Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Khổ thân vì… đắp mặt nạ

Tạp Chí Giáo Dục

Dù làm bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và chỉ dùng ngoài da nhưng mặt nạ dưỡng da vẫn có thể gây tác dụng ngược nếu không dùng đúng cách

Đã 1 tháng trời chị Ng.T.A.N (quận Tân Bình, TP HCM) phải sống chung với những nốt mụn ngứa ngáy ở vùng trán và má bên trái. “Ban đầu tôi không biết vì sao, chỉ nghĩ trời nóng, nhiệt nên mọc mụn, ai ngờ ngày càng nhiều” – chị cho biết. Sau một thời gian, khi những vùng có mụn nước trở nên ngứa ngáy khó chịu chị mới đến bác sĩ da liễu. Nhưng thật bất ngờ, sau một lúc thăm khám, hỏi về thói quen sinh hoạt… bác sĩ đã kết luận không phải “nóng trong người” gì cả mà đó là những biểu hiện của chứng viêm da dị ứng. Thủ phạm đầu tiên chính là thói quen đắp mặt nạ khoai tây nghiền theo công thức chị bạn mới hướng dẫn cách đây 1 tháng. Sau khi khám, xức thuốc và khỏi bệnh, chị N vẫn ấm ức: “Chị ấy dưỡng thì da trắng hồng, đẹp lắm, sao tôi mới đắp chưa đến chục lần mà thế này…”.

Không phải cứ ăn được là đắp được

Thời gian gần đây, mặt nạ dưỡng da làm từ trái cây tươi, thực phẩm… ngày càng được nhiều người sử dụng. Trên một trang thuộc Facebook do một nhóm phụ nữ thành lập để bàn chuyện làm đẹp, nhiều chị đã chia sẻ rằng lý do đơn giản vì những nguyên liệu này đều rẻ hơn rất nhiều so với mỹ phẩm và mặt nạ dưỡng da do các hãng bán, “đầu vào” lại yên tâm vì do mình tự tay chế biến. Hơn hết, nhiều người tin rằng hễ cái gì ăn được là tốt, không thể gây hại chỉ vì đắp, bôi lên da.

Mặt nạ thiên nhiên cần được sử dụng đúng cách để phát huy hiệu quả Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mặt nạ thiên nhiên cần được sử dụng đúng cách để phát huy hiệu quả Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thế nhưng, tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, ThS-BS Nguyễn Trọng Hào, phó giám đốc bệnh viện, cho biết ông vẫn thỉnh thoảng gặp những trường hợp bị viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng do sử dụng những loại mặt nạ dưỡng da tự chế như thế này. “Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với axit trong trái cây hay các protein lạ cũng có thể gây kích ứng da” – ông giải thích.

Còn lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cho rằng cách suy nghĩ “những gì ăn được đắp lên da sẽ tốt” là sai lầm. Trong số những loại trái cây, thực phẩm mà một người ăn được, khi chế biến thành mặt nạ để dưỡng da có những loại rất hợp, rất tốt nhưng cũng có loại dễ dàng gây dị ứng. Mỗi người thường hợp với một vài loại và khi dùng đúng loại mình hợp thì hiệu quả sẽ tốt. Trái lại, cứ nghe sự “mách nước” của người khác mà cố dùng một thứ mình cảm thấy khó chịu khi sử dụng thì coi chừng có hại, bởi thứ hợp với họ chưa chắc hợp với cơ địa mình!

Đừng để “quá liều”

Lương y Đinh Công Bảy cho biết những trường hợp bị ngứa ngáy, dị ứng, khó chịu do đắp mặt nạ còn có thể do quá lạm dụng. Ví dụ như thay vì dùng một vài lần trong tuần thì lại dùng hằng ngày, thời gian đắp quá lâu. Thường thì thời gian đắp chỉ khoảng 15-20 phút nhưng có người để cả giờ hoặc ngủ một giấc ngắn rồi mới rửa đi nên vô tình “làm khổ” làn da. Ví dụ, nhiều loại mặt nạ bằng trái cây, thực phẩm có chất chống oxy hóa, có tác dụng lột nhẹ… nên sẽ giúp da đẹp hơn sau khi sử dụng, tuy nhiên để cả giờ thì không khác gì dùng một loại thuốc, mỹ phẩm quá liều, lợi bất cập hại. Tốt nhất, khi tham khảo cách làm một loại mặt nạ dưỡng da, nên hỏi kỹ tác dụng cũng như liều lượng, khoảng cách giữa các lần đắp. Thường các loại mặt nạ được khuyên sử dụng chỉ 1-2 lần trong tuần.

Một số loại mặt nạ được truyền miệng hiện nay cũng không được khuyến khích lắm, ví dụ như bột đậu đỏ (trong đông y thì đậu đỏ rang lên giã nhuyễn chỉ có tác dụng trong điều trị vết thương) hay cám gạo (nên dùng nước vo gạo để rửa mặt thì sẽ tốt hơn). Mặt nạ khoai tây được các chị em “mách nước” nhau cũng có tác dụng tốt nhưng lại là loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng nếu dùng đắp lên mặt, nhất là đắp quá thường xuyên.

Vì vậy, những ai từng cảm thấy ngứa ngáy, nổi mẩn, khó chịu khi sử dụng thì nên kiên quyết nói không…

Đến bệnh viện nếu bị nổi mẩn, ngứa ngáy

Theo ThS-BS Nguyễn Trọng Hào, những biểu hiện đầu tiên của tình trạng viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc… có thể xảy ra khi sử dụng mặt nạ thiên nhiên là ngứa ngáy, đỏ da, nổi mẩn… Gặp tình trạng này nên ngưng ngay việc sử dụng; nếu có cảm giác ngứa, khó chịu ngay trong lúc đang đắp thì nên rửa sạch ngay và theo dõi. Nếu những biểu hiện trên vẫn kéo dài và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, chị em nên tìm đến bác sĩ da liễu để được thăm khám.

Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)