Theo cách hiểu thông dụng, từ mượn là từ vay mượn tiếng nước ngoài (ngôn ngữ cho) để làm phong phú thêm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ nhận. Trong một số trường hợp, một ngôn ngữ buộc phải dùng từ mượn vì không có từ thay thế tương đương hoặc do sự tiện lợi, phổ biến của từ mượn.
Khi giảng dạy môn ngữ văn, giáo viên cần quan tâm đến phần dạy từ mượn. Ảnh: Anh Khôi |
Số từ mượn trong tiếng Việt chiếm một tỉ lệ không nhỏ: Một số thống kê cho thấy, có hơn 60% từ Việt có gốc Hán, khoảng hơn 2.000 từ gốc Pháp; và đặc biệt, trong khoảng 30 năm gần đây, số từ mượn từ tiếng Anh khá nhiều, khoảng hơn 3.000 từ.
Trong chương trình giảng dạy môn tiếng Việt và ngữ văn phổ thông, để giáo dục học sinh về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cũng như giúp các em hiểu đúng những từ gốc nước ngoài, giáo viên nên quan tâm nhiều đến việc dạy phần từ mượn. Trong giảng dạy về các văn bản tiếng Việt như tác phẩm báo chí, chính luận, khoa học, hành chính…(trừ tác phẩm văn học), giáo viên nên chú ý đến một số vấn đề sau về từ mượn:
Thứ nhất, không nhất thiết dùng từ mượn nếu có từ thuần Việt thay thế hoặc có lối diễn đạt khác tương đương. Trên thực tế, có một số từ mượn đã có từ tiếng Việt tương đương, nhưng do thói quen, không ít người vẫn dùng từ mượn. Điều này không cần thiết, là biểu hiện cho thấy sự nghèo nàn trong cách dùng từ tiếng Việt, nếu duy trì cách sử dụng này có thể ảnh hưởng không tốt đến người đọc, nhất là học sinh. Chẳng hạn, nói đến “bàn đạp (xe đạp)”, nhiều người hay dùng từ pedal; trong trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể dùng từ “bàn đạp” mà không sợ làm khác nghĩa hoặc gây hiểu lầm; chính trong trường hợp ngược lại, dùng từ pedal mới khiến một số người không hiểu. Tương tự như vậy, ta cũng có thể dùng những từ như “đồng hồ nước” thay vì “thủy lượng kế” (từ mượn Hán – Việt), “xe hơi” thay vì “ô tô” (từ mượn tiếng Pháp), “tải về” thay vì “down load”, “tải lên” thay vì “up load” (từ mượn tiếng Anh)… Có một số trường hợp tuy không phải là từ tương đương nhưng tiếng Việt có cách dùng mới của một từ cũ để diễn tả một khái niệm mới bằng tiếng nước ngoài thì vẫn nên dùng cách của tiếng Việt. Chẳng hạn, “mạng” hiện nay dễ làm nhiều người hiểu là “mạng internet”, nên trong một số trường hợp không nhất thiết dùng từ “internet” nữa. Những cách dùng này càng tạo nên sự phong phú của tiếng Việt.
Một số thống kê cho thấy, có hơn 60% từ Việt có gốc Hán, khoảng hơn 2.000 từ gốc Pháp; và đặc biệt, trong khoảng 30 năm gần đây, số từ mượn từ tiếng Anh khá nhiều, khoảng hơn 3.000 từ. |
Thứ hai, với những từ đã quen thuộc, phổ biến thì nhất thiết viết theo lối tiếng Việt. Sự Việt hóa nhiều từ mượn cho thấy khả năng tiếp thu và dung hòa của tiếng Việt rất cao đối với nhiều từ tiếng nước ngoài, cũng như khái niệm, đồ vật có xuất xứ từ nước ngoài. Do đó, ta nên dùng cách viết của tiếng Việt, đó là viết như các từ đơn âm mà không phải phiên âm dạng đơn âm của các từ đa âm. Chẳng hạn, ta cứ dùng từ “vắc xin” thay vì là “vaccine” hoặc “vắc-xin”, trong đó, “vắc xin” thực sự đã được Việt hóa hoàn toàn chứ không phải là từ tiếng Pháp nguyên mẫu hoặc phiên âm từ tiếng Pháp. Tương tự như vậy, ta có áp phích, thay vì là “affiche” hoặc “áp-phích”; “ăng ten” thay vì là “antenne” hoặc “ăng-ten”, “ô tô” thay vì là “auto” hoặc “ô-tô” (nếu không thể dùng từ thay thế là “xe hơi”)… Với các địa danh nước ngoài, trong các văn bản tiếng Việt, ta cũng nên dùng những từ đã được phiên âm (kể cả phiên âm Hán – Việt) phổ biến thay vì dùng từ gốc, để dễ đọc, dễ hiểu. Chẳng hạn, Luân Đôn thay vì là London, Tứ Xuyên thay vì Sichuan, Đài Loan thay vì Taiwan, Síp thay vì là Cyrus, Séc thay vì Czech… Tất nhiên, với nhiều trường hợp đã lâu rồi không dùng thì phải lưu ý hơn, để tránh gây khó hiểu. Chẳng hạn, nên gọi là Argentina thay vì là Á Căn Đình, Chile thay vì là Chí Lợi…
Thứ ba, giữ nguyên vẹn với một số từ mượn tiếng Anh được sử dụng gần đây. Những từ mượn hiện đang dùng không có từ tiếng Việt tương đương thì nên giữ nguyên từ gốc, thay vì phiên âm. Chẳng hạn, viết là “internet” thay vì là “in-tơ-nét”, “jean” thay vì là “gin”, “jazz” thay vì là “ja” hoặc “gia”, “golf” thay vì là “gôn”. Hoặc những từ có thể dùng cụm từ tiếng Việt tương đương nhưng trong một số trường hợp cần dùng từ gốc thì vẫn nên viết nguyên từ gốc; chẳng hạn “clip” thay vì là “cờ-líp”(đoạn video), “laptop” thay vì là “láp-tóp” (máy tính xách tay), “piano” thay vì là “pi-a-nô” (đàn dương cầm)… Bởi trong các trường hợp này, sự phiên âm rõ ràng là tạo ra cách đọc không chuẩn và nhất là sự tiếp thu tiếng nước ngoài trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn khác với nửa thế kỷ trước hoặc lúc còn là thuộc địa của Pháp, khi mà trình độ dân trí ngày càng cao, nhu cầu hội nhập thế giới ngày càng lớn. Ngoài ra, trong lúc chưa có sự thống nhất về cách phiên âm thì viết từ gốc là cách tốt để tránh sai chính tả (như viết “hô-li-gân” hay “hu-li-gân”…).
Có dạy kỹ về từ mượn thì học sinh mới hiểu và sử dụng đúng từ mượn, tránh lạm dụng hoặc dùng sai. Đó cũng là góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trúc Giang
Bình luận (0)