá vé rất thấp (do thuộc Tổ chức Hợp tác Đường sắt Quốc tế nên được giảm giá) để sang Trung Quốc tham quan, học tập cách tổ chức hệ thống đường sắt của nước bạn.
Cũng vị lãnh đạo trên nói đại ý: Dù lỗ cũng phải chạy vì đây là những chuyến tàu nằm trong khuôn khổ đã ký nghị định thư giữa 2 nước.
Vị này cũng dẫn chứng thêm, ngay cả những chuyến tàu địa phương (tàu chợ) như Hà Nội đi Quán Triều (Thái Nguyên) doanh thu chỉ 3 triệu đồng nhưng vẫn phải chạy để phục vụ dân sinh; tàu Yên Viên-Hạ Long…cũng tương tự.
Chuyến đông khách nhất hiện nay như Thống nhất Hà Nội – TPHCM, dịp cao điểm, doanh thu một chuyến cả đi lẫn về (trong vòng 3 ngày) khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, chuyến doanh thu cao bù chuyến doanh thu thấp, “giữ được cân bằng doanh thu toàn mạng lưới đường sắt là may lắm rồi”, lãnh đạo Cty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội nói.
Đình Thắng (TPO)
Bình luận (0)