Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lao động “chui” ở xứ Hàn: Kỳ 1: Tan biến giấc mộng đổi đời

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động “chui” Việt Nam đang làm việc tại một công ty may mặc ở Hàn Quốc (ảnh do nhân vật cung cấp) 
Để có được tấm visa dành cho lao động tu nghiệp sinh, lao động cấp phép (phải trải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn) hay visa du lịch, du học có thời hạn… cho con em mình, một số gia đình sẵn sàng chi ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, phía sau những tấm “vé” ấy không phải lúc nào cũng là một thiên đường…
Là một trong những địa phương có lực lượng lao động ở Hàn Quốc thuộc dạng “tốp” ở TP.HCM, huyện Củ Chi được xem như là một điển hình về sự giàu lên từ phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đó là lý do mà nhiều thanh niên mới lớn ở địa phương này thường đặt tiêu chí xuất ngoại mưu sinh lên hàng đầu trong qui trình đi tới tương lai.
Đủ phương cách thực hiện… giấc mơ
Giống như nhiều thanh niên khác trong xóm, ngay từ khi mới lớn N.V.Sang cũng đã ấp ủ trong mình giấc mơ đó. Giấc mơ ấy cứ ngày một lớn dần khi Sang chứng kiến những người bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ ngày nào lần lượt quần Jeans, áo pull thẳng nếp, giày Adidas… tiếp bước nhau lên máy bay để đến “miền đất hứa”. Rồi nhà ông Bảy M. xóm trên vốn ngày nào nhếch nhác, khó khăn bỗng phút chốc phất lên trở thành “đại gia” nhờ có mấy đứa con đi XKLĐ. Tất cả những hình ảnh trên đã thôi thúc Sang hạ quyết tâm: Phải đi cho bằng được…
Thế là Sang về nhà thúc giục cha mẹ bán nửa mẩu đất bưng còn lại của gia đình để lấy tiền cho mình thực hiện giấc mộng đổi đời. Cầm 50 triệu đồng trong tay, Sang nhờ người quen “chạy” cho chiếc giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 với giá 5 triệu đồng. Khi đã có bằng cấp, Sang lặn lội xuống trung tâm TP đăng ký tham gia một khóa học tiếng Hàn cấp tốc. Sau 5-6 lần trật vuột trong khâu sơ tuyển vì kiến thức cơ bản trên “tiểu học” một chút mà Sang tiếp thu cách đây gần chục năm đã “ra đi” gần hết, cuối cùng nhờ người “chạy thuốc” nên Sang cũng được tuyển. Sau 3 tháng “bế quan luyện tiếng Hàn”, cuối cùng Sang cũng vượt qua kì thi nhận được visa nhập cảnh. Ngày Sang lên đường, cả xóm được một bữa tiệc linh đình kéo dài từ trưa cho đến tận chiều tối.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vào một buổi chiều, người dân Thái Mỹ lại thấy Sang lặng lẽ về nhà trên một chiếc xe ôm. Đến lúc này, cả nhà mới té ngửa ra khi Sang thông báo mình bị bắt và bị trục xuất vì lao động “chui”. Sang kể:“Qua đó mình được bố trí vào một xưởng cơ khí để làm. Được khoảng 3 tháng mình tình cờ gặp lại người bạn cũ. Qua vài lần đi lại, mình quyết định trốn vì lương nhân công ở các xưởng bên ngoài cao hơn 100-200 USD/tháng”. Tuy nhiên, với vốn tiếng Hàn chỉ ở dạng “mầm non”, cộng với tính tình thiệt thà, nên chỉ 3 tháng sau Sang bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ và bị trục xuất về Việt Nam ngay sau đó. Lương bị mất, số tiền thế chân cũng không được công ty XKLĐ trả lại. Thế là giấc mơ đổi đời của Sang tan biến!
Trong vòng hai năm trở lại đây, việc tiếp nhận lao động Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc gần như bị “đóng băng”. Nguyên nhân ngày càng có nhiều lao động Việt Nam tự ý phá vỡ hợp đồng để trở thành lao động bất hợp pháp. Không đến “miền đất hứa” được bằng con đường hợp tác lao động chính thức, nhiều người chuyển sang một số phương án khác. Phương án mà Nguyễn Văn V. (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) chọn là trở thành… du học sinh. Để có được tấm visa dạng này, gia đình V. đã phải chi ra gần 200 triệu đồng cho một công ty chuyên về môi giới du học ở quận Gò Vấp nhờ lo giúp. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài tháng sau khi đặt chân đến Hàn Quốc, V. đã “đào thoát” khỏi trường để ra ngoài làm kiếp lao động “chui”. Hỏi lý do thì người nhà của V. cho biết, nếu thực hiện theo đúng hợp đồng: Một buổi học nghề, một buổi đi làm thêm, tuần làm thêm không quá vài tiếng đồng hồ… thì lấy đâu ra tiền để trả nợ. Vả lại, mục tiêu ban đầu gia đình đặt ra cho V. là đi lao động, còn chuyện du học chỉ là cái cớ mà thôi! Giống như hàng ngàn lao động “chui” người Việt ở xứ sở “kim chi”, V. cũng vất vả chạy ngược chạy xuôi để tìm việc. Một người bạn của V. cho biết, hiện anh ta phải sống nhờ bạn bè vì vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Do vậy mà số tiền nợ đến nay đã gần hai năm nhưng gia đình V. vẫn chưa trả được.
