Kiệu hoa đâu đã đến ngoài/ Quản huyền đâu đã giục người sinh ly. Kiệu hoa là kiệu (chiếc xe) có kết hoa. Quản huyền, quản là sáo, huyền là đàn. Đàn sáo đã tấu lên giục cô dâu lên đường. Cụ Hồ Đắc Hàm hơn 80 năm trước (1929) cụ có viết Kiều truyện dẫn giải. Trong sách này, cụ chú giải nhiều chỗ thật hay song với hai câu thơ trên, hậu sanh chưa thật mãn nguyện. Cụ viết: “trời đã sáng ngày, kiệu hoa vừa tới vườn hồng, nàng Kiều về nhà họ Mã”. Chưa nói chuyện về nhà họ Mã chưa thật chuẩn xác. Có lẽ dừng ở mức độ: Thúy Kiều từ biệt gia đình ra đi theo họ Mã. Còn chi tiết Kiệu hoa vừa tới vườn hồng, tức kiệu hoa vừa mới đến nhà Thúy Kiều, như vậy ta đã đánh rơi hai chữ đã lại kèm hai chữ đâu. Mã đã chực sẵn, sốt ruột muốn đưa Kiều đi. Mà cụ Nguyễn Tiên Điền chữ nghĩa lại quá chi li, cẩn thận. Nguyễn Du không viết Kiệu hoa đã đến cửa viên, hay Kiệu hoa đã đến trước nhà, hai chữ mé ngoài có ý khinh khi, coi thường sự hiện diện ấy. Cụ lại để tiếng sáo, tiếng đàn rước dâu là điềm vui đối với cảnh sinh ly tử biệt, thật đáng buồn.
Rồi cũng chỉ 14 chữ mà hiện lên cảnh: Đau lòng kẻ ở người đi/ Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm… Liền sau đấy là cảnh chiều tối, hoàng hôn: Trời hôm mây kéo tối rầm/ Rầu rầu ngọn cỏ dầm dầm cành sương. Mới bình minh đón dâu, trời đã về chiều. Ấy là vì cụ Nguyễn muốn lột tả tâm trạng trong cái đêm đầu tiên theo Mã. Cũng không nói đến việc Mã đưa Kiều đến phòng trọ rồi bỏ mặc nàng: Rước nàng về đến trú phường/ Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong. Chỉ nói đến tâm trạng của Kiều. Nàng nghĩ gì khi còn một mình trong căn phòng trọ ấy? Phẩm tiên rơi đến tay hèn/ Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai/ Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung/ Vì ai ngăn cản gió đông/ Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.
Phẩm tiên, quả phẩm của tiên, tức đào tiên, ý nói đến sự quý giá, trân trọng. Quý như vậy mà rơi đến tay hèn, đến Mã giám sinh, thật chua xót cho Kiều. Có bản Kiều ghi đã đến tay hèn (Quan Văn đường), có lẽ không hay bằng chữ rơi! Rơi là ta có ý gìn giữ nay bỗng tuột khỏi bàn tay, thoát khỏi sự giữ gìn; nơi chốn mà vật ấy, điều ấy rơi không phải là chỗ ta chọn. Bản cụ Đào Duy Anh có lý hơn. Nắng giữ mưa gìn là mưa nắng giữ gìn, Nguyễn Du hay dùng biện pháp tách từ để nhấn mạnh. Thúy Kiều đã giữ gìn cho khỏi nắng mưa suy ra là Kiều trước mưa gió vẫn giữ cho sự trinh tiết. Đã giữ gìn công phu như vậy, đâu ngờ tấm thân đến bước lạc loài. Biết vậy, nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Thúy Kiều tự trách mình: Vì ai ngăn cản gió đông/ Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi! Có người cho rằng: câu thơ này là thiệt lòng kẻ ở (ý chỉ Kim Trọng), đau lòng người đi (Thúy Kiều). Hiểu như vậy cũng hay cũng rành mạch. Nhưng nếu thiệt lòng khi ở đâu hẳn chỉ là Kim Trọng? Chắc Thúy Kiều cũng thấy “thiệt”! Và đau lòng đâu chỉ Thúy Kiều? Chưa rõ ý cụ Nguyễn nhưng ta có thể suy luận như vậy.
Có điều, cụ Hồ Đắc Hàm chú giải: “nàng Kiều vào ở phòng trong, mặt dạn mày dày, lòng thương phận tủi, biết thân này phải về họ Mã, thà ngày xưa lấy quách chàng Kim, ấy là vì mình nên để cho chàng lúc ở đã chịu thiệt thòi, khi đi lại thêm đau đớn…”.
Hình như cụ Hồ Đắc đã dễ dãi khi dùng từ lấy quách, cũng như chuyện thiệt lòng, đau lòng đâu chỉ chàng Kim!
Nỗi đau, nỗi tủi đã đến như vậy, Thúy Kiều chỉ còn nghĩ đến cái chết: Trên yên sẵn có con dao/ Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn/ Phòng khi nước đã đến chân/ Dao này thì liệu với thân sau này!
Chi tiết này vừa chỉ rõ sự đau đớn của Kiều đã đến tột đỉnh mà cũng là báo hiệu, cũng là chuẩn bị cho việc Kiều tự tử ở lầu xanh Tú bà.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)