Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khối ngành kinh tế: Năm nào cũng “hot”

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Võ Trường Toản đặt câu hỏi về triển vọng của ngành kinh tế trong một buổi tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều công ty xí nghiệp mọc lên như nấm, thu hút rất nhiều nguồn nhân lực. Vì vậy, đến mùa tuyển sinh ĐH-CĐ, ngành kinh tế luôn thu hút đông đảo thí sinh (TS) đăng ký dự thi.
Thời điểm này TS đã bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, tuy nhiên có không ít TS dù đủ điểm vào ĐH nhưng vẫn nộp hồ sơ vào CĐ để được học ngành… kinh tế.
Chỉ tiêu tăng, điểm chuẩn không giảm
Trong một cuộc khảo sát do Bộ GD-ĐT thực hiện về “ngành nghề mà TS coi là nóng và thích nhất hiện nay”, nhóm ngành kinh tế – tài chính – quản trị kinh doanh vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với gần 60% lựa chọn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế năm nay vẫn tiếp tục dẫn đầu với hơn 180 ngàn chỉ tiêu, trong đó những ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính có nhiều cơ sở đào tạo và chiếm phần lớn chỉ tiêu của các trường.
Mặc dù năm nay khối ngành kinh tế tiếp tục tăng chỉ tiêu nhưng do số lượng TS đăng ký nhiều nên điểm chuẩn nguyện vọng 1 khối ngành này nhìn chung bằng điểm chuẩn năm trước. Trong đó những trường thuộc top đầu tại TP.HCM như ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM… có nhiều ngành điểm chuẩn nguyện vọng 1 cao. Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM lấy điểm chuẩn chuyên ngành kinh tế đối ngoại khối A là 24 điểm, khối A1, D1 và D6 là 23 điểm; ngành quản trị kinh doanh quốc tế khối A là 24 điểm, khối A1, D1, D6 là 23 điểm. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có điểm chuẩn khá cao với 19 điểm (khối A, A1) cho toàn ngành. Trường Kinh tế – Luật có điểm chuẩn tăng hơn so với năm trước: Ngành kinh tế đối ngoại khối A và A1 lấy 28,5 điểm, khối D1 30 điểm; ngành tài chính ngân hàng khối A, A1 lấy 26,5 điểm, khối D1 lấy 29,5 điểm; ngành kế toán khối A và A1 lấy 24 điểm, khối D1 26 điểm; ngành quản trị kinh doanh khối A, A1 lấy 25,5 điểm, khối D1 lấy 28 điểm…  Tất cả các khối A, A1 và D1 đều nhân hệ số 2 môn toán.
Không vào ĐH thì học CĐ
Với điểm chuẩn cao như trên, nhiều TS có 3 môn trên 7-8 điểm vẫn rớt ở nhiều ngành. Tuy nhiên, nếu không học hệ ĐH, nhiều TS vẫn lựa chọn con đường học CĐ, sau đó liên thông lên ĐH.
TS Nguyễn Tường Anh (quê Long An) cho biết: “Năm nay em thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng chỉ đủ điểm sàn. Nếu xét tuyển nguyện vọng 2 không được ở một số trường có đào tạo ngành kinh tế bậc ĐH thì em sẽ chuyển xuống nộp hồ sơ ở trường CĐ có đào tạo ngành này”.
Hiện ở TP.HCM có nhiều trường CĐ đào tạo ngành kinh tế chất lượng như CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Kinh tế TP.HCM… thu hút rất đông TS. Năm học 2012-2013, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu hệ chính quy dành cho 4 ngành đào tạo bậc CĐ là kế toán (chuyên ngành kế toán doanh nghiệp), quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị kinh doanh và quốc tế kinh doanh), kinh doanh quốc tế (chuyên ngành kinh doanh quốc tế) và tiếng Anh (chuyên ngành kinh doanh thương mại). Đến thời điểm này, trường đã nhận gần 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó nổi bật là ngành quản trị kinh doanh và kế toán. Ngành quản trị kinh doanh tuyển 450 chỉ tiêu nhưng có đến 2.705 TS đăng ký (tỷ lệ 1 chọi 6), ngành kế toán tuyển 400 chỉ tiêu nhưng có 1.769 TS đăng ký (tỷ lệ chọi 1/4,5), ngành kinh doanh quốc tế tuyển 100 chỉ tiêu nhưng có 802 TS đăng ký (tỷ lệ chọi 1/8) và ngành tiếng Anh tuyển 50 chỉ tiêu, có 366 TS đăng ký (tỷ lệ chọi 1/7). Cũng vì số lượng TS đăng ký xét tuyển nhiều nên điểm chuẩn của Trường CĐ Kinh tế TP.HCM hầu như mọi năm đều cao hơn các trường khác. Năm nay, trường xét tuyển điểm CĐ nguyện vọng 1 khối A, A1, D1 của TS thi ĐH là 10,5 điểm cho cả 4 ngành trên; còn TS thi CĐ thì có điểm chuẩn lần lượt là 18,5 điểm (ngành kế toán), quản trị kinh doanh (19 điểm), kinh doanh quốc tế (21 điểm), tiếng Anh (20 điểm).
Ông Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Điểm chuẩn nguyện vọng 1 của TS thi ĐH bao giờ cũng thấp hơn TS thi CĐ vì có độ khó trong đề thi”. Tương tự, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM có điểm chuẩn nguyện vọng 1 tương đối cao. Trường lấy điểm chuẩn cho tất cả các ngành khối A là 23 điểm, khối D1 là 20,5 điểm.
Minh Châu
“Sở dĩ khối ngành kinh tế thu hút nhiều TS là do sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm có thu nhập ổn định hơn nhiều ngành khác”, ông Nguyễn Phước Hải – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM – cho biết.  
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)