Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học “lò”: Những điểm trừ và cách khắc phục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Học “lò” chẳng còn là một khái niệm xa lạ với các bạn học sinh. Không chỉ những anh chị lớp 12 chọn “lò” là nơi ôn luyện, mà cả các bạn lớp 10, 11 cũng lân la đến "lò", theo những lời quảng cáo hấp dẫn.
“Lò” luyện thi ngày nay không còn cảnh nóng bức, ngột ngạt; hay thầy giáo giảng qua quýt, sơ sài như thành kiến của nhiều người nữa. Nhiều lò bây giờ có điều hòa nhiệt độ chạy ro ro, giáo viên được mời từ những trường đại học, phổ thông có tiếng, giảng dạy nhiệt tình… Những điểm trừ của việc học “lò” lại đến từ những nguyên nhân khác cơ, teens ạ, chẳng hạn như…
Thiếu bài tập phát tay
Tình trạng thiếu bài tập phát cho học sinh là một điểm trừ của việc học lò khi quá đông học sinh, và một số bạn quá vô ý thức. Thầy giáo muốn tiết kiệm thời gian giảng lý thuyết nên không đi phát bài tập từng bàn mà đưa cả tập cho bàn đầu rồi chuyền tay nhau lấy xuống. Trong quá trình chuyển bài, một bạn nào đó vô ý thức đã lấy cả tập bài giữ lại cho riêng mình. 
Lý do của việc “biển thủ” này thì vô số kể, chẳng hạn như “lấy hộ cho mấy đứa bạn nghỉ học”, “lấy về làm lại lần sau vì bài cũ đã đánh dấu và chữa vào rồi”, tệ hơn là “xin vài tờ làm… nháp” (!?). Hậu quả là bài phát đến cuối lớp đã hết, những bạn ngồi cuối chẳng có bài tập để làm. Hoàng, một teen ở lò luyện thi Chùa Bộc sau giờ học Lý của thầy C. bức xúc: “Hôm nay lại thiếu bài, phải mượn của bạn bên cạnh đi photo. Thầy bực quá nên dọa lần sau không phát bài tập nữa cho chừa. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh, nhiều bạn bị thiếu bài oan cũng bị mắng!…”
Lớp học quá đông nên đôi khi cũng nảy sinh những rắc rối cho học sinh
Khắc phục: Nếu gặp trường hợp này thường xuyên có lẽ teens nên đề xuất với giáo viên đừng để bài chuyền tay như thế nữa. Vì nhiều bạn không tự giác, nên có lẽ một bạn đứng lên phát bài từng bàn thì tốt hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể đến lớp sớm và ngồi bàn đầu để đỡ là nạn nhân của những tay “biển thủ”.
Nhắn tin cho giáo viên trong giờ học
Các giáo viên thường ít ngại ngần cho học sinh số điện thoại để có thắc mắc gì thì gọi hỏi (đã bảo là các thầy dạy “lò” rất nhiệt tình mà). Nhưng nhiều bạn vô ý thức, ngồi trong lớp cứ nhắn tin làm phiền giáo viên, làm đứt mạch bài giảng khiến các bạn khác rất khó chịu.
Có những bạn khác, không phải vô ý thức mà là… quá chăm học, trong giờ học thầy đang giảng thì nhắn tin… đóng góp ý kiến, hay khi thầy đặt câu hỏi thì không giơ tay trả lời mà trả lời bằng nhắn tin, làm cho giáo viên phải dừng lại giở điện thoại ra đọc và các bạn khác phải chờ. Ngồi học trong lớp mà thầy cứ liên tục phải mở điện thoại ra xem chắc hẳn không thoải mái chút nào phải không teens nhỉ?
Khắc phục: Để tránh chuyện này không dễ vì nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của riêng bạn. Nhưng nếu bạn cảm thấy không thể chấp nhận được, hãy nói với giáo viên yêu cầu các bạn trong lớp tôn trọng kỷ luật, và nếu có ý kiến gì thì nói cho cả lớp cùng nghe. Nhưng bạn yên tâm vì những trường hợp phá rối như thế cũng không nhiều đâu, và các thầy sẽ biết cách giải quyết để đảm bảo bài học cho các bạn.
Nói chuyện riêng
Một vấn đề tiêu biểu, thường gặp khi lớp học quá đông. Nếu chẳng may đi học muộn hay mua phải thẻ học có số “không đẹp” (ngồi cuối lớp, hay trong góc chẳng hạn), bạn rất có thể sẽ phải khổ sở vì những học sinh cực kỳ mẫn cảm trong việc… buôn "dưa lê", đến lớp không phải để học mà đi cùng bạn bè cho có phong trào, hay đi học… “hộ” bố mẹ, chẳng hạn.
Khắc phục: Bạn nhắc họ thôi. Nhiều khi họ bị cuốn vào câu chuyện đến mức không để ý đã làm phiền những người xung quanh chứ không phải cố tình phá đám, nên nhắc nhở là một cách tốt. Nếu nhắc 2, 3 lần mà vẫn không ăn thua thì bạn chẳng có cách nào khác, kiến nghị với giáo viên vậy, và lần sau vào lớp thì tránh chỗ gần những “thông tấn xã” ấy ra.
Kết
Bên cạnh những điểm cộng như học phí khá rẻ so với các lớp học chất lượng cao, học gia sư hay học nhóm. Giáo viên giảng bài dễ hiểu vì phải theo đại trà, “lò” cũng có những điểm trừ như đã nêu trên. Nguyên nhân của những điểm trừ ấy là do lớp quá đông và không phải học sinh nào cũng có ý thức học tập tử tế. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó và có những chuyện không phải cứ muốn là được, nhưng tự bạn sẽ quyết định kết quả học tập của mình bằng cách lựa chọn một nơi học phù hợp và một thái độ học tập nghiêm túc. Và cuối cùng, chúc các bạn thành công!
Theo Thùy Giang Nguyễn
(Phapluatxahoi) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)