Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những nhà giáo liệt sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Bài cuối: Anh cán bộ miền Nam hy sinh trên đất Bắc

Thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội năm xưa

Trong số hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có nhà giáo ra đi ngay giữa đạn bom ác liệt của chiến trường miền Nam nhưng cũng có những thầy cô vì ốm đau bệnh tật phải quay trở lại miền Bắc để điều trị và rồi cũng đành từ giã cõi đời trong niềm tiếc thương của gia đình, người thân. Liệt sĩ Nguyễn Văn Ba là một trong những trường hợp đặc biệt như thế.
“Cuốn từ điển sống”
Năm 1940 mới 3 tuổi cậu bé Nguyễn Văn Ba đã phải mồ côi mẹ, ba năm sau bệnh tật cũng cướp đi người cha kính yêu của Ba. Lớn lên trong vòng tay của họ hàng, nội ngoại cậu bé quê ở xã Thạnh Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được xóm làng quý mến vì tính tình chịu khó, chịu thương. 15 tuổi được các anh các chú dìu dắt, Ba bắt đầu tham gia cách mạng. Làm việc tại Ty an ninh Mỹ Tho, công việc chính của anh là đánh máy chữ cho cơ quan. Năm 1954 chàng trai Văn Ba theo đoàn cán bộ xuống tàu ra Bắc.
Không giống như các bạn khác về học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng Nguyễn Văn Ba được tổ chức đưa vào làm việc tại Trường Đại học nhân dân Hà Nội. Tại ngôi trường này Ba đã hoàn thành chương trình phổ thông để trở thành sinh viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội và sau này là thầy giáo dạy văn tại Trường cấp 3 Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Khi về dạy ở Trường học sinh miền Nam số 4, thầy giáo Ba gặp lại một số bạn bè cùng khóa thời sinh viên trong đó có cô giáo Vương Thị Tần – quê Quảng Ninh – sau đó trở thành người bạn đời của ông.
Được ông Phạm Như Hải giới thiệu tôi tìm đến căn nhà 80, đường số 51 phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM để gặp bà Vương Thị Tần. Lúc đầu tôi cứ tưởng họ là những người bạn chiến đấu của nhau ai ngờ đến trò chuyện trực tiếp tôi mới biết bà Tần là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ba. Quá khứ dù đã lùi xa nhưng bà Tần vẫn còn nhớ rất rõ: “Thực ra ngay từ hồi sinh viên chúng tôi đã biết nhau dù không học cùng một lớp, khi đi dạy chúng tôi lại về chung một trường. Đến lúc vào chiến trường cả hai lại cùng đi một đợt nhưng mãi đến khi vào Ban tuyên huấn TW Cục miền Nam thì tình yêu mới thật sự đến với chúng tôi”. Theo lời kể của bà Tần, lúc đó ông Ba là cán bộ tiểu ban đối ngoại thuộc Ban tuyên huấn TW Cục miền Nam còn bà ở TW Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng. Đám cưới năm 1968 tuy đơn sơ nhưng cũng có hai can rượu mua của đồng bào địa phương và ít thịt kỳ đà, cheo, mễn do anh em vào núi đi săn mà có được.
Theo nhiều người kể lại, anh Nguyễn Văn Ba tính tình thẳng thắn, chân thành rất đậm chất Nam bộ. Phẩm chất của anh được đồng đội nể phục nhất đó là sự chịu khó trong học tập. Dù đi đâu lúc nào trong túi ngực anh luôn có một cây bút và cuốn sổ tay để ghi chép. Nhờ tự học mà anh rất giỏi tiếng Trung Quốc nên thường được Bộ Ngoại giao mời đi phiên dịch cho các đoàn nước bạn sang Việt Nam công tác. Anh còn tự học thêm tiếng Nga, Pháp, Đức… kiến thức phong phú nên bạn bè thường gọi là “cuốn từ điển sống”. 
