Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đề án xây nhà công vụ cho giáo viên ở Điện Biên: Để không chỉ “ổn” ở cấp vĩ mô…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Cô giáo Tô Thị Huệ, trường tiểu học Mường Nhé đang soạn giáo ánNhư nhiều địa phương thuộc địa bàn miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn ở nước ta, nhà ở công vụ cho GV ở Điện Biên từ lâu đã là vấn đề bức xúc nổi cộm, đặc biệt là đối với những khu vực vùng sâu, vùng biên giới… Đã có nhiều kế hoạch, dự án từ Trung ương cho tới địa phương, những chương trình trợ giúp của ngành GD và kể cả của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà ở cho GV ở Điện Biên, nhưng hầu hết chỉ là đơn lẻ, trong khi nhu cầu thì rất lớn. Gần đây nhất, để giúp những nhà giáo “an cư” khi “lạc nghiệp” trên vùng núi non trùng điệp của đất trời Tây Bắc khắc nghiệt, ngày 25/6/2008, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch 818/KH – UBND, trên cơ sở cụ thể hóa Quyết định 20/QĐ – TTg của Chính phủ về đầu tư kinh phí xây nhà công vụ cho giáo viên vùng khó. Thế nhưng, sau gần 5 tháng triển khai, thực tế cho thấy chủ trương chính sách thì đúng đắn nhưng sự triển khai tại các cơ sở thì có nhiều vấn đề đáng nói…

Thực trạng nhà ở giáo viên vùng sâu

Trường Tiểu học số 2 Mường Nhé thành lập đầu năm học 2007 – 2008, trên diện tích khiêm tốn thuộc bản Nậm Pồ, xã Mường Nhé huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Là huyện vùng cao gian khó nhất tỉnh, nên không thể bố trí kinh phí xây nhà cho GV. Trước thực trạng đó, BGH nhà trường chủ trương vận động phụ huynh giúp đỡ ngày công khai thác gỗ, tre, nứa làm nhà tạm cho GV. Nếp nhà gianh nhanh chóng được dựng lên, chả sang trọng gì cũng đáp ứng được nhu cầu tối thiểu các giáo viên trong trường. Nhưng do khí hậu khắc nghiệt, chưa đầy một năm học đã mục nát. Những hôm trời mưa, các thầy, cô giáo phải huy động hết xô, chậu để hứng nước dột. Ngày bận lên lớp, đêm đến cô giáo Tô Thị Huệ ngồi soạn giáo án bên ngọn đèn dầu leo lét. Cô Huệ cho biết: Đêm nào cũng vậy, cô phải thắp đèn 4 – 5 lần vì trên rẻo cao Mường Nhé gió thổi ràn rạt, ngọn đèn lúc tắt lúc đỏ. Ngoài điểm trường trung tâm, Trường Tiểu học số 2 Mường Nhé còn có 30 lớp ở 6 điểm bản. Tất cả giáo viên nhà trường phải ở nội trú trong cảnh không điện lưới quốc gia, nước sạch thiếu, nền nhà ẩm ướt vì không có tiền láng xi măng.

Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh sinh hoạt của 3 thầy giáo trường THCS Phìn Hồ (xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà), trong căn phòng thấp lè tè, rộng khoảng 10m2, bốn phía thưng bằng những tấm phên nứa. Đều cảnh độc thân nên 3 thầy chọn cách “góp gạo thổi cơm chung”. Quá giờ làm việc, chúng tôi ở lại ăn cơm trưa cùng các thầy. Có khách, nhưng dù chủ nhà cố gắng lắm thì bữa cơm cũng chỉ có mấy con cá khô và bát canh rau cải xoong. Thầy Trịnh cho biết do ở xa trung tâm huyện, xa chợ nên mọi khoản: lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống hằng ngày… đều phải thật chừng mực. Các thầy thay phiên nhau mỗi tuần một người ra chợ huyện mua rau, nước mắm, muối… Điện không có, vì vậy các thầy tranh thủ soạn giáo án vào ban ngày, giữa những lúc không phải lên lớp. Phần lớn giáo viên trường THCS Phìn Hồ đến từ các vùng quê khác nhau nên đều phải ở nội trú để tiện công tác. Xã Phìn Hồ mới chia tách được hơn một năm, cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều khó khăn, vì vậy nhà công vụ cho giáo viên thiếu thốn và tạm bợ là điều đương nhiên.

Thống kê của Sở GD – ĐT, đến cuối năm 2007, toàn ngành có 1.400 phòng ở cho giáo viên. Con số trên liên tục biến động theo chiều hướng tăng dần, vì nhu cầu mở lớp, mở trường tại các xã, bản trên địa bàn tỉnh lớn. Mặc dù được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và các nhà “Mạnh Thường quân”, nhưng đến nay mới có khoảng 400 phòng được xây dựng kiên cố, số còn lại vẫn là nhà tạm gianh, tre, nứa lá.

