Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người sống thọ nhất Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ở tuổi 121, không đi lại được nhưng bà Trù tự ăn khi đến bữa
Đó là cụ Nguyễn Thị Trù, sinh ngày 4-5-1893 tại Cần Giuộc (Long An), hiện ngụ tại E13/397/2, ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, người sống 121 tuổi cả cuộc đời gắn với ruộng đồng lam lũ và trải qua nhiều biến cố đau thương tưởng chừng quật ngã bà. 
Cuộc đời nhiều biến cố
Bà Trù nằm đó trên chiếc võng. Khi thấy có người đến, bà liền bật dậy, chu cái miệng móm sọm, định nói gì đó. Trông bà Trù nhanh nhẹn, hoạt bát ít ai nghĩ bà đã ở cái tuổi 121. Tuy nhiên, bà không thể tự đi lại được từ nhiều năm nay và những câu chuyện của bà không đầu không đuôi, lời nói vô nghĩa vì tuổi tác. “Anh cho tiền đi. Tui khổ quá. Quần áo người ta cho chứ không có mà mặc”, bà Trù chìa tay, nói. Nghe vậy, ông Nguyễn Hữu Phương (74 tuổi), con út của bà Trù liền giải thích: “Má tôi lẫn rồi. Gặp ai cũng hỏi xin tiền mua bánh, mua quần áo”. Chúng tôi định kéo chiếc ghế ngồi cạnh bà, ông Phương liền ngăn lại: “Con ngồi bên này, bà phun nước bọt trúng đó. Đó là thói quen của má tôi từ lúc mất trí nhớ”. Lúc này chúng tôi mới để ý, cứ dăm phút là bà phun cái vèo. Dội rửa suốt ngày hàng chục lần, sợ nền gạch cũ ẩm ướt, không tốt cho sức khỏe của bà nên con dâu út, bà Nguyễn Thị Ba – lặn lội đến các tiệm may xin vải thừa về cắt nhỏ để lau nước bọt. Bà Ba chia sẻ: “Má tui kỹ tính nhưng không khó với con dâu. Lúc còn khỏe, bà làm hết thảy việc của đàn ông. Bà thương con cháu hết mực, có gì ngon đều dành cho. Bà không còn sống được bao lâu nữa, dù có cực nhọc cũng phải cố gắng, làm tròn bổn phận dâu con như má từng đối xử với mình”.
Bà Trù sinh 10 người con nhưng đã mất hết 7. 3 người còn sống là con thứ 8, thứ 9 và ông Phương. Chồng mất năm 1963. Đó là những biến cố trong cuộc đời bà. Trước đây, gia đình bà Trù sống ở sở rác (bãi rác Đa Phước ngày nay – PV) và chuyển về ấp 2, cùng xã khi dời ấp chiến lược, năm 1963. Ông Phương lấy tấm hình bà Trù chụp năm ấy, lúc dỡ nhà, tóc bà đã lốm đốm bạc, miệng đã hom hem. Ngoài tấm hình và giấy chứng minh nhân dân, gia đình không còn giữ bất kỳ giấy tờ nào của bà…
40 năm làm dâu, bà Ba tâm sự về má chồng: “Má tôi là một người giàu nghị lực. Bao nhiêu biến cố xảy ra với gia đình, những tưởng bà sẽ gục ngã nhưng không. Má hay nói với con cháu thế này: “Sống không chỉ cho mình mà còn phải sống cho người khác. Biết chấp nhận cái mất mát, đau thương đến với mình để mà tự đứng dậy”. Những năm trước, khi còn đi lại được, má thường đi chùa chiền. Túi có bao tiền là bà cúng dường hết. Má đi chợ nhưng có hôm về tay không. Từ đầu ngõ, thấy con cháu, bà cười, nói: “Tụi bây đứa nào còn tiền cho tao một ít để đi chợ. Thấy người ta nghèo khổ, tao cho hết rồi. Cũng có khi mang mấy chục ngàn đồng nhưng chỉ mua được một bịch mắm vì… lỡ mua cho người ta mấy ký gạo””.
Bà Nguyễn Thị Thân, bán hàng thịt ở chợ bên quốc lộ 50, cách nhà bà Trù hơn 100m, xác nhận: “Bà Trù thương người lắm. Có hôm mua 1kg thịt ba rọi nhưng bảo cắt thành 3-4 dây để cho người này, người khác, chỉ mang về nhà một dây chừng 2 lạng”. Hàng xóm của bà Trù, ông Nguyễn Văn Hai cho biết: “Tui sống ở đây gần 30 năm, chưa bao giờ nghe bà Trù lớn tiếng với ai. Nhà ai có chuyện cơm chẳng lành, canh không ngọt là bà đến hỏi thăm, tìm hướng giải quyết. Bà ít chữ nghĩa nhưng ăn nói rất khéo, không giáo điều nên ai cũng thương quý”.
Chưa bao giờ uống thuốc

