Hội nhậpGiáo dục phát triển

Nguyễn Khuyến – Trường Dân lập 3 năm liền có thủ khoa tú tài của TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến năm 2013, ngoài mười mấy năm liên tiếp đậu tốt nghiệp 100% trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến TP.HCM cũng “rinh” thành tích 12 năm liên tục có tỷ lệ phần trăm HS thi tú tài đạt loại giỏi rất cao. Năm học vừa qua, trường có 1.969 HS dự thi TN.PTTH và kết quả là có tới 783 em đạt loại giỏi chiếm tỷ lệ 39,77%. Chia sẻ niềm vui đó, kỳ này Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến bạn đọc và phụ huynh chân dung 3 nữ thủ khoa tú tài của TP.HCM đã và đang học tập tại trường tư thục Nguyễn Khuyến, cùng tìm hiểu về bí quyết học tập và nghị lực phấn đấu của các em.

Ba nữ thủ khoa tú tài – Mỗi người một cách học khác nhau

Đến từ các tỉnh thành khác nhau nhưng ba nữ thủ khoa đều có chung ý chí, nghị lực, sẵn sàng vượt qua khó khăn, hiền lành và học giỏi. Tuy xa quê và nhớ gia đình; người thân nhưng được sự động viên; an ủi của thầy cô, bạn bè; các em đều tự dặn lòng phải chăm ngoan học giỏi, cố gắng rèn luyện thật tốt để đem những phần thưởng lớn về tinh thần, không phụ lòng mong mỏi của gia đình và người thân yêu. Và để có được những “kỳ tích” đáng tự hào như vậy, các nữ thủ khoa đã sáng tạo những “chiêu thức” học tập phù hợp với bản thân và không rập khuôn, máy móc là điều dễ thấy trong phương pháp học của 3 em.
Tự tin, già dặn và không chùn bước trước khó khăn
Năm 2011 toàn thành phố có 2 thủ khoa THPT với 57 điểm, trường đóng góp một em là Nguyễn Thị Hiền 12D1 (cơ sở 4) với 4 điểm 10 ở các môn Toán, Lý, Sinh, tiếng Anh, điểm 9 ở môn Văn và điểm 8 ở môn Địa lý.
Sở hữu một thành tích “đáng nể” 12 năm phổ thông liên tiếp là học sinh giỏi xuất sắc của trường, cô học trò đến từ vùng đất Tây Nguyên (huyện ĐăkRấp, tỉnh Đắk Nông) có phương pháp học tập theo hướng suy luận. Em chia sẻ: “Ở trên lớp, em lắng nghe bài giảng của giáo viên thật kỹ để giảm thời gian tự học. Vì việc học thuộc lòng một cách máy móc như vậy sẽ mau quên nên em đã dùng các phương pháp suy luận để giảm căng thẳng tránh phải nhớ quá nhiều khi học bài ở nhà. Thường em chỉ học đến khoảng 10 giờ 30 là đi ngủ vì nếu học khuya, sáng thức dậy sẽ mệt mỏi và khó tập trung nghe thầy cô giảng bài mới”. Còn về cách học để có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp, Hiền cho biết: “Ở các môn xã hội, khi nghe giảng em chú ý kỹ đến những lưu ý nhỏ, tham khảo thêm tài liệu để khi làm bài sẽ tổng hợp lại và đưa ra cách nhìn nhận riêng mới có thể đạt điểm cao. Đặc biệt, ở môn Văn em thường xem lại những bài đã làm xong và giáo viên chỉnh sửa để lưu ý những chỗ sai về câu từ, cách lập luận chặt chẽ, bố cục bài… Do đặc thù của môn này là nếu dẫn chứng bị sai thì rất dễ mất điểm trong bài thi nên em luôn học các dẫn chứng một cách chuẩn xác. Đối với các môn tự nhiên, em thường giải bài tập nhiều dạng để học cách giải bài nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ngoài ra, em thường gắn các công thức khó nhớ với các câu nói hài hước để dễ dàng ghi nhớ, hay chẳng hạn các công thức Toán học như Sin = Đối/Huyền thì đọc là: “Sao Đi Học”, cách tính tích thành tổng em đọc thành: nhớ rằng hiệu trước, tổng sau Sin sin, cos tổng phải ghi dấu trừ…”. Với việc sáng tạo trong cách học cùng bao tháng ngày nỗ lực “dùi mài kinh sử” mà trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Ngân hàng năm 2011, cái tên Nguyễn Thị Hiền một lần nữa lại được lưu danh khi đạt thủ khoa với số điểm là 28. Hiền tâm sự thêm: “Dù ngành học này bây giờ sinh viên ra trường khó xin việc nhưng em vẫn muốn chọn ngành theo sở thích, vì chỉ có đam mê mới giúp bản thân học tập và cống hiến tốt với nghề mà mình đã chọn”.
