Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tư vấn học đường: 0+…?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một ca tâm lý trị liệu ở Chi hội tâm lý giáo dục Trăng Non (TP.HCM)HS lười học, học kém, gặp nhiều lúng túng về tâm sinh lý, đứng trước ngã ba đường chọn lối rẽ vào đời…đều cần tư vấn. Nhưng hầu hết ở các trường phổ thông đều chưa quan tâm, hoặc có chăng cũng chỉ là kiêm nhiệm hay chiếu lệ.

Biết tỏ cùng ai?

Vài năm trở lại đây các trường phổ thông như Nguyễn Thị Minh Khai, Khai Nguyên, Nguyễn Thượng Hiền thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn trực tiếp tại trường. Lượng HS đến dự bao giờ cũng đông nghẹt.

Trường Mari Cuire, trong vài năm trở lại đây, cũng thực hiện dự án tư vấn học đường. Theo một nhân viên tư vấn, số HS đến với văn phòng khá tương đối. Có ngày gần 20 em.

Cô bạn thân giận nên Ngọc Anh (HS trường Phú Nhuận) muốn tìm người lớn hơn mình để bày cách làm hoà, hoặc phân tích đâu là đúng đâu là sai, nhưng không biết tìm đến đâu. Nói thế, nhưng Anh khẳng định: nếu là giáo viên trong trường đứng ra làm tư vấn thì… em không dám đến đâu. Vì sợ để lại ấn tượng không đẹp trong mắt thầy cô.

Ngọc Thi thì băn khoăn về việc chọn nghề, không biết nên thi trường nào với lực học trung bình của mình. Hiện tại, chỉ biết hỏi thăm cô chủ nhiệm và mấy anh SV ở trọ trong nhà. “Nếu có một phòng tư vấn đặt đâu đó trong trường hay gần trường thì tụi em sẽ ghé qua khi không có tiết học, để hỏi thêm nhiều vấn đề”, anh bạn ước.

Theo Thi, bạn cũng như nhiều bạn trong lớp của mình có khá nhiều điều băn khoăn: phương pháp học, kế hoạch tự học, quan hệ với các bạn trong lớp với thầy cô, chuyện không vui với bố mẹ, tình yêu và giới tính nữa.

Minh Hoàng, một HS lớp 11 trường BC Chu Văn An giận dữ: “Em mới chuyển về trường, giọng nói  khó nghe. Nhưng trả bài với tất cả thầy cô khác thì đều được. Chỉ riêng một môn, cô giáo gọi lên khảo bài 3 lần, lần nào em cũng thuộc bài, nhưng cô không nghe được nên cho điểm 0. Và còn ghi sổ là em không thuộc bài nữa. Trình bày, cô cũng không hiểu. Đành chịu phạt và chịu điểm kém”.

Tại buổi hội thảo“Tư vấn tâm lý – giáo dục – thực tiễn và định hướng phát triển” tổ chức tại TP.HCM diễn ra tuần qua, TS Mai Ngọc Luông đã nhấn mạnh: “Chính trong những biến đổi của cuộc sống đang thay đổi với tốc độ quá nhanh, HS cần được tư vấn về cách nhìn, thái độ tích cực đối với cuộc sống để nhạy bén, sắc sảo và năng nổ trong tư duy cũng như trong chính những hoạt động học tập rèn luyện kiến thức và kỹ năng. Nếu không, các em sẽ mất phương hướng, không đủ sức vươn lên để chọn lựa một ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và với chính bản thân: sẽ không đủ sức mạnh để vượt qua chính mình và sẽ mất phương hướng trong việc chọn ngành nghề”.

Số lượng HS chán, lười học chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các trường. Dẫn đến tình trạng học lực càng này càng kém.

NSUT Nguyễn Phúc Ân giải thích: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Có em do thiếu tinh thần và thái độ học tập đúng đắn. Có em  không tìm ra phương pháp học đúng. Và điều mà khá nhiều HS gặp phải là bị sự tác động của hoàn cảnh khách quan: khó khăn kinh tế, bố mẹ ly hôn, gia đình không quan tâm đến việc học của con cái, môi trường xã hội phức tạp…

Lúng túng, khó khăn trong học tập; lúng túng trong công tác được giao trên lớp; thắc mắc giới tính; gặp khó khăn trong cư xử với bạn bè; cảm xúc và cách cư xử với bạn khác giới; vướng mắc trong quan hệ với cha mẹ, anh chị em; bị sức ép học tập từ cha mẹ; vướng mắc trong quan hệ với giáo viên – Đó là những vấn đề HS phải đối đầu, theo kinh nghiệm rút ra từ nhiều năm làm công tác tư vấn học đường của thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng.

Không thể chờ…Trước mùa thi, nhiều HS gặp áp lực về tâm lý

 

Một cuộc khảo sát ở hai trường THCS Nguyễn Gia Thiều và THPT Nguyễn Thượng Hiền của các Tiến sĩ Ngô Đình Qua, Nguyễn Thượng Chí cho thấy: 63,4% HS THCS và 69,9% HS THPT có những thắc mắc, khó khăn về sự phát triển tâm lý, giới tính của bản thân.

 Trong khi đó, chỉ có 56% HS THCS Nguyễn Gia Thiều và 53,9% HS THPT Nguyễn Thượng Hiền được cha mẹ, người lớn giải đáp những thắc mắc về tâm lý, giới tính.

Hỏi về nhu cầu một phòng tư vấn tâm lý học đường miễn phí do các chuyên gia tư vấn tâm lý – giới tính, học tập và hướng nghiệp phụ trách, có 46% HS THCS Nguyễn Gia Thiều và 67% HS THPT Nguyễn Thượng Hiền cho là cần thiết.

Hiện nay, một số trường đã có đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm vai trò tư vấn bằng cách quan tâm chăm sóc, giáo dục học sinh và cũng có không ít giáo viên tỏ ra am hiểu tâm lý HS, xây dựng được mối quan hệ thân thiện, tin tưởng đối với HS. Nhiều HS đã đến với thầy cô của mình để được giải quyết những khó khăn về mặt tâm lý.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng: “Nhà trường cần thiết phải tăng cường hoạt động tham vấn”.

Bà Hồng lý giải: Các vấn đề khó khăn của HS ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, do đó chỉ có những chuyên viên được đào tạo, được trang bị những kiến thức và kỹ năng tham vấn cơ bản và chuyên nghiệp mới có thể giúp đỡ các em một cách hiệu quả.

Đôi khi những khó khăn của HS xuất phát từ mối quan hệ với giáo viên hoặc bạn bè trong lớp, và chức năng kiểm tra đánh giá của giáo viên đã khiến HS e ngại, không muốn bộc lộ với họ. Trong khi đó, chuyên viên tham vấn đến trường được phân công làm nhiệm vụ tiếp xúc, trao đổi và hỗ trợ HS, họ không thực hiện việc nhận xét, xếp loại HS nên các em an tâm trình bày với chuyên viên tư vấn.

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, tư vấn học đường là phòng tư vấn dành cho HS. Nhưng thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng đã giúp mọi người ngộ ra: giáo viên và phụ huynh cũng có nhu cầu được tham vấn. Bởi, thực tế cho thấy những sai sót của các nhà giáo dục ở nhà trường có liên quan đến trạng thái tinh thần, tâm lý của học. Và HS thường là nạn nhân của sự bất ổn đó.  

Đoan Trúc (VietNamNet)

Bình luận (0)