Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, một cán bộ phòng mầm non thuộc Sở GD-ĐT TPHCM phải liên tục trả lời điện thoại với phụ huynh tìm chỗ học cho con. Vị cán bộ than thở: “Lại một phụ huynh bức xúc vì không xin được chỗ học cho con ở trường mầm non”. Phụ huynh này ở phường Hiệp Thành, quận 12 sau một tháng “vác đơn” đi xin học cho con 4 tuổi, nhưng vẫn không tìm được chỗ nên đã gọi đến Sở GD-ĐT TPHCM để “cầu cứu”. Đây không phải là trường hợp cá biệt ở thời điểm này.
Sau vài ngày bán đơn đã hết chỗ
Các cô giáo mầm non luôn gặp quá tải do số lượng trẻ trong lớp quá cao. Ảnh: Tiêu Hà |
Tại Trường Mầm non (MN) Vàng Anh, chỉ sau vài ngày bán đơn xin vào trường học đã hết sạch. Nhiều phụ huynh trực tiếp vào gặp ban giám hiệu để xin học cho con, nhưng đều phải thất vọng ra về vì không còn chỗ. Tình trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các trường MN công lập. Đặc biệt, là năm nay trẻ dưới 5 tuổi xin đi học ở các trường MN rất khó khăn. Các trường đạt chuẩn quốc gia ở TPHCM năm nay phải phá chuẩn để tiếp nhận trẻ vào học. Nhiều trường như: 19-5, Bến Thành, 30-4 đều có sĩ số gấp đôi so với công suất tối đa ban đầu. Có lớp lên tới 60 em.
Hết chỗ ở trường công, buộc phụ huynh phải tìm đến trường tư, cô Tạ Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường MN tư thục (TT) Hạnh Dung (quận Phú Nhuận) cũng than thở: Từ 2-6, trường đã phải mở lại lớp để giữ trẻ. Đối với trường công lập còn được nghỉ những 2 tuần, với trường tư chỉ được nghỉ 4-5 ngày là nhiều vì áp lực trẻ tăng. Năm nào cũng vậy, khi áp lực cho trẻ vào những trường công lập bị dôi ra, nhiều phụ huynh tìm về những trường MN tư có chất lượng tốt để gửi con nên năm nào trường cũng nhận số trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong năm học sắp tới, có 2 cơ sở nhưng trường cũng chỉ có khả năng đáp ứng gần 200 trẻ.
Dù là huyện ngoại thành nhưng năm nay áp lực về sĩ số học sinh MN ở huyện Hóc Môn rất căng thẳng, cả huyện có trên 15.000 trẻ độ tuổi MN, tăng trên 2.400 trẻ. Trong khi đó, huyện chỉ có 16 trường công lập, 11 trường tư thục còn lại có tới 64 nhóm trẻ gia đình. Mấy năm nay sĩ số ở các trường trong huyện đều quá tải, như MN Tân Hiệp, Tân Xuân, 23-11, sĩ số ở mức 50-60 học sinh/lớp.
Ở quận Thủ Đức thời điểm này cũng tăng hơn 1.000 trẻ, là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên dân lao động nhập cư tăng nhanh hàng năm. Đến năm học 2009 – 2010 tới, tuy số trẻ trong độ tuổi tăng lên nhưng hệ thống trường lớp chỉ có thể đáp ứng thêm 300-500 chỗ vì đã nhiều năm quận chưa xây dựng thêm trường MN công lập nào.
Các dự án đều ngưng trệ
Bà Trần Thị Long, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Hóc Môn cho biết: Số trẻ nằm trong độ tuổi MN ở huyện tăng cao, trong khi đó trường lớp chưa xây dựng được nên hầu như năm nào phụ huynh cũng tập trung chạy vào trường công lập. Cả huyện hiện nay còn có xã Xuân Thới Đông chưa có trường MN công lập. Năm rồi đã có dự án, nhưng do kiềm chế lạm phát nên các dự án xây mới đều bị ngưng lại.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cũng lo lắng: Quận Tân Phú cần xây dựng 3 trường MN tại 3 phường chưa có trường MN công lập. Dù đã xác định được vị trí đất để xây dựng trường MN tại phường Tân Sơn Nhì, Hòa Thạnh và Phú Thạnh, nhưng vẫn chưa hoàn tất việc giao đất xây trường bởi còn vướng cơ sở sản xuất của người dân. Các công trình này đã được quận đồng ý chủ trương, đang tiến hành thiết kế để lập hồ sơ dự án xin vay vốn xây dựng. Tuy nhiên, các dự án này không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Hai phường Tam Phú và Linh Tây ở quận Thủ Đức cũng chưa có trường MN công lập, đã được UBND TP chỉ đạo xây dựng trường để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, dự án chỉ xác định được quỹ đất, đo vẽ…
Nhiều trẻ không được đến trường
Mặc dù Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã có chỉ đạo về việc xây mới thay thế 17 trường mầm non trên địa bàn TP trong năm học 2008-2009 và thành phố cũng đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, đặc biệt là xây trường MN, thế nhưng cho đến nay không hiểu sao hầu hết các dự án vẫn còn nằm trên giấy?
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay cơ sở giáo dục MN công lập chỉ đáp ứng được 30%-50% nhu cầu chỗ học của trẻ. Việc thiếu chỗ học cho trẻ mỗi năm một tăng cao, chất lượng của bậc học này sẽ rất khó đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TPHCM lo lắng: Năm nay, nhiều trường MN đang thực hiện theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên phổ cập cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 nên việc tìm chỗ học cho trẻ dưới 5 tuổi ở các trường công lập rất khó khăn vì hầu như các trường đều không đủ chỗ, thậm chí các trường tư cũng quá tải. Không chỉ có trẻ dưới 5 tuổi thiếu chỗ học mà năm nay trẻ 5 tuổi cũng phải chịu tình cảnh này vì theo thống kê ban đầu toàn thành phố tăng trên 12.000 trẻ. Chắc chắn sẽ có nhiều trẻ không được đến trường, nếu có cũng phải học ở nhóm trẻ gia đình. Do đó, chúng tôi rất lo lắng về chỗ học cho các cháu trong năm học tới này.
Tính đến ngày 27-5-2009, TPHCM có 266.176 học sinh mầm non, tăng hơn 12.000 trẻ so với năm ngoái. Có 658 trường MN công lập và hơn 830 nhóm lớp MN tư thục.
Nhiều nhóm trẻ gia đình ở các quận như: Bình Thạnh, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh… cũng ở mức 300 trẻ. Trong khi đó, quy định mỗi nhóm trẻ chỉ được giữ tối đa 100 trẻ.
Theo Lê Linh – Tiêu Hà / Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)