 

Giấy chứng minh nhân dân của bà Trù ghi sinh năm 1893
Ông Phương khẳng định, chưa một lần má ông nằm viện, trong người không có viên thuốc tây nào. Hỏi chuyện ăn uống của bà Trù, bà Ba nói: “Từ lúc tôi về làm dâu đến giờ đã 40 năm rồi, cứ đến bữa có gì ăn nấy. Bà không hề chê khen, kiêng khem gì. Bà thích nhất là món cá đồng kho nghệ, ít ăn thịt heo và ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là thích ăn ngọt”. Hiện nay, mỗi bữa bà Trù ăn một chén cơm nhỏ. Ngoài cơm, bà còn có các bữa phụ nhưng không thường xuyên như bánh ngọt, sữa bò.
Mới 8 giờ sáng, bà Ba đã nhóm lửa nấu cơm vì theo bà, bữa sáng của mẹ chồng thường là 4-5 giờ sáng nên bữa trưa phải sớm hơn. Nồi cá kèo kho lạt cũng chính là thức ăn cho cả gia đình trong ngày. Bà Ba bới chén cơm, gắp một con cá kèo, chan chút nước cá kho mang ra. Bà Trù tự xúc cơm ăn rất gọn. Thấy xương cá, bà dùng tay lấy nó ra khỏi chén. Hỏi bà ăn có ngon không? Bà gật gù rồi nói khiến chúng tôi chưng hửng: “Ăn cơm, đói quá. Anh cho tui ăn đi”. Bà Ba giải thích: “Má lẫn rồi, ăn rồi nhưng cứ bảo chưa ăn. Vậy chứ có ai đến là “mắng vốn”: “Vợ chồng tui bỏ đói, không lo cho bà già gì hết trơn””.
Ngày 21-7 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đến nhà trao bằng xác nhận Người cao tuổi nhất Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Trù. Hiện hồ sơ của bà đã được tổ chức này gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á và thế giới. Nếu được xác minh, thì bà Nguyễn Thị Trù là người cao tuổi nhất thế giới chứ không phải cụ Misao Akawa (người Nhật).
Ông Phương cho biết thêm, khoảng 2 năm nay bà không kiểm soát được việc làm của mình. Mỗi lần tiểu, đại tiện cứ đòi ẵm lên giường mới chịu. Cũng vì vậy mà vợ chồng ông phải chuyển xuống nhà dưới, gần chái bếp vừa để ngủ canh bà vừa tiện việc lau chùi, vệ sinh. “Bà lớn tuổi quá, lại không kiểm soát được hành vi của mình nên vợ chồng tôi sợ, bà thức lúc nào là tôi cũng phải thức để canh”, ông Phương nói. Kể cả người thân ở bên cạnh mấy mươi năm, bà cũng không còn biết ai. Để kiểm chứng, chúng tôi thử chỉ ông Phương, hỏi: “Bà biết ai không?”, bà Trù chồm tới, nheo mắt rồi nói: “Thằng cha bán mắm chứ ai”. “Còn đây?”, chúng tôi chỉ tay vào mình. Bà Trù trả lời: “Cảnh sát. Tới bắt tao hả?” rồi cười giòn tan. 
Người cháu dâu của bà Trù, chị Phạm Thị Mỹ Hương cho biết: “Chỉ còn 3 người con nhưng cháu nội, cháu cố, cháu sơ của bà nội khoảng 60 người. Có thể còn nhiều hơn nữa vì các anh chị con cô, con bác ở xa, lâu không gặp”. Chị Hương nói thêm, nhiều lần con cháu hỏi bí quyết sống lâu, nội chỉ nói: “Gạt bỏ cái sân si, phiền muộn, sống trải lòng với mọi người là được chứ bí quyết gì”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Một phụ nữ giỏi cày cấy
Bà Trù là một trong những người đầu tiên khai khẩn vùng đất Đa Phước rồi bám trụ ở đây sau khi theo gia đình rời quê Cần Giuộc. Ruộng đất cò bay thẳng cánh, làm lụng cần mẫn nhưng cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng đến ngày lưng còng. Ông Phương nhớ lại: “Lúc đó, ai về ở không có ruộng đất là má tôi cắt cho canh tác. Trong gia đình phản ứng thì bà nói: “Biết sống chết thế nào mà giữ. Hơn nữa, giúp người nghèo khó là việc nên làm”. Má tôi làm ruộng giỏi lắm. Những hôm sáng trăng, bà thức dậy từ lúc 1 giờ sáng, bắc nồi cơm rồi ra đồng cấy. Cấy xong ruộng nhà thì cấy vần công. Người ta làm một công chứ bà làm tới hai công/ngày. Chiến tranh loạn lạc, chuyển mấy lần nhà bao nhiêu của cải mất hết nhưng một tay bà gầy dựng lại”. 
 
 

Bình luận (0)