Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Điều tra việc làm trong thanh niên

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng “có việc làm nhanh chóng và vững chắc” (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Một bản điều tra về tình hình sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đã giúp cho những người có trách nhiệm và xã hội thấy toàn cảnh thị trường lao động ở Pháp, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bản điều tra này cũng giúp thanh niên nhận định lại đúng bản thân mình về mọi mặt (sở trường, thực chất khả năng, điều kiện về sức khỏe, gia đình…) để có một lựa chọn đúng khi bước vào đời.
Chân thật như một bức ảnh chụp tại chỗ, bản điều tra mang tên “Thế hệ” của Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá đã cung cấp một góc nhìn đặc biệt về những bước đầu vào đời đi làm của sinh viên. Những nhà nghiên cứu của trung tâm đã phỏng vấn 60.000 thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thuật lại diễn biến từng tháng một trên bước đường lao động của họ trong ba năm liên tiếp, từ khi họ ra trường. Trên cơ sở những dữ liệu đó, họ chia số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra làm năm đối tượng nhằm có một cái nhìn rõ ràng hơn, thực tế hơn về giá trị thực tế và chuyên môn của những mảnh bằng.
Bản điều tra này cho thấy, đối tượng thứ nhất gồm 65% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng “có việc làm nhanh chóng và vững chắc”. Số sinh viên này, qua sự theo dõi dài hơi, không có vấn đề gì lớn, họ cứ thế đi trên đường mưu sinh và sự nghiệp. Còn rất ít trường hợp bị thất nghiệp lại và bị sa thải. Đối tượng này gồm: cử nhân chuyên nghiệp (tú tài + 3), tốt nghiệp trường thương mại (tú tài + 5) hay tiến sĩ (tú tài + 8). Riêng những người tốt nghiệp về ngành xây dựng dân sự, cơ khí, điện, có ưu thế nên tìm việc làm dễ hơn và chắc chân hơn. Nhưng tốt nhất hiện nay, theo khảo sát, là những người tốt nghiệp ngành y tế công cộng, mà theo thống kê có đến 93% người có việc làm ổn định.
Đối tượng thứ hai gồm 16% những thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tìm kiếm việc làm có vẻ khó khăn hơn, phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó ít nhiều dựa vào sự “hên xui may rủi”. Họ phải trải qua nhiều giai đoạn xen kẽ, khi có việc làm, khi phải “ngồi chơi xơi nước”, nghĩa là việc làm không ổn định, trước khi tìm được một việc làm chắc chắn và lâu dài. Thành phần của đối tượng này khá đa dạng, gồm tất cả những ngành chuyên môn ở mọi trình độ khi tốt nghiệp, có một số có bằng cấp khá cao, thậm chí có cả kỹ sư. Theo Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá, ông Stephane Jugnot, số sinh viên này có bằng càng cao thì càng khó tìm việc thích hợp. Nhưng nói chung họ vẫn chờ đợi thời cơ, không sốt ruột và vội vã, có thể dựa vào sự giúp đỡ của gia đình.
Ba đối tượng còn lại trong bảng phân loại có những vấn đề khó khăn nổi cộm khi đi tìm việc làm thích hợp. Có 7% sinh viên tốt nghiệp đại học nằm trong đối tượng này. Số này hầu như dần dần vắng bóng trên thị trường lao động, trong đó có 5% người vào loại “khó tìm việc” không lọt qua được cửa “công việc nhỏ”, và cuối cùng là 7% là số “trở về học lại” để tìm một cơ hội khác… Ngoài ra, theo số liệu điều tra, có khoảng 75.000 sinh viên đã tốt nghiệp tú tài, học hết đại học mà chưa có bằng (khoảng 17%) cũng thuộc đối tượng này khó tìm việc làm. Đặc biệt, sinh viên theo học về văn hay khoa học nhân văn thì càng khó tìm việc.
Trong số những người khó tìm việc làm phải đặc biệt chú ý đến những người tốt nghiệp “đại học đại cương”. Trong số đó có 14% người tốt nghiệp trường nghệ thuật (trình độ tú tài + 2) và 10% những cử nhân nghệ thuật, tâm lý hay quản trị kinh tế và xã hội. Có một điều khó hiểu là trong số “khó tìm việc” có: 11% những người tốt nghiệp đại học đại cương thuộc khoa học “hóc búa” như hóa, lý, khoa học về đời sống…
Qua cuộc điều tra, các chuyên gia ở TTNCDG đã khuyên học sinh trước khi chọn ngành chọn nghề cần suy tính thật kỹ.
(Theo Express số 13-10-2010)
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)