Chuyến ngược ra Bắc “có một không hai”
Nói sao hết nỗi vui mừng của đôi vợ chồng trẻ khi họ sinh hạ được đứa con trai đầu lòng giữa rừng núi chiến khu vào năm 1970. Thế nhưng đây cũng là thời gian anh cán bộ đối ngoại phải đi nhiều nơi như Kiến Phong, Kiến Tường, Long Xuyên… nên sức khỏe ngày càng yếu đi và sau này bác sĩ chẩn đoán do bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Tần kể tiếp câu chuyện: “Đầu năm 1973 ông bị sốt liên tục, da bắt đầu vàng, ăn uống không được bao nhiêu nhưng bụng chướng to, xét nghiệm máu hồng cầu chỉ còn hơn một triệu. Dù được các bác sĩ của Bệnh viện B2 cứu chữa nhưng bệnh tình của ông không thuyên giảm. Ban tuyên huấn TW Cục quyết định đưa ông ra Bắc tiếp tục điều trị”. 
Có lẽ cho đến bây giờ bà vẫn không quên được chuyến hành trình ngược ra Bắc “có một không hai” trong cuộc đời của mình: “Mẹ con tôi được tổ chức cho đi cùng chuyến xe để chăm sóc ông. Trên chuyến xe còn có hai người phụ nữ dân tộc và một anh bộ đội người Hà Tĩnh trắng trẻo, hiền lành . Ban đêm xe tranh thủ đi, ban ngày chúng tôi ghé vào các trạm giao liên để nghỉ dưỡng sức và lấy thêm lương thực. Nửa chặng đường đầu sức khỏe mọi người còn tốt nhưng càng về sau người nào người nấy yếu hẳn. Lúc đầu ông ấy còn ngồi được sau thì phải nằm trong xe. Anh bộ đội kia do bị sốt rét, sức đuối, không ăn được cơm lại còn ho ra máu nên tôi phải pha sữa, đút cháo cho anh ta ăn. Một tay ẵm con rồi còn phải chăm sóc chồng đang bệnh nặng tôi lại phải chăm thêm một bệnh nhân nữa. Đến đất Hà Tĩnh thấy đã quá yếu nên chúng tôi để anh ấy lại nhờ giao liên đưa vào bệnh viện”.
Xe đến Hà Nội đúng vào 29 Tết. Đêm giao thừa ông Ba kêu đau và cả nhà đưa ông vào nhà thương. Từ chiến trường miền Nam ra, ông chỉ nằm tại nhà được 4 tiếng đồng hồ, và gia đình bà Tần phải “đón” Tết trong Bệnh viện Việt Đức, ai cũng trong tâm trạng mệt mỏi, lo lắng. Hơn một tuần sau, khi sức khỏe ông càng ngày càng xấu đi nên các bác sĩ quyết định mổ để lấy khối u trong người ra với hy vọng “còn nước còn tát”. Thế nhưng do căn bệnh ở giai đoạn cuối nên ông đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Giọng bà Tần bùi ngùi: “Hình như đoán trước được sự ra đi của mình nên ông đã chuẩn bị tất cả. Trước khi ra đi ông nhờ một bệnh nhân nằm giường bên cạnh gửi cho tôi một gói đồ được gói kỹ trong chiếc khăn rằn. Ngoài chiếc áo bông màu xanh, đôi dép râu từng theo ông xuôi Nam ngược Bắc còn có chiếc đài bán dẫn Liên Xô nhỏ do bố tôi tặng để ông nghe trong bệnh viện, một sơ yếu lý lịch và tờ giấy bạc năm đồng màu nâu. Đó là tất cả gia tài của cả cuộc đời ông để lại cho vợ con”.
Ông mất vào ngày 6-2-1974, đúng vào ngày rằm tháng giêng âm lịch sau nửa tháng trở về miền Bắc. Hài cốt của ông được Cục chính sách của Ban thống nhất TW đưa đi an táng tại Nghĩa trang Văn Điển như một liệt sĩ đã hy sinh vì cuộc đấu tranh giải phóng cho dân tộc.
Hương Thủy

Bình luận (0)