Rất đông thí sinh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM ngày 25-8
|
Quy định mới của bộ trong việc ưu tiên cho nộp – rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 nhiều lần và công bố thông tin xét tuyển trên website của các trường được xem là có lợi cho thí sinh (TS) nhưng lại khiến không ít trường và chính các em lúng túng…
Hôm qua, 25-8, các trường ĐH-CĐ trên cả nước đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2.
3 giờ sáng đi nộp NV2
Dù TS có đến 20 ngày để nộp hồ sơ (từ nay cho đến hết ngày 15-9) và có thể thông qua hình thức chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện, tuy nhiên nhiều TS và phụ huynh vẫn “lặn lội đường xa” để đến tận trường nộp cho chắc chắn. Để có mặt thật sớm tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nộp hồ sơ xét tuyển NV2 cho con, cô Nguyễn Thị Lan (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã bắt chuyến xe đò từ 3 giờ sáng để đi TP.HCM. Ở NV2 này, với mức 14,5 điểm, con gái cô có NV đăng ký vào ngành tiếng Anh (D1) của trường. Hai cha con TS Võ Thị Phương Thảo (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cũng bắt xe lúc tờ mờ sáng lên TP.HCM để nộp hồ sơ vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kỹ thuật – công nghệ. Phương Thảo chia sẻ, em lên nộp trực tiếp để được tư vấn, hướng dẫn và tham quan trường cho biết. Bên cạnh áp lực tâm lý, sợ thất lạc hồ sơ, nhiều TS phụ huynh cũng đến tận trường để được nghe hướng dẫn cụ thể cách thức làm thủ tục.
Chỉ trong ngày đầu nhưng nhiều trường đã đón lượng rất đông TS, phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Cụ thể, ngay trong sáng đầu tiên, các trường top giữa như ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM… hớn hở vì “bội thu” TS. Trường ĐH Mở TP.HCM nhận được 400 hồ sơ. Con số này ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng là 830. Trong khi đó, một số trường khác như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… lại khá vắng vẻ. Ở hệ CĐ, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng đón nhận trên 500 hồ sơ chỉ trong buổi sáng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Con số này ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trên 500. Nhiều TS cho biết, do được rút hồ sơ chuyển đổi NV nên các em không chần chừ nộp ngay trong ngày đầu. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều TS lúng túng, điền sai thông tin vào giấy chứng nhận kết quả thi do không nắm được quy chế mới. Theo quy chế mới, trong giấy chứng nhận kết quả thi có quy định rõ phần dành cho TS đăng ký xét tuyển NV2 (lần 1 và 2); NV3 (lần 1 và 2). Khi nộp NV2, TS điền đủ thông tin ngành/trường mình chọn vào phần dành đăng ký lần 1. Phần đăng ký lần 2 chỉ dành cho những em muốn rút hồ sơ chuyển ngành/trường. Tuy nhiên, khá nhiều em khi nộp lần 1 lại điền thông tin cả 2 phần. Cũng có em để trống không biết điền vào phần đăng ký lần 1 hay lần 2. Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT) hướng dẫn, với những TS “lỡ” điền vào cả 2 phần dành đăng ký xét tuyển lần 1 và 2 có thể dùng bút xóa để xóa đi phần viết thừa và như vậy cũng không ảnh hưởng đến cơ hội điều chỉnh NV của các em sau này”.
Đông chưa chắc… vui
Không chỉ TS, chính các trường cũng gặp lúng túng với quy định mới. Theo quy định này, các trường phải công khai thông tin hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, 3 trên website của mình sau mỗi ngày xét tuyển. Đại diện Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết, với lượng hồ sơ đăng ký rất đông trong ngày đầu tiên, trường khó mà nhập liệu và công bố kịp thông tin trên website. Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Phó hiệu trưởng Trần Ái Cầm cho biết, đã bổ sung thêm lực lượng thực hiện nhập liệu và phải làm việc luôn giờ nghỉ trưa để cố gắng kịp đưa thông tin lên mạng. Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Lý Tự Trọng Hồ Văn Sĩ cũng cho biết, trường vừa tiến hành nhận hồ sơ vừa nhập liệu thì mới có thể kịp thông tin cho TS.
