Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Kiên trì và trung thực

Tạp Chí Giáo Dục

Người giáo viên hãy cố gắng sống hết mình với các em.Vui cùng vui, buồn cùng buồn và cùng đùa nghịch với các em qua các trò chơi. Ảnh: Tr.Tri
Gần đây theo dõi diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?” của Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi thấy có nhiều ý kiến rất hay, trong đó tôi tâm đắc quan điểm giáo dục là phải hiểu và biết thương yêu học sinh (HS), nếu không sẽ dễ đi đến thất bại. Làm chủ nhiệm lớp nhiều năm tôi thấy HS hư hoặc chưa ngoan đa số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Trường hợp em H. lớp tôi chủ nhiệm năm rồi là một điển hình. Em thường xuyên bỏ học đi chơi, vào lớp lại nói chuyện riêng và bày đủ thứ trò nghịch phá để chọc ghẹo bạn. Ngoài ra, em đến lớp mà chân không mang giày dép, còn áo quần dơ bẩn lôi thôi. Nhiều giáo viên cứ than phiền H. lơ là không để ý đến chuyện học hành. Khi bị thầy cô nhắc nhở em không phản đối mà cứ trơ mặt ra, lầm lỳ ít nói. Mười giáo viên vào lớp dạy thì cả mười người đều than thở về H. Tôi nghe nói em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cũng không rõ như thế nào, vì thế tôi đã đến nhà tìm hiểu cho kỹ. Thì ra ba em vẫn còn sống chứ không phải em mồ côi ba như lời đồn. Mẹ nghiện hút hai lần trốn trại nên em phải sống nương tựa vào bà nội. Hàng ngày bà đi bán vé số nuôi cháu và khu nhà trọ hai bà cháu ở có nhiều thành phần xã hội phức tạp, lắm tệ nạn. Chính hoàn cảnh đó đã làm cho em hư, bất cần. Mặc dù có phường bảo trợ theo chế độ xóa đói giảm nghèo nhưng hai bà cháu vẫn sống thiếu trước hụt sau. Do thiếu thốn về vật chất, ăn uống không đầy đủ nên thể trạng H. ốm yếu, dù em lớn tuổi hơn các bạn trong lớp.
 Khi cuộc sống trong gia đình bị xáo trộn rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến các em về mặt tâm lý và dễ biến các em trở thành HS hư.
Khi biết được hoàn cảnh em H, nhà trường đã cho em học bán trú với chế độ đặc biệt, nuôi bữa ăn trưa miễn phí. Thầy cô trong trường cũng tìm cách giúp đỡ, cho tập vở, mua dép và quần áo. Là chủ nhiệm lớp tôi rất buồn khi bị các đồng nghiệp “mắng vốn” HS của mình và càng lo lắng hơn vì đây cũng là năm học cuối cấp của H. Tôi không nói ra nhưng rất sợ em phải lưu ban vì sức học quá yếu. Thế nhưng không vì thế mà “buông” em ra được. Một mặt tôi đích thân gặp bà nội của H, mặt khác tôi liên hệ với UBND phường nơi hai bà cháu ở để làm “công tác tư tưởng”. Nhà trường cũng bắt đầu quan tâm tới em hơn như tặng các phần quà trong dịp lễ, dụng cụ học tập và cho không hai bộ SGK, miễn giảm luôn học phí hai buổi. Đặc biệt là nhóm giáo viên dạy khối 5 đã hỗ trợ các HS yếu trong đó có H. về bài vở, giải lại những bài tập khó, vì thế dần dần các em đã đuổi kịp chương trình. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên lạc với Ban đại diện CMHS của trường để nhờ tìm cách tiếp cận gia đình em. Rất may là bác trưởng ban ở gần nhà H. nên cũng có nhiều cơ hội gần gũi và giúp đỡ em hơn. Như dòng sông có nước là nhờ nhiều con suối hợp lại, được sự quan tâm của thầy cô, của nhà trường và chính quyền địa phương, từ một HS hư H. tiến bộ từng ngày. Sức học của em cũng dần dần được vực dậy, ở trong lớp em không còn là “thủ lĩnh” quậy phá nữa. Điều vui mừng hơn là cuối năm em được lên lớp và chuyển cấp.
Tưởng ra trường là em quên hết tất cả, ai ngờ vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua em đã trở về trường thăm thầy cô. Thầy trò ôm nhau xúc động vì thấy em chững chạc hơn, người mập tròn chứ không ốm yếu như trước.
Câu chuyện của em H. cho tôi thấy, khi cuộc sống trong gia đình bị xáo trộn rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến các em về mặt tâm lý và dễ biến các em trở thành HS hư. Nếu không vượt qua được “thử thách” đó các em sẽ trượt dài trên cái dốc cuộc đời. Nhưng nếu vượt qua được “bước ngoặt” đó thì các em sẽ nên người, bởi ranh giới tốt – xấu rất là mong manh. Tuy nhiên chỉ có người lớn và đặc biệt là môi trường giáo dục tốt mới có thể giúp các em đứng dậy đi tiếp. Và quan trọng hơn là chúng ta phải biết mở lòng, thương yêu các em hơn. Vì thế không ít giáo viên đã tâm niệm, hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn, đùa nghịch và dạy dỗ các em với khẩu hiệu: “Công bằng, kiên trì và trung thực”.
Huỳnh Thị Thu Thanh
(GV Trường TH Phù Đổng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Không ít giáo viên đã tâm niệm, hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn, đùa nghịch và dạy dỗ các em với khẩu hiệu: “Công bằng, kiên trì và trung thực”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)