Sự kiện giáo dụcTin tức

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho quân nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia y tế, hoạt động trong điều kiện căng thẳng, khó khăn, phức tạp hằng ngày dễ tạo nên trạng thái stress cho con người.
Stress tồn tại ở hai dạng, dạng tích cực có thể giúp chúng ta bình tĩnh, chủ động, huy động tối đa các chức năng tâm lý để hoàn thành tốt công việc, còn ở dạng tiêu cực lại gây hại, giảm sút ý chí, trí nhớ, xúc cảm tiêu cực, thiếu quyết tâm.
Hoạt động quân sự cũng là một dạng hoạt động đặc biệt với cường độ cao, gắn liền với những yêu cầu đặc trưng của kỷ luật, của đặc thù từng quân-binh chủng, điều này dễ tạo ra cho quân nhân những khó khăn tâm lý, rơi vào trạng thái stress. Do vậy, ngăn ngừa và khắc phục stress là vấn đề cần phải được thường xuyên quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở. Trước hết, cần quan tâm đến một số giải pháp sau đây:
Giờ huấn luyện tại Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ (Bộ đội Biên phòng).
Một là, phải đổi mới phương pháp huấn luyện cho bộ đội theo hướng tích cực hóa. Theo kết quả nghiên cứu, trong số 500 cán bộ, chiến sĩ ở Binh đoàn Hương Giang của đội ngũ giáo viên Khoa Tâm lý (Học viện Chính trị) thì 90% cho rằng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm stress trong quá trình huấn luyện. Như vậy, để quân nhân thành tốt nghiệp vụ quân sự, thì trong quá trình huấn luyện bộ đội cần phải thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện, hướng vào người học, thực hiện tốt quan điểm lấy người học làm trung tâm. Chỉ có như vậy mới không tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi, mất hứng cho người học. Phương pháp dạy của giáo viên cần kết hợp khéo léo giữa thuyết trình với nêu vấn đề, trình bày trực quan, thực hành sinh động, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học của người học. Trong tiến trình giảng bài cần chú ý đến diễn biến tâm lý người học, nếu thái độ người học tích cực thể hiện hứng thú với bài giảng thì có nghĩa chất lượng huấn luyện bảo đảm tốt. Đặc biệt, cần chú ý trong huấn luyện không nên thuyết trình quá lâu, hoặc sự phản cảm ngay trong tác phong, ngôn ngữ, thái độ của giáo viên dễ tạo ra sự căng thẳng đối với người nghe. Sự nghiêm khắc là cần thiết nhưng không phải cứng nhắc, mà tùy vào từng tình huống cụ thể để vận dụng phù hợp. Có thể nói đổi mới phương pháp vừa là khoa học, đồng thời cũng là một nghệ thuật sư phạm để hạn chế tốt trạng thái căng thẳng ở người học, thực hiện phương châm “học mà chơi, chơi để học”.
Hai là, quan tâm tốt đến đặc điểm tâm lý của bộ đội. Quân nhân (nhất là học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ) là lớp người đang từng bước trưởng thành về mặt xã hội với những đặc điểm tâm lý riêng biệt, họ là những thế giới tâm hồn đa dạng, phức tạp, có hứng thú, sở trường, tính cách, năng lực khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, diễn biến tâm lý cũng không phải lúc nào cũng ổn định. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, nhất là đội ngũ chính trị viên đại đội thực sự phải là điểm tựa tinh thần vững chắc, là người anh, người chị, người bạn chân thành của bộ đội để sẵn sàng tháo gỡ những bức xúc, khó khăn, giúp bộ đội trở lại trạng thái cân bằng tâm lý, loại bỏ stress.
Ba là, kịp thời quan tâm đến việc thỏa mãn những nhu cầu phù hợp của bộ đội. Nhu cầu là nguồn gốc để nảy sinh tính tích cực ở mỗi cá nhân, nhu cầu được thỏa mãn sẽ hình thành nên động cơ. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn hoặc không phù hợp có thể tạo ra tâm lý chán nản, thất vọng, ỉ lại, trốn tránh nhiệm vụ. Vì vậy, giải quyết và đáp ứng tốt nhu cầu của bộ đội cũng là vấn đề luôn cần quan tâm thường xuyên. Thực tế, nhu cầu tinh thần trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống quân nhân. Cán bộ đơn vị nên tổ chức những hoạt động vui chơi văn hóa, thể dục, thể thao hướng vào sở thích của đa số quân nhân, vừa rèn luyện tốt sức khỏe vừa kịp thời tạo ra bầu không khí vui tươi trong đơn vị. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng cần chú ý đến việc điều chỉnh những hiện tượng tin đồn thất thiệt, dễ gây hoang mang mà nên hướng mọi thông tin tích cực vào mục đích chung của tập thể. Ngoài ra, lãnh đạo, chỉ huy cũng cần tổ chức tốt việc giao lưu, kết nghĩa với đơn vị bạn ở địa bàn nơi đóng quân, điều này sẽ tạo ra tâm lý phấn khởi, kích thích quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể nói, ngăn ngừa và khắc phục stress cho quân nhân là chăm lo tốt sức khỏe tâm lý tinh thần, một việc làm cần thiết của lãnh đạo chỉ huy, nhất là đội ngũ chính trị viên ở đơn vị hiện nay./.
Theo Nguyễn Văn Công
(QĐND)

Bình luận (0)