Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Buộc giáo viên tự nguyện xuống dạy cấp dưới

Tạp Chí Giáo Dục

Để khắc phục tình trạng thừa giáo viên bậc trung học cơ sở (THCS) và thiếu giáo viên bậc học tiểu học (TH), ngành GDĐT huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho "lọc" giáo viên bậc THCS đưa xuống dạy bậc TH.
Việc làm thiếu khoa học, không khéo léo đối với vấn đề tế nhị, nhạy cảm này đang gây bất bình trong giáo viên, làm xôn xao các trường học. 
Cô Hồ Thị Phước – một trong 6 giáo viên Trường THCS Đăng Hưng Phước – buồn rầu khi “bị” chuyển xuống dạy bậc tiểu học. Ảnh: K.Q (Lao Động).
Nếu “bị” chuyển sẽ nghỉ…
Hơn tháng qua, cô Trần Thị Kiểu – giáo viên bộ môn văn Trường THCS Long Bình Điền (xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) đã bị sốc khi biết mình có tên trong danh sách 4 giáo viên bị điều chuyển xuống dạy bậc TH. Năm nay cô Kiểu đã 53 tuổi, đã 30 năm công tác trong ngành giáo dục. Dù chỉ 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu, nhưng cô không ngờ lại bị cú sốc quá lớn vào cuối cuộc đời dạy học. Một đồng nghiệp cùng trường với cô Kiểu là giáo viên dạy môn sinh Lê Thị Mười – nay đã 48 tuổi – cũng trong diện điều chuyển xuống dạy bậc TH.
Cô Mười buồn rầu nói: “Việc này đến với tôi thật quá bất ngờ. Tôi tha thiết xin được ở lại trường, nếu không được có lẽ tôi phải đành rời xa bục giảng”. Cô Hồ Thị Phước (49 tuổi – giáo viên dạy môn văn Trường THCS Đăng Hưng Phước) bị bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, vừa dạy học vừa trị bệnh, cũng phải chuyển xuống dạy cấp TH. Cô đang suy sụp tinh thần, sức khỏe càng bị ảnh hưởng; cô nói: “Sức khỏe tôi yếu, nhưng tôi có tâm huyết và ráng hết sức phục vụ cho ngành giáo dục đến hơi thở cuối cùng.
Tôi mong được ở lại trường”. Đó là 3 trong số 27 giáo viên bậc THCS trong toàn huyện Chợ Gạo có tên trong danh sách phải xuống dạy bậc TH năm học 2010 – 2011. Việc điều chuyển này đáng lẽ đã thực hiện từ đầu tháng 9 để ổn định trước khi khai giảng năm học mới, nhưng do sự bức xúc của giáo viên, nhiều người sẵn sàng xin nghỉ thay vì phải chuyển dạy cấp dưới, nên đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Do cách làm không khoa học?
Theo công văn 376/CV-PGD&ĐT của Phòng GDĐT huyện Chợ Gạo ngày 3-8-2010, thì toàn huyện thừa 27 giáo viên cấp THCS khi bước vào năm học 2010 – 2011. Phòng giải quyết bằng cách chuyển số giáo viên này xuống dạy bậc TH. Phòng cũng hướng dẫn các trường có giáo viên thừa thực hiện “tuyển chọn” theo quy trình như sau: Phân công giáo viên cho năm học 2010 – 2011; quán triệt tinh thần điều chuyển cho số giáo viên thừa; cho số giáo viên thừa “viết đơn tình nguyện” xuống dạy bậc TH; gửi hồ sơ về Phòng GDĐT để quyết định chính thức…
Bản thân công văn hướng dẫn cách làm của Phòng GDĐT huyện Chợ Gạo đã không thật ổn, đến khi các trường THCS triển khai thực hiện lại càng có biểu hiện thiếu dân chủ, khách quan, làm cho vụ việc càng khó giải quyết.
Thầy Nguyễn Văn Bạch – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăng Hưng Phước – cho biết, việc xét chuyển giáo viên xuống dạy bậc TH là do từng tổ bộ môn làm, nhà trường không quan tâm các vấn đề tuổi tác, giới tính hay bệnh tật…
Trong khi đó, ở nhiều trường khác, các tổ không dám chọn mà giao cho lãnh đạo trường quyết định. Có nơi còn cho bốc thăm. Yếu tố “tình nguyện” xin xuống dạy bậc TH hầu như không được quan tâm.
Theo Phòng GDĐT huyện Chợ Gạo, việc chuyển giáo viên thừa bậc THCS xuống dạy bậc TH là cần thiết, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện ở các trường đã xảy ra hiện tượng thiếu khách quan. Lãnh đạo phòng sẽ xem xét lại từng trường hợp giáo viên “điều chuyển”.
Nhiều giáo viên được chúng tôi tham khảo ý kiến (những người không liên quan gì đến chuyện “điều chuyển” nói trên) đều có cùng quan điểm là: Việc đưa giáo viên từ cấp THCS xuống dạy cấp TH là điều không nên, nếu buộc phải làm thì phải rất cân nhắc, thận trọng. Nếu làm không khéo, việc “điều chuyển” sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm của những giáo viên “bị” điều chuyển.
TH là bậc học tiền đề, kiến thức bậc TH như những viên gạch đầu tiên giúp xây dựng tòa nhà tri thức, giáo viên dạy TH cũng cần đạt chuẩn như các bậc học khác!
Theo Kỳ Quan
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)