Việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là rất quan trọng, nhất là đối với các học sinh bậc THPT – lứa tuổi có nhiềuthay đổi về mặt tâm sinh lývà dễ gặp phải những khó khăn, thử thách trước khi bước vào cuộc sống. Triển khai các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như thế nào để thu hút và mang lại hiệu quả cao đang là vấn đề trăn trở của không ít trường THPT.
Giáo dục kỹ năng: nhiều nhưng vẫn… yếu
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nội dung quan trọng và thiết thực trong chiến lược giáo dục toàn diện. Trong năm học mới 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị tăng cường nội dung giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh, bên cạnh các nội dung như giáo dục đạo đức, pháp luật, an toàn giao thông đã đề ra từ các năm học trước.
Học kỹ năng sống với các trò chơi tập thể doThạc sĩ Nông Vương Phi – Chuyên viên kỹ năng sống hướng dẫn |
Thực tế, việc giáo dục kỹ năng sống không phải là vấn đề mới trong học đường. Thầy Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương cho biết: “Trong các giờ học, nhất là trong giờ Giáo dục công dân, thầy cô thường lồng ghép kỹ năng sống thông qua các bài học bằng cách: Nêu tình huống liên quan đến bài học để các em tự giải quyết rồi từ đó giúp các em rút ra kết luận theo hướng tích cực. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện, thăm nhà tình thương ở những những nơi có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn đồng thời bỏ túi thêm những trải nghiệm thực tế”.
Tuy nhiên, lồng ghép kỹ năng sống vào các giờ học chính khoá chưa mang lại hiệu quả rõ rệt! Thực tế qua chương trình Tư vấn học đường chủ đề “Tự tin kết nối bạn bè” do báo Giáo Dục TPHCM số cuối tuần, chuyên đề VTM tổ chức, đa số các học sinh còn lúng túng, chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống, cụ thể là trong mối quan hệ ứng xử với bạn bè, thầy cô, như: Nên làm gì khi thấy bạn bè đánh nhau? Ứng xử thế nào khi bị bạn xúc phạm? Làm sao để “nói không” khi bạn bè rủ rê hút thuốc, trốn học…?
Theo thầy Nguyễn Bá Trúc – giáo viên môn Lý trường THPT Trưng Vương: “Việc lồng ghép kỹ năng sống vào bài học chưa mang lại nhiều hiệu quả vì thiếu sinh động và có phần sáo mòn, chưa thể thu hút và tác động nhiều đến các em học sinh”. Chưa kể là thời lượng mỗi tiết học không đủ để giáo viên vừa truyền tải kiến thức vừa chèn giáo dục kỹ năng mà không bị “cháy giáo án”. Thế nên việc giáo dục kỹ năng sống tại các trường học mới chỉ dừng lại ở hình thức giảng giải kết hợp hỏi – đáp, chưa thể tác động nhiều đến học sinh.
Thêm vào đó, nhà trường còn thiếu sự giúp đỡ từ phía các bậc phụ huynh, bởi không phải bậc cha mẹ nào cũng đủ hiểu tâm lý của con mình và đủ khả năng dạy cho con những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Tự tin kết bạn và xây dựng tình bạn với phần tư vấn của Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – trưởng bộ môn Tâm lý học trường Đại học Sư Phạm TP.HCM |
Chỉ hiệu quả khi thu hút được học sinh
Hiện nay, trăn trở lớn của các trường THPT là làm sao trang bị nhiều hơn cho học sinh những kỹ năng cần có trong cuộc sống và dạy như thế nào để thu hút nhất, tác động sâu sắc và bền vững nhất đến nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh nhất.
Thầy Trần Toán – PHó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Tư vấn tâm lý cũng là một hình thức khác của giáo dục kỹ năng trong nhà trường. Tại Phòng Tư vấn cuả trường, học sinh trường Nguyễn Trãi được thầy cô tư vấn, giải đáp những băn khoăn. Bên cạnh việc chia sẻ, tư vấn về tâm lý, tình cảm, cách giao tiếp, ứng xử với bạn bè, các thầy cô phụ trách Phòng Tư vấn còn giúp các em định hướng nghề nghiệp”.
Ngoài ra, kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong những môi trường hoạt động cụ thể, như các trò chơi vận động, trò chơi đối kháng để rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội… Cô Phùng Thị Nguyệt Thu – Phó Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: “Bên cạnh việc thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) như CLB Sức khoẻ sinh sản, CLB Hướng nghiệp để giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng mềm và chia sẻ kinh nghiệm học tập hiệu quả, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức xã hội… để mời các chuyên viên tư vấn uy tín, như cô Lý Thị Mai đến giao lưu, chia sẻ với các học sinh về tình cảm bạn bè, sức khỏe giới tính”.
Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp với gia đình và các đơn vị, tổ chức xã hội để tạo ra các hoạt động và môi trường tích cực để các em được rèn luyện kỹ năng sống cũng là một gợi ý thiết thực.
Chương trình Tư vấn kỹ năng học đường 2011 với chủ đề “Tự tin kết nối bạn bè” do báo VTM phối hợp với IZZI – nhãn hàng nước hoa dành cho bạn gái tuổi teen tổ chức diễn ra từ ngày 15-10 đến tháng 12-2011 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố TP.HCM như: THPT Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Trưng Vương; Trường THPT Nguyễn Trãi; Trường THPT Hùng Vương; Trường THPT Nguyễn Du; Trường THPT Phú Nhuận; Trường THPT Phước Long; Trường THPT Lương Văn Can; Trường THPT Lê Quý Đôn và các trường THPT trên địa bàn thành phố Cần Thơ như: trường THPT Châu Văn Liên; trường THPT Trần Đại Nghĩa và trường THPT Phan Ngọc Hiển. |
Ái Liên
Bình luận (0)