Nghe tin đứa cháu bị bệnh, tôi ghé nhà thăm. Cháu đã khỏe nhiều và như được dịp, cháu bày tỏ tâm sự cùng tôi.
Năm nay cháu học lớp 12 nên đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi “2 trong 1” sắp tới. Cháu nói: “Chưa năm nào, con và các bạn mệt mỏi như năm nay, bởi năm học kéo dài đến 12 tháng”. Thấy tôi ngạc nhiên khi nghe năm học dài 12 tháng, cháu cười rồi giải thích cho tôi rõ. Thì ra cuối năm lớp 11, trường cháu đã buộc tất cả học sinh lên lớp 12 phải học hè từ đầu tháng 7. Nói là ôn tập hè, nhưng thực tế là các cháu phải học chương trình chính thức các môn chính như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ để cuối năm có thời gian ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia. Vậy là suốt từ tháng 7-2014 đến nay, các cháu phải học suốt và năm nay, kỳ thi lại tổ chức vào tháng 7, vậy là năm học kéo dài 12 tháng. Cháu cho biết, không phải riêng cháu mà tất cả các bạn đều mong mỏi “thi cho rồi” vì quá mệt mỏi. Trường cháu học 2 buổi, môn nào thầy cô cũng muốn học sinh đạt kết quả cao nên cho bài về nhà khá nhiều, chưa kể các cháu phải học thêm những môn mà mình chọn để xét vào ĐH. Vậy là ngày nào, các cháu cũng phải học đến hơn 12 giờ đêm. Cháu bảo chóng mặt, nhức đầu, mỏi cổ, đau vai… dường như là bệnh thường xuyên của các bạn đang học lớp 12. Ngay chính bản thân cháu cũng bệnh thường xuyên và bác sĩ bảo do suy nhược cơ thể, cần ăn ngủ nhiều nhưng cháu bảo khi nào bệnh thì chịu chứ làm sao có thể lơ là ở năm cuối này. Cháu nói: “Các bạn có ý thức học tập thì nhà trường không bắt buộc cũng sẽ tự học, còn các bạn không chăm chỉ thì học nhiều còn chán nản và lười học hơn. Như vậy có cần thiết năm học kéo dài 12 tháng không?”.
Nghe cháu kể, tôi nhớ đến cuộc họp phụ huynh cho con trước đó. Trường THPT con tôi học cũng thông báo và ghi rõ vào sổ liên lạc là ngày tập trung học sinh là đầu tháng 7. Khi các phụ huynh hỏi thì giáo viên chủ nhiệm trả lời: Đó là ngày tập trung học sinh để ôn tập hè. Học sinh các lớp 10, 11 thì không bắt buộc nhưng vận động phụ huynh cho học sinh đi học để các em không quên bài và quen cách dạy của các thầy cô mới (phải chăng thầy cô dạy hè cũng là thầy cô dạy chính thức trong năm học sắp tới?). Riêng lớp 12, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh phải đi học để ôn luyện và dạy một phần chương trình mới, như vậy cuối năm học mới có nhiều thời gian rèn luyện cho các em thi tốt nghiệp THPT. Vậy là dù khác trường nhưng trường của cháu tôi và trường của con tôi đều giống nhau ở điểm học sinh lớp 12 phải học một năm học dài đến 12 tháng.
Đổi mới thi cử nhưng vẫn không có sự đổi mới trong tư duy là “học nhiều sẽ giỏi” ở các trường THPT, điều đó làm học sinh bị áp lực nặng nề, căng thẳng và mệt mỏi trong học tập. Học sinh lớp 12 và các bậc cha mẹ như chúng tôi mong lắm một năm học chỉ là 9 tháng!
Phương Trí
Bình luận (0)