Không chọn con đường lao động chính thức, cũng chẳng màng đến chiếc visa du học, T. (xã Thái Mỹ) chọn con đường du lịch để thực hiện ước mơ. Theo T. cách này nhanh và ít tốn kém, bởi so với du học nó chỉ tốn gần một nửa. Tuy nhiên, nếu muốn cách này “thuận buồm xuôi gió”, điều kiện tiên quyết là phải có ít nhất một người thân sống lâu năm ở Hàn Quốc, bởi nếu không có người dẫn dắt ban đầu rất dễ bị cảnh sát “túm”. Trường hợp của T. cũng thế, sau khi xuống Sân bay Incheo, cô đã được một người anh họ chờ sẵn đưa đi trốn. Hành lý, hộ chiếu T. bỏ lại tất! Chuyến du lịch đó, ngoài T. ra còn có hai cô gái ở Bến Tre và Trà Vinh cũng trốn thoát để đi làm theo dạng này. 
Hẩm hiu phận làm “chui”
Nhiều người ảo tưởng rằng, so với công việc đồng áng hay làm công nhân ở Việt Nam, lao động “chui” ở Hàn Quốc chắc chắn nhàn hạ hơn nhiều. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không hề giống như vậy. Anh Nguyễn Thành Lân, một người có thâm niên gần 10 năm sống “chui”, trải qua hàng chục công việc nặng nhọc ở nhiều công ty khác nhau cho biết: “Nghĩ như vậy là sai lầm lớn, bởi Hàn Quốc là đất nước công nghiệp phát triển nên mọi chuyện đều phải  thật nhanh và chính xác. Thú thật không có thời gian để ăn sáng nữa chứ nói gì đến chuyện vui chơi. Nếu làm trái ý ông chủ hay làm chậm có khi còn bị đánh nữa đằng khác… Đó là chưa kể đến việc bất bình đẳng trong lao động, bởi lao động nước ngoài thường được bố trí vào những công việc khó khăn và nặng nhọc hơn so với lao động bản địa nhưng tiền lương nhận được thì thấp hơn nhiều”.
Nếu như “chấm điểm” 10 cho sự vất vả và bất công của lao động hợp pháp thì lao động bất hợp pháp chỉ được điểm 1. Bởi ngoài chuyện gánh vác công việc vất vả ra, còn nhiều chuyện nguy hiểm khác mà lao động “chui” phải đối mặt. Thường trực và bức thiết nhất chính là việc làm sao không bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ. Anh Tài, một công nhân từng làm việc ở thành phố Pusan cho biết: “Sống chui lúc nào cũng nơm nớp lo. Nếu bị bắt, coi như mọi thứ chấm hết. Bị tống vô trại tập trung một tuần lễ, trục xuất về nước, thế là xong!”. Để đối phó với tình cảnh này, các công nhân “chui” thường phải thuê nhà ở với nhau theo từng nhóm để thay phiên nhau canh chừng cảnh sát. Sự cảnh giới này thường được tăng cao vào những ngày có chiến dịch truy quét, lúc ấy họ phải nâng mức báo động lên “vạch đỏ”. Đối phó với tình huống này, các lao động lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào bao tải để khi có động là “chuồn” cho thật lẹ. Giá thuê nhà trọ bên ngoài cũng là một nỗi lo đáng kể. Một căn nhà xoàng xoàng chí ít cũng trên 500 USD/tháng và thường phải đặt cọc trước 6 tháng. Để giảm bớt gánh nặng tiền nhà, các lao động thường tụ lại với nhau thành từng nhóm từ 3-5 người.
Ngoài những điều trên, lao động “chui” cũng là đối tượng chính để một số ông chủ người Hàn lợi dụng lừa gạt chiếm đoạt tiền. Biện pháp của các ông chủ này rất đơn giản: Làm gần 1 tháng thì kiếm chuyện đuổi việc. Điều đó đồng nghĩa với việc khoản tiền lương mà ông chủ hứa miệng sẽ trả vào cuối tháng sẽ chẳng bao giờ đến tay các công nhân. Là người đã từng bị “xù” đến 4 lần, H.V chua chát kết luận: “Dù sao làm việc ở trong hợp đồng còn được luật pháp bảo vệ, chứ làm việc ở ngoài thì chẳng ai bảo vệ cả… phải tự bơi là chính”.
Hơn hết, cái mà cánh lao động “chui” thực sự lo sợ nhất chính là tai nạn lao động. Bởi họ không được bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, trong khi chi phí cho việc điều trị tại bệnh viện ở Hàn Quốc lại rất đắt đỏ. Vì thế khi rủi ro bị tai nạn, các lao động chỉ còn biết nương tựa vào nhau để sống lây lất qua ngày, chờ cho đến khi lành lặn. Thời gian ấy có khi kéo dài lên đến cả năm trời!
Nguyễn Minh
 LTS: Là một trong những quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, Hàn Quốc được xem là “miền đất hứa” cho nhiều lớp thanh niên Việt. Tuy nhiên do hạn chế về mặt nhận thức, chạy theo số tiền lương chênh lệch nên nhiều lao động Việt Nam sau khi đến Hàn Quốc đã tự phá vỡ hợp đồng, chấp nhận kiếp sống “chui” đầy bất trắc.
 
 

Bình luận (0)