Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục bằng lòng bao dung

Tạp Chí Giáo Dục

Bản thân tôi từng được hiệu trưởng phân công làm công việc giáo dục đạo đức học sinh và xét duyệt hạnh kiểm các em theo định kỳ (giữa học kỳ và cuối năm học) nên rất tâm đắc với vấn đề nội quy trường học.

Nội quy trường học chỉ là cái khung, quy định những điều khái quát, cơ bản; tránh sa vào tỉ mỉ như nữ không gắn lông mi giả, không trang điểm quá mức cần thiết; mang giày bata màu trắng… Và nội quy không phải để ép học sinh vào một cái khuôn định sẵn mà là định hướng cho các em tự giác làm theo. Điều cốt yếu là giáo viên phải có một trình độ nhất định để hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh để động viên, uốn nắn chứ không dùng biện pháp hành chính. Tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh THCS, THPT bây giờ khác xa so với vài chục năm về trước. Các em ở lứa tuổi này luôn có sự hưng phấn mạnh mẽ nhưng sự kiềm chế rất yếu; dễ bị kích động và hành động thường bột phát, thiếu chín chắn trong suy nghĩ. Hiểu được như vậy mới có phương cách hóa giải những hành vi “lệch chuẩn” của các em.

Sau gần 40 năm dạy học, làm quản lý, tôi nghĩ chỉ có tình thương thật sự mới cảm hóa được học sinh. Cần có sự cảm thông trước những việc làm được coi là “vi phạm” nội quy của học sinh. Mắng nhiếc, nhục mạ học sinh để mong các em “sửa đổi tức thì” là việc làm “đổ dầu vào lửa” bởi cách làm đó chứng tỏ người thầy đã bất lực; vừa phản giáo dục vừa phản cảm. Cha ông từng dạy “lạt mềm buộc chặt”, nên dùng lời nói khuyên nhủ nhẹ nhàng, biết kiềm chế đúng lúc; trao đổi riêng với các em có tác dụng hơn là tìm cách “bêu riếu” các em trước lớp, trước toàn trường.

Bên cạnh đó, người thầy còn phải dùng tư cách, đạo đức của mình; dùng hành động, ngôn ngữ, việc làm chuẩn mực, gương mẫu để giáo dục học sinh. Nếu được như vậy có khi còn hơn cả ngàn lời thuyết giáo sách vở.

Theo tôi, giáo dục học sinh bằng nội quy là cần thiết để rèn luyện các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng dù nội quy có quy định như thế nào chăng nữa cũng không thay được việc giáo dục học sinh bằng lòng yêu thương, độ lượng của người thầy như là người cha, người mẹ và giáo dục học sinh bằng hành động chuẩn mực, gương mẫu của người thầy. Bởi người thầy có lòng bao dung càng thu phục học sinh.

Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)