Một số địa phương còn lơ là trong công tác rà soát, xác định nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt, người dân rất “đói” thông tin dẫn đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa hiệu quả.
Lao động nông thôn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về các chính sách đào tạo nghề. Trong ảnh: Nông dân đang chăm sóc vườn kiểng |
Học xong hổng biết làm gì!?
Tại Hội nghị giao ban các trường CĐ-TC nghề do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12) chia sẻ: Hiện nay, việc truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, vì vậy người dân khó có thể tiếp cận đầy đủ, chính xác về các chính sách của Nhà nước. Trong khi đó, ông Võ Phước Nguyện (Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nhìn nhận: Tỷ lệ lao động nông thôn tại thành phố được đào tạo nghề còn thấp vì một số quận/huyện chưa tổ chức tốt công tác rà soát, xác định nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục dạy nghề cũng chưa phối hợp tốt với địa phương để đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Quốc Tuấn (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và Dạy nghề huyện Bình Chánh) cho rằng người lao động nông thôn chưa được học nghề đầy đủ là do chất lượng đào tạo còn thấp, đặc biệt ở các ngành nghề mới. Anh Nguyễn Văn Bá (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) là đối tượng thụ hưởng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đề xuất: Địa phương cần rà soát lại các danh mục nghề cho phù hợp, bởi thực tế có một số ngành nghề đào tạo xong chẳng biết xin việc ở đâu. Hơn nữa, môi trường thực hành cho người học còn hạn chế, lý thuyết thì quá cao siêu trong khi thực hành với trang thiết bị cũ kỹ, dễ bỏ học giữa chừng.
Hiệu trưởng một Trường TC nghề tại TP.HCM khẳng định: Hiện nay khó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là vì định mức chi phí đào tạo cho từng nghề áp dụng ở một số địa phương còn rất thấp, không đủ để đào tạo. Vị hiệu trưởng này dẫn chứng, mức hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng, trong khi chi phí học nghề lái xe gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, đó là chưa kể tiền thuê xe tập lái và những chi phí phát sinh khác.
Phải đổi mới cách tiếp cận trong đào tạo
Theo ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), để đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan truyền thông. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã phối hợp với Đài truyền hình, Đài phát thanh thành lập chuyên mục tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua thời gian triển khai, số lao động được đào tạo tăng lên, tỷ lệ người học có việc làm cũng khởi sắc. “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động hơn nữa, chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu và nhu cầu, tránh lãng phí thời gian cũng như tài chính”, ông Lâm lưu ý.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2022, để khắc phục hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia với Liên đoàn Lao động TP thực hiện chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp. Phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời cùng với Trung tâm dịch vụ việc làm TP đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp… Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp với Ban Dân tộc, Ban chỉ huy quân sự… đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ theo nhu cầu doanh nghiệp. |
Về mặt quản lý Nhà nước, PGS.TS Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng giáo viên đào tạo nghề lao động nông thôn phải được đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Đây là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Theo đó, người dạy phải có trình độ cao, giỏi nghề, thường xuyên tham gia các lớp nâng cao, bồi dưỡng kỹ năng nghề trong và ngoài nước. Một giải pháp nữa, theo ông Sâm là các địa phương phải làm tốt công tác rà soát, cập nhật nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, từ đó đề xuất đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí… Đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới cách tiếp cận trong đào tạo, gắn với thị trường lao động.
“Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tham mưu trình Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó sẽ tham mưu cho các bộ hoàn thiện cơ chế chính sách cho giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Sâm cho biết.
T.Anh
Bình luận (0)