Tại các trường, việc đông TS tuy mừng nhưng cũng… hồi hộp lo, do khi thông tin được cập nhật hằng ngày trên mạng, TS có thể bị áp lực mà rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. TS. Ngô Cao Cường (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện có rất nhiều TS các tỉnh xa gọi điện về đề nghị trường chuyển hồ sơ lại cho họ (cũng bằng đường bưu điện) nếu họ có nhu cầu chuyển đổi NV. Tuy nhiên, cũng theo TS. Cường, việc này là rất khó, chỉ riêng việc đảm bảo không thất lạc hồ sơ khi chuyển đã không hề đơn giản, chưa nói đến các yếu tố khác như chậm trễ thời gian… TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng giải thích, với quy định mới, TS thêm cơ hội vì được quyền rút chuyển hồ sơ nhưng các trường lại hồi hộp vì sẽ đối mặt với tình trạng “ảo” đến phút chót.
“Lách luật” vét TS
Bộ GD-ĐT quy định, những TS dự thi CĐ, không trúng tuyển NV1 có kết quả thi bằng điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0) được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 để tham gia xét tuyển NV2, 3 vào các trường CĐ khác hoặc hệ CĐ của trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển. Thực tế, có TS nhận giấy chứng nhận kết quả thi còn được “đính kèm” cả giấy báo trúng tuyển một ngành/hệ học khác. TS Trần Thị Dịu (Hà Nội) thi vào khối A Trường CĐ Tài chính – Hải quan đạt 18,5 điểm. Không đậu NV1, cùng lúc TS này được cấp giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và 2 và cả giấy báo trúng tuyển bậc trung cấp của chính trường này yêu cầu nhập học vào 14-9. Tương tự, TS Lượng Đức Mạnh (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM đạt 6,5 điểm. Bên cạnh giấy báo điểm nhận được, TS này còn nhận thêm “giấy báo đủ điều kiện trúng tuyển” của Trường CĐ Nghề công nghệ kỹ thuật TP.HCM… Mặc dù khoản 1, điều 40 quy chế tuyển sinh năm nay quy định phạt cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn với chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan khi gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho TS không nộp hồ sơ xét tuyển vào trường tuy nhiên do khan hiếm TS, nhiều trường đã phớt lờ quy định. Tình trạng này đã kéo dài suốt những mùa tuyển sinh gần đây và năm nay, bộ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong xử lý những trường hợp vi phạm nhưng quyết tâm đến mức nào thì dư luận hiện vẫn đang rất trông chờ…
Bài, ảnh: Mê Tâm
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Theo tôi, thí sinh (TS) phải hết sức cân nhắc khi nộp hồ sơ để xét tuyển vì thời gian để xét tuyển NV2 rất nhiều, trong khi đó, thời điểm này tất cả các trường ĐH-CĐ xét NV2 đều đã đưa thông tin xét tuyển lên website của trường và thông tin đại chúng rồi, nên tôi khuyên các em hết sức cẩn thận, chứ không thì lỡ cơ hội để vào các trường ĐH, CĐ trong năm nay. Cũng theo ông Dũng, chỉ tiêu NV2 hệ ĐH của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật là 600 và CĐ 250.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
Năm nay Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có đến 900 NV2 cho hệ ĐH và 500 cho hệ CĐ, tất cả các ngành của hệ CĐ khi TS tốt nghiệp đều có liên thông lên ĐH.
TS phải hết sức thận trọng khi nộp hồ sơ xét NV2, phải xác định ngành nghề nào mà mình ưa thích, ngành đó có phù hợp với mình hay không và ngành đó có phù hợp với kinh tế của gia đình mình, chứ không thì TS nộp hồ sơ vào NV2 khi có kết quả đậu, TS đến học rồi cảm thấy nản và bỏ ngang thì rất lãng phí thời gian và tốn kém tiền của gia đình. Hiện nay, những nhóm ngành cơ khí nông lâm nhà trường đều lấy bằng điểm sàn, TS nộp vào những ngành này tỉ lệ đậu rất cao.
TS. Bùi Mạnh Tuân (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương)
Trường xét tuyển 640 chỉ tiêu NV2. Hồ sơ xét tuyển NV2 gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi (phiếu số 1 – bản chính), một phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ. Lệ phí xét tuyển: 15.000 đồng. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 25-8 đến 15-9, nhưng nhiều khả năng điểm chuẩn NV2 sẽ cao, vì nguồn tuyển nhiều, nhưng chỉ tiêu của trường có hạn. Trường sẽ cập nhật hồ sơ xét tuyển NV2 lên website của trường (www.teiuns.edu.vn), TS có thể xem kỹ, lựa chọn cho phù hợp.
Những ngành kỹ thuật nhà trường lấy điểm bằng điểm sàn, những ngành này TS khi nộp hồ sơ sẽ có cơ hội đỗ vào trường rất cao.
An Lộc
|
Bình luận (0)