Phạm Thị Hoàng Yến – Cô thủ khoa tinh nghịch, dí dỏm
Từng không đậu trường THPT chuyên ở quê nhà (Đồng Nai) và trải qua 2 năm học ở trường THPT Nguyễn Trãi (Biên Hòa, Đồng Nai) sau đó năm lớp 12, Yến mới lên TP.HCM học tại trường tư thục Nguyễn Khuyến (lớp 12E2 – cơ sở 3B) dù trước đó học lực của em chỉ là khá. Nhưng bước ngoặt trong chặng đường học tập của em là lúc thầy giáo giới thiệu cho lớp cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của tác giả Addam Khoo. Ban đầu đọc sách chỉ vì sự tò mò nhưng sau một lúc Hoàng Yến đã cảm thấy bị cuốn hút bởi những phân tích sâu sắc của tác giả về sơ đồ tư duy và cách xác định, ghi nhớ vấn đề. Sau khi đọc xong cuốn sách, em đã tự tìm ra những cách học phù hợp với môi trường và hoàn cảnh của mình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 được đánh giá là “khó xơi” với nhiều HS bởi có đến 3 môn xã hội. Thế nhưng Yến vẫn hoàn thành với kết quả cao nhất, trở thành thủ khoa duy nhất của TP.HCM (môn Toán và hóa với 2 điểm 10, Anh, Sử, Địa là 9,5 điểm và Văn 8,5 – tổng 57 điểm). Bật mí đôi chút về cách học của mình, Hoàng Yến chia sẻ: “Thật sự việc học các môn xã hội không khó. Vấn đề là phải đầu tư thời gian và có cách học phù hợp. Theo em, muốn khá Ngoại Ngữ phải học từ nhỏ, chứ không phải một sớm một chiều là thành công được ngay. Kiên trì, biết tích lũy từng chút kiến thức cũng là “bí kíp” giúp em học chắc môn Anh văn hơn. Đối với môn Hóa, phải nắm vững lý thuyết để vận dụng vào thực hành. Phải tự mày mò để nếu có sai chỗ nào thì mới nhớ lâu được và HS phải biết suy luận và thật nhạy bén. Khi gặp bài toán khó không giải được, chứng tỏ ta chưa làm đúng phương pháp, vì thế phải “động não” một chút để tìm ra con đường khác mới mong “về đích” được. Còn với môn Sử và Địa, muốn nhớ kiến thức được lâu nên dùng sơ đồ tư duy, muốn nhớ các số liệu thì phải có sự liên tưởng tới những con số liên quan”. Chia sẻ về chặng đường phía trước, cô học trò yêu thích khối ngành kinh tế này cho biết đang nuôi tâm nguyện và sẽ quyết tâm trở thành nhà kinh doanh trong tương lai.
Hồn nhiên, hiền lành và hơi chút rụt rè là tính cách của tân thủ khoa 2013
Năm nay ngôi trường mang tên “Tam Nguyên Yên Đỗ” (Nguyễn Khuyến) lại ghi danh “bảng vàng” khi có thêm thủ khoa là em Nguyễn Thu Hà học sinh lớp 12C4 (cơ sở 3A). Nghe tin mình đạt thủ khoa cô học trò quê Bình Dương, yêu thích ngành tài chính ngân hàng này khá bất ngờ. Là “dân ngoại đạo” nhưng với các môn xã hội, Hà lại có điểm số rất cao. Số điểm lần lượt từng môn: Văn 9 điểm, Hóa 10, Địa 10, Sinh 9,5, Toán 10 và Ngoại ngữ 10 (tổng 58,5 điểm). Nói về cách học sao cho hiệu quả, Hà (mỉm cười) nói: “Vì lịch học và ôn thi ở trường đã khá dày, nên em tranh thủ những giờ tự học và tự ôn để học thêm những môn bản thân cảm thấy yếu”. Thầy Nguyễn Ngọc Minh (giáo viên chủ nhiệm đồng thời cũng là thầy dạy môn Toán) của Hà cho biết thêm: “Hà là HS ngoan và hiền của lớp, em luôn sáng tạo trong cách học. Em đã vượt qua nhiều khó khăn: xa nhà, thiếu thốn tình cảm của người cha nhưng em luôn giữ vững ý chí cầu tiến và do đó trong học tập em đã đạt được nhiều thành tích cao". Kỳ thi đại học năm nay, Hà sẽ thi 2 trường: Đại học Ngoại thương (sở thích bản thân) và Đại học Kinh tế Luật TP.HCM theo nguyện vọng gia đình. Ngoài Nguyễn Thị Hiền, Phạm Thị Hoàng Yến và Nguyễn Thu Hà; năm 2006 trường Nguyễn Khuyến còn có HS Phan Vũ Thiều Hoa đạt thủ khoa với 57 điểm.
Danh sách thủ khoa của trường cứ dài thêm mỗi năm, vì vậy Nguyễn Khuyến từng được mệnh danh là “lò” đào tạo những thủ khoa tú tài lẫn đại học và HS trường lấy đó làm tự hào, nguyện nỗ lực phấn đấu để viết tiếp truyền thống hiếu học của các anh chị đi trước.
Hồ Hải

Bình luận (0)