Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sách lịch sử còn thiếu nhiều nội dung

Tạp Chí Giáo Dục

Tại một lớp CĐ ngành khoa học xã hội, khi tôi hỏi trong lớp có bao nhiêu sinh viên biết đến sự kiện “14-3-1988” trước khi xảy ra vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có rất ít cánh tay giơ lên.

Hiện nay sự kiện 14-3-1988 (ngày mà quân đội Trung Quốc tấn công 3 đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, gồm Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma) đã được rất nhiều thanh niên biết đến, thậm chí tìm hiểu kỹ. Nhưng trước đó, có lẽ không nhiều người biết đến, không phải họ không quan tâm mà chính vì sự kiện đó được nhắc đến rất ít trong sách giáo khoa.

Trong chương trình THPT, bài số 16 môn lịch sử lớp 12 có tiêu đề Phong trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1939- 1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, có 2 dòng đề cập nạn đói năm 1945: “Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 – đầu năm 1945, có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói”…

Với sự kiện nạn đói năm 1945, dù các tài liệu lịch sử, sách báo nhắc đến rất nhiều nhưng vì không có trong chương trình học nên có không ít học sinh không biết. Sự kiện đó đánh dấu một trang đen tối của dân tộc bởi phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, với thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhưng cũng đồng thời kích thích mạnh mẽ nhân dân ta đứng lên giành độc lập. Chính sự kiện này cũng góp phần quan trọng vào việc giải thích, chứng minh cho một quan điểm rất đúng đắn là, bọn thực dân, đế quốc luôn tìm mọi cách để vơ vét, bóc lột các quốc gia thuộc địa, không hề có chuyện tự nguyện trao trả độc lập cho người dân bản xứ, như một số người “ngây thơ” tin rằng sớm muộn gì những kẻ ngoại xâm cũng sẽ tôn trọng quyền tự quyết, quyền tự chủ của nước bị đô hộ! Thế nhưng, cái quá khứ ấy đã không được nhắc đến, không được dạy lại cho thế hệ trẻ một cách đầy đủ, thuyết phục.

Học sinh THPT trong giờ học môn lịch sử (ảnh minh họa). Ảnh: Anh KHôi

Hay khi viết về một số triều đại phong kiến, sách giáo khoa nói khá sơ lược về những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật… Nhiều triều đại được tô đậm việc chống ngoại xâm mà không có thông tin, tư liệu, đánh giá về các lĩnh vực khác một cách tương xứng. Nhất là với nhà Nguyễn, với góc nhìn quy trách nhiệm về việc để mất nước vào tay người Pháp, đôi lúc (đặc biệt là trước đây) bị áp đặt thái độ và ngôn từ khá nặng nề. Vì vậy, học lịch sử thường là học về các cuộc chống ngoại xâm, dù công cuộc chống ngoại xâm là rất hào hùng, rất đáng tự hào và rất quan trọng để duy trì nền độc lập, tự chủ của dân tộc, nhưng lịch sử một dân tộc, một đất nước không chỉ có những cuộc chống ngoại xâm. Và cũng vì vậy, nhiều giá trị của triều Nguyễn đã không được nhắc đến và đề cao đúng mức, trong khi hiện nay nhiều di sản đang được tôn vinh là di sản thế giới, như “Quần thể cố đô Huế” (di sản văn hóa, năm 1993), “Mộc bản triều Nguyễn” (năm 2007), “Châu bản triều Nguyễn” (cùng là di sản tư liệu, năm 2014), “Nhã nhạc cung đình Huế” (di sản văn hóa phi vật thể, năm 2003)…

Tương tự như vậy, trong việc đánh giá về các nhân vật lịch sử, với phương pháp lịch sử cụ thể, cũng cần có sự đánh giá khách quan hơn, toàn diện hơn, không đơn giản là “xấu” hoặc “tốt”. Và, với các sự kiện lịch sử trọng đại, cũng cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn với sự đan xen của các yếu tố, cả tốt và chưa tốt, đồng thời rút ra được bài học bổ ích.

Trong điều kiện hiện nay, nhất là gắn với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, cần phải đổi mới quyết liệt việc giảng dạy môn lịch sử trong nhà trường. Giáo dục lịch sử một mặt hun đúc tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ truyền thống của cha ông… còn phải làm giàu thêm vốn văn hóa, cung cấp thêm những bài học để có thể vận dụng vào giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, cần giáo dục lịch sử sao cho đầy đủ, đúng đắn, toàn diện, thuyết phục và bổ ích hơn. Đây là một yêu cầu quan trọng để có thể góp phần xây dựng con người Việt Nam mới!

ThS. Nguyễn Minh Hải

Cần bổ khuyết những nội dung còn thiếu

Giáo dục lịch sử không phải chỉ để biết mà còn phải để ứng dụng trong thực tế cuộc sống, nhất là để dung hợp về giao lưu văn hóa, trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự tiếp biến văn hóa rất mạnh mẽ. Do đó, bên cạnh việc xây dựng chương trình mới phù hợp với từng lứa tuổi, từng bậc học cũng rất cần có sự bổ khuyết những nội dung được cho là “còn thiếu” hoặc “chưa thỏa đáng” hoặc “phiến diện”.

 

Bình luận (0)