Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nâng chất lượng dạy – học ngoại ngữ qua các cuộc thi

Tạp Chí Giáo Dục

Sử dụng kết quả các bài thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (viết tắt ETS) làm chuẩn đầu ra cho học sinh là cách nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh được Sở GD-ĐT TP.HCM chú trọng trong những năm gần đây. Qua đó đã thu hút rất đông học sinh tham gia các cuộc thi tiếng Anh.

Sân chơi hữu ích

Các chứng chỉ tiếng Anh của ETS được sử dụng song song với các chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge English trong quy trình đánh giá kết quả dạy học. Theo đó, mỗi hệ thống đánh giá đều có thang điểm cụ thể dành cho học sinh các bậc học và có giá trị như nhau. Đơn cử như bậc tiểu học được sử dụng kết quả bài thi TOEFL Primary cấp độ 1, 2; bậc THCS sử dụng kết quả bài thi TOEL Junior có dải điểm 600 đến 900.

Thông tin từ ETS cho thấy, bài thi được thiết kế chuyên biệt nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh ở các bậc học. Điều này thể hiện ở các cuộc thi diễn ra gần đây như vô địch TOEFL Primary, vô địch TOEFL Junior. Trong đó TOEFL Primary là công cụ kiểm tra, đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh ở cả hai lĩnh vực học thuật và xã hội; phản ánh chi tiết, chính xác từng kỹ năng sử dụng, năng lực tư duy của học sinh ngay từ nhỏ, giúp người dạy đánh giá được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình trau dồi và phát triển các kỹ năng suy luận theo thời gian. Còn TOEFL Junior được nghiên cứu, phát triển dựa trên kiến thức học thuật, xã hội, đặc điểm phát triển sinh học, tâm lý cũng như bối cảnh sống của thanh thiếu niên. Với tiêu chí đánh giá theo dải rộng, bài thi TOEFL Junior là công cụ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của người học trong lứa tuổi thiếu niên, cũng như sự tiến bộ trong quá trình trau dồi, phát triển các kỹ năng theo thời gian.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM học tiếng Anh với giáo viên bản xứ

Em Nguyễn Trọng Khánh Vân (học sinh lớp 7 Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM) cho biết: “Cuộc thi vô địch TOEFL Junior mang đến cho em sân chơi giao lưu, tranh tài thú vị để em có thể xác định được khả năng tiếng Anh hiện tại của bản thân so với chuẩn quốc tế cũng như so với các bạn đồng trang lứa. Đây còn là động lực giúp em phấn đấu học tập, nâng cao năng lực tiếng Anh hơn nữa trong những bậc học tiếp theo”.

Với những giá trị hữu ích, thiết thực, các cuộc thi luôn nhận được sự quan tâm từ phía nhà trường, phụ huynh và học sinh. Cụ thể, năm 2015, bậc tiểu học có 14.200 học sinh tham gia cuộc thi vô địch TOEFL Primary và hơn 22.300 học sinh THCS tham gia cuộc thi vô địch TOEFL Junior. Điều đáng nói là kết quả các em đạt được rất cao. Tính riêng bậc THCS, có 123 học sinh (chiếm 34% tổng số học sinh cả nước) lọt vào vòng chung kết để thử thách bài thi TOEFL Practice Online và 85 học sinh đạt từ 81 điểm trở lên. Kết quả này vượt qua được yêu cầu về tiếng Anh của hầu hết các trường ĐH tại Mỹ cũng như trên thế giới.

Thước đo trình độ cần thiết

Sau các bài thi TOEFL Primary, TOEFL Junior là bài thi TOEFL iBT dành cho học sinh THPT có định hướng du học nước ngoài; còn TOEFL ITP dành cho tuyển sinh cao học tại các nước không nói tiếng Anh. Điều này cho thấy TOEFL trở thành hệ thống đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh có tính nhất quán và xuyên suốt từ thấp đến cao.

Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang (giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) từng chia sẻ, TOEFL Primary, TOEFL Junior là mốc để học sinh thể hiện, nắm bắt năng lực bản thân; từ đó phấn đấu, xác định mục tiêu cho từng thời điểm, giai đoạn. Đối với người dạy, đây được xem là công cụ hữu hiệu để sắp xếp học sinh vào những chương trình phù hợp trong quá trình đào tạo tiếng Anh từ thấp đến cao. Thông qua bản mô tả kết quả, nhà trường và giáo viên có thể đánh giá được hiệu quả của chương trình giảng dạy, từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý về chương trình và định hướng giáo dục cho học sinh. Kết quả này góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng.

Mặt khác, cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang chia sẻ thêm, học bất kỳ ngoại ngữ nào cũng cần phải có chuẩn đánh giá. Tương tự, học tiếng Anh cũng cần phải có chuẩn của loại hình ngôn ngữ này đánh giá. Những năm trước, không ít phụ huynh thường hỏi giáo viên “con tôi học đến trình độ nào? Có khả năng sử dụng mức độ nào?…”. Thú thực chúng tôi cũng khó trả lời bởi không phải chương trình nào cũng có chuẩn đánh giá nhất định. Bây giờ, việc dạy học đều dựa trên những chuẩn nhất định, chúng tôi dễ dàng trả lời, chia sẻ trước câu hỏi của phụ huynh và giúp họ tin tưởng, yên tâm hơn về kết quả học tập của con em mình.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) luôn đánh giá cao về ý nghĩa lẫn nội dung của các cuộc thi trên. Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hệ thống các cuộc thi bước đầu đáp ứng đúng tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đề ra, đó là tạo ra những sân chơi trí tuệ, học sinh tham dự trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Ngoài ra, các em còn có cơ hội tận dụng lợi ích của các bài thi tiếng Anh quốc tế để xác định được năng lực sử dụng tiếng Anh của bản thân so với thang đo chung của thế giới, lấy đó làm cơ sở nỗ lực học tập và rèn luyện, nâng cao trình độ tiếng Anh; từ đó mở cánh cửa rộng lớn của tri thức nhân loại và hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

“Học bất kỳ ngoại ngữ nào cũng cần phải có chuẩn đánh giá. Tương tự, học tiếng Anh cũng cần phải có chuẩn của loại hình ngôn ngữ này đánh giá”, cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang (giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM), nói.

 

Bình luận (0)