Chỉ còn 2 tuần nữa học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm thế nào để làm bài thi đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình?
Làm đúng chương trình được học
Học sinh trường THPT Gia Định TP.HCM ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp – Ảnh: Nhựt Quang |
Theo ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT): Thí sinh (TS) theo học ban nào sẽ thi theo ban đó, TS chuyển ban trong quá trình học thì đăng ký theo ban đang học tại lớp 12. Riêng đối với TS học ban Cơ bản, sẽ có 3 đối tượng: thứ nhất là những TS chỉ học chương trình chuẩn thì đương nhiên sẽ làm phần đề dành riêng cho chương trình chuẩn; thứ hai là những TS học chương trình chuẩn nhưng đăng ký học tự chọn một số module của một số môn học theo chương trình nâng cao thì cũng sẽ chỉ làm theo đề thi chương trình chuẩn vì lượng kiến thức mà TS học tự chọn sẽ không thể đầy đủ như TS học chương trình nâng cao. Đối tượng thứ ba là TS học chương trình ban Cơ bản nhưng có tham gia học một vài môn theo chương trình nâng cao một cách trọn vẹn mà hoàn toàn không học theo chương trình chuẩn của những môn đó thì sẽ phải làm phần đề dành riêng cho chương trình nâng cao của môn thi đó; nếu làm theo chương trình chuẩn là sai so với quy định.
Ông Nghĩa phân tích: Phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao là rất lớn, khoảng 80%. Tuy nhiên, sẽ có những nội dung kiến thức mà chỉ có chương trình chuẩn có mà chương trình nâng cao không có hoặc ngược lại. Cách ra đề thi với hai phần chung – riêng rõ ràng của Bộ GD-ĐT thì hoàn toàn có khả năng phần đề dành riêng cho từng chương trình sẽ rơi vào nội dung kiến thức mà một trong hai chương trình không có. Chính vì vậy, ông Nghĩa khuyên TS phải làm đúng phần đề dành riêng cho chương trình mà mình được học, nếu không chính TS đó sẽ bị thiệt thòi.
Báo cáo của 3.183 trường THPT có học sinh lớp 12 trên cả nước cho thấy có tới 2.624 trường tham gia thi theo cụm ba trường trở lên, chiếm 82,4%; 398 trường tham gia thi theo cụm hai trường, chiếm 12,5%; 161 trường thi riêng lẻ, chiếm 5,1%.
|
Không quá 20% câu hỏi khó
Tiến sĩ Lê Thống Nhất, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi, chia sẻ: điều quan trọng là TS biết học đúng cách, biết làm bài thi một cách khoa học, vừa sức mình. Tiến sĩ Lê Thống Nhất nêu ví dụ: kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, đề thi môn Toán thường có 10 câu hỏi nhỏ, không năm nào có quá 2 câu khó. Vì thế nếu nắm vững kiến thức cơ bản, cộng với biết tận dụng thời gian để làm trước những câu hỏi phù hợp với khả năng thì việc đạt được điểm 7-8 đối với môn Toán là không hề khó khăn.
Còn ông Nguyễn Quý Xuân, giáo viên Vật lý trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khuyên: Để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp, TS cần học thật kỹ các kiến thức lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa. Mỗi khái niệm, mỗi hiện tượng Vật lý đều phải nắm chắc bản chất hiện tượng, nội dung định luật và các công thức liên quan. Vận dụng được các kiến thức đó để trả lời các câu hỏi và làm bài tập. Ông Xuân cũng chỉ ra rằng: Trong 50 câu hỏi và bài tập ở đề thi, thường số câu khó chiếm khoảng 20%, còn lại là các câu ở mức độ trung bình, khá. Với các câu hỏi định tính và các bài tập định lượng trung bình, chỉ cần TS nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm tốt. Những bài này cần giải quyết thật nhanh. Với các bài tập định lượng cần phải chú ý đầu bài cho cái gì, hỏi cái gì, đơn vị của các đại lượng đã đổi về đơn vị chuẩn chưa, để tránh hiện tượng công thức đúng, kết quả sai. Khi tiến hành giải bài tập, thường cứ tìm ra một phần nào đó ta đã có căn cứ để dựa vào đó loại trừ dần các phương án để có thể rút ngắn thời gian làm bài. Nếu kiến thức của TS vững vàng, việc loại trừ dần các phương án còn có thể thực hiện nhanh hơn nữa mà vẫn chính xác. Thời gian còn lại dành cho các câu khó.
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thì gợi ý: Địa lý vốn là môn học mà học sinh e ngại vì có rất nhiều địa danh, số liệu cần phải ghi nhớ. Tuy nhiên, trong quy chế thi tốt nghiệp, TS khi làm bài thi môn này được sử dụng Atlas Địa lý. Câu hỏi kiểm tra kiến thức địa lý có gắn với Atlas một mặt kiểm tra kỹ năng khai thác kiến thức từ Atlas của TS, mặt khác giúp TS đỡ phải ghi nhớ một cách máy móc. Bài làm của TS có thể sử dụng các số liệu trong sách giáo khoa hay Atlas tái bản gần nhất đều được, không ảnh hưởng gì đến thang điểm chấm bài thi.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)