Ngoài yếu tố hạn chế của đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo tại các trường sư phạm thì một trong những vấn đề cốt lõi dẫn đến sự thờ ơ nơi học sinh chính là nội dung sách lịch sử cũng như khung chương trình hiện nay. Nói nội dung của sách làm học sinh lạnh nhạt với môn lịch sử, bởi lẽ rằng cái cần của sách lịch sử là phải ghi lại đầy đủ diễn tiến của từng giai đoạn, mà điều này đang thiếu trong chương trình trung học. Chúng ta có thể than phiền giáo viên không sáng tạo trong phương pháp dạy để kích thích học sinh hứng thú. Vâng, đúng là có lỗi của giáo viên dạy môn lịch sử. Nhưng, công tâm mà nói giáo viên không dám vượt qua khỏi những gì sách giáo khoa “dạy”. Họ chỉ bám vào chương trình và cũng chỉ cố gắng cải tiến để giờ học thêm sinh động hơn thôi. Còn những chi tiết ngoài sách giáo khoa là “vùng cấm” khi họ đưa thêm cho học sinh thảo luận.
Những nội dung được học trong chương trình, thiết nghĩ các tác giả đề cao quá nhiều đến cái nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp; mỗi bài học trình bày quá nhiều cái ý nghĩa, quá nhiều bài học kinh nghiệm… chưa thực sự cần thiết đối với trình độ trung học. Những bài dạy cho học sinh mà mỗi cuộc chiến, mỗi phong trào đều lặp đi lặp lại nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học… thì làm sao các em nhớ nổi! Có biết bao nhiêu phong trào đấu tranh, bao nhiêu cuộc chiến đều được sách giáo khoa liệt kê ra. Tất cả điều đó chỉ làm cho học sinh nhớ đến môn lịch sử với ám ảnh cả trăm cuộc chiến xảy ra và một mớ lộn xộn những thông số về thời gian, địa điểm, số người thương vong…Đến lúc đó thì học sinh cũng nhầm luôn nhân vật lịch sử từ giai đoạn này sang giai đoạn khác có lẽ cũng dễ hiểu.
Thời gian qua, tôi có theo dõi vài sự kiện để minh chứng rằng, cần một lối tiếp cận khác để thôi thúc sự quan tâm của học sinh tới môn lịch sử. Cụ thể là gần đây, theo tôi biết có ít nhất thêm hai đơn vị đã in cuốn Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim. Đây là cuốn sách được giới nghiên cứu xem như một cách viết sử khác so với lối viết đương thời. Và, cuốn sách này được xem như bước khai mở cho người đọc theo một lối tiếp cận lịch sử khác của dân tộc. Bởi lẽ trước khi xuất hiện quyển sách Việt Nam Sử Lược thì lối viết sử của các sử gia trước đó chỉ ghi chép lịch sử liên quan tới hoạt động của vua quan, vương triều…là chính yếu, những hoạt động và biến chuyển trong cuộc sống thường dân ít được nhắc đến. Điều này nói lên việc cần thay đổi ngay cách viết sách cho môn lịch sử ở trường học như cuốn sách trên đã mang lại luồng khí mới cho những người nghiên cứu… Theo tôi, đã đến lúc “cởi trói” cho môn lịch sử để giáo viên có cơ hội tiếp xúc nhiều tư liệu hơn. Theo đó, các thầy cô giáo được nói, được trao đổi những gì còn khuất ở phía sau sách giáo khoa hiện nay.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)