Những nỗ lực vĩ mô

Để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho cán bộ, giáo viên vùng cao, vùng sâu, ngày 1/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ – TTg về đầu tư kinh phí kiên cố hoá trường lớp học và xây nhà công vụ cho giáo viên. Theo đó, trong 5 năm (2008 – 2012) tỉnh Điện Biên được đầu tư 584,7 tỷ đồng kiên cố hoá 2.774 phòng học và 1.996 nhà công vụ. Đây là thông tin đáng mừng, vì bao năm qua, hàng nghìn cán bộ, giáo viên trong tỉnh phải làm việc, sinh hoạt trong những căn nhà tạm, thiếu thốn đủ bề. Thế hệ thầy cô giáo này vào nghề rồi nghỉ hưu lại đến thế hệ khác, trong suốt những năm tháng đó, họ bám trường, bám bản dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc. Không ít giáo viên nữ hy sinh cả tuổi thanh xuân trên vùng rừng xanh núi đỏ, đến khi nói lời từ giã sự nghiệp “đưa đò” vậy mà vẫn không có nổi căn nhà tươm tất để ở.

Ngay sau khi Kế hoạch số 818 có hiệu lực, các huyện, thị xã tập trung khảo sát địa điểm, lập dự toán để bắt tay xây trường học, nhà công vụ cho giáo viên. Trong năm 2008, tỉnh Điện Biên được đầu tư 115,6 tỷ đồng xây dựng 1.007 phòng học và 483 nhà công vụ trên địa bàn 8/9 huyện, thị xã (trừ thành phố Điện Biên Phủ). Cứ như những gì diễn ra, tin rằng dự án sẽ gặp nhiều thuận lợi, vì 90% kinh phí được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 10% còn lại sử dụng ngân sách địa phương. Phê duyệt quyết định đầu tư trong thời điểm giá các mặt hàng biến động, nên các nhà hoạch định đã tính toán cả vấn đề trượt giá, bù giá vận chuyển nguyên vật liệu xây trường học, nhà công vụ tại những xã, bản vùng đặc biệt khó khăn. Vấn đề xin được đặt ra: trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các doanh nghiệp trúng thầu công trình xây dựng nhà công vụ có làm việc hết mình, đảm bảo công tâm, khách quan theo quy định của pháp luật hay không?

Những bài học còn nguyên giá trị

Giai đoạn 1 Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học (Chương trình 159/CP) do Chính phủ đầu tư, tỉnh Điện Biên thực hiện kiên cố hoá được 1.655 phòng học, tổng kinh phí 259.930 tỷ đồng. Giữa năm 2007, Sở GD – ĐT tổ chức tổng kết, báo cáo cho biết: Trong 5 năm thực hiện (2002 – 2006), thanh tra các cấp đã thực hiện thanh tra 141 trên tổng số 166 công trình trường học, phát hiện nguồn ngân sách Nhà nước bị thất thoát 2.205.927.205 đồng. Bình quân mỗi phòng học thuộc Chương trình 159/CP Nhà nước hỗ trợ 110 triệu đồng, trong khi tỉnh xây hết 157 triệu đồng. Cứ thế mà suy ra thì các doanh nghiệp đã “ngoạm” mất 14 phòng học (tính theo giá thực tế xây dựng) và 20 phòng học (tính theo giá Nhà nước phân bổ). Vô hình trung họ “cản bước đường đến trường” của rất nhiều học sinh nghèo, gây mất lòng tin đối với nhiều phụ huynh. Tất nhiên sau đó các doanh nghiệp đã phải nộp trả số tiền sai phạm cho Nhà nước bằng cách giảm trừ qua thanh toán, nhưng “được vạ thì má đã sưng”…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát tiền tỷ nói trên. Trước hết, trách nhiệm của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, điều hành dự án chưa cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa Ban điều hành dự án, chủ đầu tư và các đơn vị xây dựng chưa tốt. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ tham mưu về lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Và theo chúng tôi, còn những nguyên nhân nữa, đó là việc giao cho các Phòng GD – ĐT làm chủ đầu tư Chương trình 159/CP, trong khi chuyên môn xây dựng không có. Vậy là các nhà sư phạm thuần tuý với chuyên môn lên lớp dạy chữ, làm quản lý giáo dục đã mệt lắm rồi giờ lại kiêm luôn cả quản lý dự án xây dựng trường học? Tuy thế, điều “lạ lùng” là không thấy đơn vị nào đủ can đảm từ chối, nếu một khi đấy là cái việc “có tiếng mà không có miếng”? Vẫn biết rằng, Luật Xây dựng quy định nếu chủ đầu tư không tự mình đảm đương được thì có thể thuê tư vấn, cán bộ điều hành bên ngoài. Sẽ không có gì để nói, nếu chủ đầu tư thuê được những cán bộ tư vấn có năng lực, trong sáng và trách nhiệm với công việc. Còn không, họ sẽ “quan hệ tốt” với nhà thầu để “làm xiếc” trên các bản vẽ thiết kế và cả trong quá trình giám sát thi công; một số công trình trường học loại này ở Điện Biên Đông, Tủa Chùa là những bằng chứng rõ nhất và không thể biện minh. Hậu quả là một khoản tiền khá lớn của Nhà nước bị thất thoát vào tay những doanh nghiệp làm ăn gian dối, trong khi chất lượng công trình thấp, cá biệt có những ngôi trường chưa bàn giao đã xuống cấp…

Trần Toại (Theo gdtd.com.vn)

Bình luận (0)