Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một giáo viên 9 tháng “ngồi chơi xơi nước”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Suốt 9 tháng qua (từ tháng 9.2009 – 6.2010) cô Nguyễn Thị Lý Dung – giáo viên bộ môn toán Trường THPT Phan Châu Trinh – Đà Nẵng hằng ngày vẫn đến trường và ngồi chờ ở phòng hội đồng để chờ phân tiết dạy.

Trong khi giáo viên bộ môn toán vẫn phải tăng giờ mướt mồ hôi, nhưng Ban giám hiệu vẫn "cứng rắn" giữ quan điểm cho cô Dung "ngồi chơi xơi nước". Lạ một điều, dù vậy cô vẫn được nhận 100% tiền lương và các khoản phụ cấp khác. Nguyên nhân, chỉ vì nỗi giận dữ, lòng tự ái giữa Ban giám hiệu nhà trường và cô giáo này suốt 9 tháng qua đã không tìm được phương cách hòa giải thích hợp.
Nghỉ nuôi mẹ ốm, không được dạy thêm?
Tháng 9.2009, cô Nguyễn Lý Mỹ Dung – giáo viên bộ môn toán Trường THPT Phan Châu Trinh làm đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường, xin nghỉ không hưởng lương một tháng để nuôi mẹ bị đột quỵ, cấp cứu ở bệnh viện. Hoàn cảnh cô Dung khá đặc biệt, cả cha và mẹ đều là người có công với cách mạng, nuôi dưỡng nhiều cán bộ quan trọng của Đảng; người anh trai thì bị bệnh mất tỉnh táo, nên không thể trông cậy gì được.
Thông thường với những trường hợp này thì cũng dễ tìm được sự chia sẻ của lãnh đạo đơn vị, công đoàn cơ quan… ; thế nhưng lạ thay, yêu cầu của cô lại bị từ chối. Cô tiếp tục làm đơn xin giảm xuống nghỉ một tuần để chăm sóc mẹ trong cơn nguy kịch, thì Hiệu trưởng nhà trường đồng ý, nhưng khá quái dị là với một điều kiện “cô không được dạy thêm ở nhà” trong thời gian này.
Đến đây thì “giọt nước đã tràn ly”, cô yêu cầu được nghỉ dạy từ ngày 16.9.2009. Buổi làm việc giữa Ban giám hiệu nhà trường và cô giáo diễn ra trong không khí khá căng thẳng. Có lẽ vì vậy, yêu cầu của cô Nguyễn Lý Mỹ Dung được đáp ứng ngay tại buổi nói chuyện và hồ sơ cho thôi việc của cô cũng nhanh chóng được chuyển lên Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng để thực hiện thủ tục.
Không chờ hoàn tất thủ tục, cô Dung nghỉ việc ngay vào ngày hôm sau. Sau đó 10 ngày cô trở lại trường xin bố trí giờ dạy, nhưng ban giám hiệu trả lời cô không còn việc gì làm ở trường và hồ sơ cô đã gửi lên sở, chờ quyết định thôi việc theo quy định hiện hành.
Cái sảy nảy cái ung

Hành động nghỉ ngay công việc sau khi nộp đơn xin nghỉ, mà không chờ hoàn tất thủ tục của cô Dung cũng là điều dễ thông cảm, vì căn bệnh đột quỵ của mẹ cô không thể chờ cho đến ngày cô được chấp thuận nghỉ việc mới phát tác. Theo chẩn đoán của Bệnh viện C Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Loan-mẹ cô Dung – bị xuất huyết não, liệt nửa người trong tình trạng nhập viện nguy kịch. Thế nhưng tiếc thay, việc hiếu đạo lại là lý do chính để nhà trường không nhận cô trở lại giảng dạy và suốt 9 tháng qua cô Dung “ngồi chơi xơi nước”, dù vẫn được hưởng nguyên lương cùng các khoản phụ cấp.
Lạ hơn nữa, dù rằng cho đến thời điểm này Sở Giáo dục – Đào tạo Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định cho cô thôi việc, hoặc bất kỳ hình thức xử lý nào. Việc được gửi đến Hội đồng Nhân dân thành phố và đích thân Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh xem xét, bút phê vào đơn cô Dung: “ Kính chuyển anh Hoa – Giám đốc Sở GDĐT trực tiếp kiểm tra và giải quyết cho đi dạy lại”.
Thế nhưng từ đó đến nay đã gần 7 tháng, cô Dung vẫn không được bố trí giảng dạy lại. Hằng ngày cô vẫn áo dài, giáo án lên phòng hội đồng giáo viên ngồi chờ. Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hoa phát biểu: “ Quan điểm tôi là để cô Dung đi dạy lại, nên đến nay sở vẫn chưa tiến hành các thủ tục thôi việc đối với trường hợp này. Theo tôi, phía nhà trường và cô Dung cũng nên giữ một thái độ mềm dẻo, hợp tác hơn thì vấn đề giải quyết không có gì vướng mắc”.
Hiện nay đơn thư cô Dung đã gửi đi khắp các cửa, một số cơ quan có liên quan đã hồi âm và cho biết sẽ giải quyết rốt ráo sự vụ. Hy vọng lời hứa của các quan chức ngành giáo dục không chỉ để… hứa và năm học mới 2010-2011 sắp đến cũng là cơ hội để giải quyết sự việc phù hợp với đạo lý và đúng đắn với pháp luật quy định.

Nguyễn Trung Hiếu / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)