Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tú bà dạy nghề cho Thúy Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Ở đời có hàng trăm nghề. Không hiểu các cụ xưa đã thống kê chưa mà gọi là bách nghệ? Mà trong cái bách nghệ ấy, các cụ có ghi vào danh mục nghề làm đĩ? Cái nghề mà Thúy Kiều mới nghe nói đã thẹn thùng. Cụ Nguyễn lại đánh giá lạ lùng, khắt khe (khắt khe: cái nghề bị bắt buộc hành hạ người ta – Đào Duy Anh). Đã nói đến nghề nghiệp tức đòi hỏi phải có chuyên môn, nếu không có lí thuyết chí ít cũng phải thuộc lòng những động tác cơ bản.
Nguyên truyện, TTTN cho Thúy Kiều thắc mắc: “Ăn nằm thì cũng ăn nằm như thế, chẳng lẽ lại còn kiểu cách gì nữa?”.
Cũng lạ lùng thay, Tú bà phải nhân buổi nguyệt sáng, gương trong, cái đêm thanh tịnh, bầu trời trong sáng mụ mới truyền nghề cho Thúy Kiều. Nguyễn Du muốn dùng nghệ thuật đối nghịch: Chuyện bẩn thỉu, hèn hạ với trời trong trăng sáng? Hay mụ đĩ già nọ nói đến chuyện ấy thấy thú vị cần nhẩn nha, nhấm nháp, tận hưởng? Nếu cụ Nguyễn viết: Phải đêm mưa gió ào ào thì xô bồ, vội vã và cơ hồ thiếu sự trân trọng, tề chỉnh cần thiết (Vì với mụ Tú đây là việc làm thiêng liêng gắn bó với doanh thu của mụ). Ta cũng tìm thấy mấy dòng thơ mở đầu nghe chừng chậm rãi, thong dong: Vừa tuần nguyệt sáng gương trong/ Tú bà ghé lại thong dong dặn dò/ Nghề chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta phải biết cho đủ điều. Mở đầu như vậy làm sao Thúy Kiều không thắc mắc, lạ lùng? Mụ Tú giải thích: Mụ rằng: Ai cũng như ai/ Người ta ai mất tiền hoài đến đây? Thì ra mấu chốt là ở chỗ ấy. Ba chữ ai chỉ ba đối tượng. Chữ ai thứ nhất chỉ vào chị em đã quen sống chốn thanh lâu, chữ ai thứ hai chỉ Thúy Kiều hay những cô gái lương thiện chưa bước vào ngưỡng của thần Bạch Mi. Đó là một chân lí, ai cũng như ai! Vậy muốn cho ai (chữ ai thứ ba) tức khách làng chơi đến tất phải có gì lạ, có gì hấp dẫn, thú vị: Ở trong còn lắm điều hay/ Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung (khép mở ở đây là khép mở cửa đón khách và đưa khách. Riêng của mình và chung với người khác…). Rõ ràng, chuyện không đơn giản thế. Thế giới thanh lâu như mở cửa cho Thúy Kiều đón nhận những điều mới lạ. Và đây mới là lạ nhất, mới nhất: Này con thuộc lấy làm lòng/ Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề. Ý Tú bà muốn nói: Ta nói những điều khác, con chỉ nghe để biết. Riêng bảy chữ, tám nghề con phải ghi tâm, phải thuộc kỹ lưỡng.
Tất nhiên cụ Nguyễn đã bỏ đi việc giảng giải bảy chữ, tám nghề ấy. Đó là những cách làm giả dối cho ra sự thương yêu, để quyến luyến lòng khách (Tản Đà). Thật ra cụ Tản chú như vậy xem ra chỉ nói cái đích cần có chứ nguyên truyện bày vẽ kỹ càng lắm!
Và, nếu như Thúy Kiều (cũng như bao cô gái chốn thanh lâu) thuộc lòng và áp dụng đúng bài bản thì cuộc tình sẽ: Chơi cho liễu chán, hoa chê/ Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời (Hai chữ chán chê cụ Nguyễn đã tách từ tạo hai vế đối nhau tả cảnh ái ân lu bù, thỏa sức). Chuyện ân ái, tình cảm không chỉ diễn ra lúc cao trào ấy mà còn biết kéo dài cái sự thích thú: Khi khóe hạnh, khi nét ngài/ Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa… Hai chữ khóe hạnh các cụ xưa giải thích chưa thống nhất. Cụ Bùi Kỷ, cụ Đào Duy Anh cho đó là khóe miệng tươi như hoa hạnh, khóe hạnh đi với nét ngài là miệng cười tươi, mắt liếc đưa tình. Riêng cụ Văn Hòe viết: “Người ta thường nói khóe mắt, không nói khóe miệng bao giờ. Cung oán ngâm khúc có câu: Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành”. Cụ Văn Hòe kết luận: “khóe hạnh là khóe mắt: mắt sắc như lá hạnh”.
Giải thích theo cách nào cũng là sự đa tình, đắm đuối được diễn theo với cuộc lăn lóc đá ở trên. Mà xem trong nguyên truyện, không thấy có chi tiết này. Thúy Kiều nghe xong Tú bà giảng bảy chữ, tám nghề nói: “Té ra như thế! Con xin lĩnh hội cẩn thận”. Cụ Nguyễn thêm mấy câu thơ, thêm mấy ý mới biết cụ tinh đời lắm!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)