Với ứng dụng Homecares, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) đã cùng các cộng sự đưa dịch vụ y tế phục vụ tại nhà người bệnh chỉ sau vài cái nhấp chuột trên máy tính… Dự án mở ra một hướng mới trong phục vụ điều trị bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện cũng như tạo sự thuận tiện cho bệnh nhân.
Các thành viên lập dự án Homecares tại Đà Nẵng |
Sau một thời gian hoàn thiện, thử nghiệm và điều chỉnh độ chính xác thông qua cuộc thi khởi nghiệp Startup Runway Đà Nẵng 2017 (tháng 6-2017), phần mềm ứng dụng Homecares đã chính thức đưa vào hoạt động, phục vụ cộng đồng, mang lại tín hiệu tích cực.
Nói về ý tưởng này, bác sĩ Đồng chia sẻ: “Khi còn là sinh viên y khoa tôi đã nhiều lần chứng kiến sự vất vả của người bệnh và người nhà khi phải chen chúc chờ đợi hàng giờ trước khi được khám 5-10 phút, rồi sau đó là tiếp tục chờ đợi được xét nghiệm, lấy kết quả… Đặc biệt là người già và trẻ em, mỗi lần đi khám bệnh dù nặng hay nhẹ cũng đều cần có người thân đi cùng, công sức và thời gian bỏ ra suốt 3-4 giờ là quá lớn so với những gì họ nhận được”. Bác sĩ Đồng cho biết thêm, mặc dù ở những bệnh viện nhỏ mật độ bệnh nhân thưa hơn, nhưng nhiều người chỉ an tâm khi tới khám tại các bệnh viện lớn. Dưới góc nhìn của một người làm trong ngành y, tôi thấy việc chen chúc với đủ bệnh nặng nhẹ sẽ làm gia tăng lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Mặt khác, việc chen chúc còn tạo áp lực lớn lên nhân viên y tế trực, khiến nguy cơ thiếu sót trong chẩn đoán và xử lý bệnh tăng. Một điểm đáng chú ý khác là ở phương Tây họ rất chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, họ làm rất tốt công tác y tế gia đình, nên khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh thường gọi bác sĩ tới nhà để kiểm tra trước khi đến bệnh viện hoặc phòng khám. “Xuất phát từ những thực tế đó, chúng tôi mong muốn mang lại một dịch vụ tương tự, phù hợp với người dân ở nước mình”, bác sĩ Đồng cho biết.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng Bộ Y tế) đã đề nghị Đà Nẵng quan tâm đẩy mạnh mô hình bác sỹ gia đình. Đây là một trong những mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nâng cao chất lượng y tế cũng như góp phần giảm tải tại các bệnh viện. |
Homecares bắt đầu hoàn thiện về ý tưởng từ tháng 11-2016. Khoảng nửa năm sau, nhóm cùng thống nhất xây dựng app và web từ. Tháng 7-2017, ứng dụng được đưa vào thử nghiệm. Bác sĩ Đồng kể: Để xây dựng được ứng dụng này, nhóm mất khá nhiều thời gian lên kế hoạch, chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất để cung cấp dịch vụ tận nhà cho người bệnh, qua đó kết nối bác sĩ, điều dưỡng, xét nghiệm, vật lý trị liệu với những người có nhu cầu, đặc biệt là thời gian ngoài giờ làm việc. “Hiện nay, đa số người dân thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh cho mọi hoạt động hàng ngày, nếu muốn triển khai rộng rãi ý tưởng nhất định Homecares cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin bao gồm website và app cho người sử dụng. Đây sẽ là cầu nối giúp họ tìm kiếm những thông tin y khoa, địa chỉ phòng khám, nhà thuốc, tra cứu thuốc; và hơn hết người dùng sẽ tạo hồ sơ y tế cho bản thân và gia đình, đặt lịch khám, chăm sóc hoặc xét nghiệm chỉ trong vài phút. Với phần mềm này, người dân có 2 cách đơn giản để đặt lịch khám: gọi điện tới số hot-line hoặc đặt lịch qua ứng dụng. Cung cấp thông tin về bệnh nhân, địa chỉ, số điện thoại, cùng một số dấu hiệu bệnh và tiền sử bệnh lý đã mắc. Người đặt lịch cũng được chọn thời gian khám phù hợp nhất trong ngày. Hệ thống phần mềm của Homecares sẽ lựa chọn bác sĩ phù hợp theo 3 tiêu chí: Chuyên khoa phù hợp, thời gian phù hợp, khoảng cách gần nhất. Sau khoảng 5 đến 10 phút kể từ khi đặt lịch, người bệnh sẽ được thông báo, xác nhận lịch khám”, bác sĩ Đồng nói.
Sau hơn 2 tháng đưa vào thử nghiệm, hiện nhóm đang kết nối với hơn 20 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 2 phòng khám tư, 2 cơ sở xét nghiệm tại địa bàn Đà Nẵng. Qua thời gian khám chữa bệnh, nhóm nhận được phản hồi rất tích cực của người dân về dịch vụ này. Tỷ lệ tái sử dụng dịch vụ hiện nay là gần 200% (nghĩa là mỗi gia đình đã sử dụng dịch vụ Homecares đều đã tái sử dụng trung bình 2 lần nữa). Với tín hiệu tích cực đó, nhóm kỳ vọng thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn số lượng người dân tham gia sử dụng dịch vụ. “Trong tương lai, nhóm sẽ mở rộng dự án ra các tỉnh/thành khác, bởi người dân ở bất cứ đâu cũng xứng đáng được nhận dịch vụ y tế dành riêng cho mình”, bác sĩ Đồng cho biết.
Hàn Giang
Bình luận (0)