Đề án đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng (KS, CNTN) 2002-2020 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã hoàn thành gần nửa chặng đường. Ba khóa KS, CNTN đầu tiên đã được đào tạo với cơ sở vật chất tốt, giảng viên giỏi, chương trình nâng cao. Song “bức tranh” sử dụng KS, CNTN sau đào tạo đã có những mâu thuẫn với mục tiêu đề ra và bộc lộ nhiều điểm yếu khi triển khai trong thực tế…
Những “tài năng” đi về đâu?
V.Nga, một CNTN ngành nghiên cứu văn học tốt nghiệp năm 2006 với tấm bằng khá giỏi. Không được giữ lại trường, Nga phải làm đủ nghề, từ biên tập trang web đến cô giáo dạy cấp 3… với mong muốn được làm “gần giống” nghề đã học. Nhưng càng đi càng xa đích ban đầu vì “học quá cao siêu, chuyên sâu, còn thực tế thì không cần một nhà học thuật thiếu ứng dụng thực tế”, Nga bộc bạch. 2 năm gặp lại, Nga trở thành nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán với chiếc điện thoại đời mới nhỏ xinh, reo liên tục…
Trường hợp CNTN ngành khoa học xã hội làm trái nghề như Nga không ít. Riêng lớp CNTN năm đó họa chăng có 1 SV được giữ lại khoa, lớp CNTN 2003-2007 hoàn toàn không có người tiếp tục nghiên cứu tại trường ĐH-CĐ, viện nghiên cứu. Như nỗi niềm của Nga, những CNTN khoa học xã hội ra trường không thể trụ với nghề vì nghịch lý: đúng nghề thì không đủ sống, muốn đủ sống phải làm nghề khác và chấp nhận lãng phí kiến thức đã học… Phải chăng nhu cầu xã hội không cần những người nghiên cứu văn chương, lịch sử?
Bức tranh hậu đào tạo của các KS, CNTN tự nhiên, kỹ thuật có sáng sủa hơn? TS Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa phấn khởi: “Trường có 5 khoa đào tạo khoảng 500 KSTN, đến nay hầu hết KSTN ra trường đều được các cơ quan, doanh nghiệp “bắt” từ trước khi tốt nghiệp”. Các trường đào tạo các KS, CNTN khối ngành kỹ thuật, tự nhiên phấn khởi vì SV chưa ra trường đã có đơn vị đặt hàng “bắt người”. Nhưng có bao nhiêu KS, CNTN được chọn mặt gửi vàng vào các viện, trung tâm nghiên cứu? Có bao nhiêu bạn được ở lại trường tiếp tục kế thừa đội ngũ giảng dạy? Ba đơn vị đào tạo KS, CNTN đều thừa nhận rằng con số này rất hạn chế, thay vào đó các KS, CNTN đều chọn công ty tư nhân, công ty nước ngoài và một số đáng kể ra nước ngoài học tập và không hẹn ngày trở về…
Như vậy vấn đề sử dụng “đầu ra” đã mâu thuẫn với mục tiêu của chương trình đào tạo KS, CNTN là đào tạo ra những KS, CN chất lượng cao nhằm cung ứng lực lượng giảng dạy kế thừa làm việc tại các trường ĐH-CĐ, bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên môn cho các viện nghiên cứu và thị trường lao động. Và ngay chương trình đào tạo cũng chú trọng sự chuyên sâu, hàn lâm hơn là ứng dụng thực tế. Như thế sự ra đi “đầu không ngoảnh lại” của các KS, CNTN chắc chắn là sự lãng phí lớn. Chưa cần tính đến chất lượng thì hiệu quả sử dụng nguồn CNTN sau đào tạo đã không đạt được cái đích lớn nhất của chương trình là đào tạo người tài để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ chốt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản mũi nhọn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của TP và cả nước.
Đề cập vấn đề này, TS Lê Khắc Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV, nhấn mạnh: “Cần xác định đúng tiêu chí “tài năng” theo hướng nào, đào tạo chuyên sâu hay đa năng như xã hội cần? Theo tôi, nên tập trung đào tạo theo những gì xã hội yêu cầu để tránh lãng phí”. Tuy nhiên, sự lãng phí trong đào tạo KS, CNTN không chỉ có bấy nhiêu…
Liệu 1 có lớn hơn 3?
Hưng, một học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào Trường ĐH KHXH-NV khóa 2003, càng vui mừng khi đỗ vào lớp CNTN nghiên cứu văn học vì “học nhiều, có học bổng và… nhiều ưu tiên chọn việc làm tốt” như hứa hẹn ban đầu. Nhưng, chỉ đến năm 3, Hưng “ngán” lịch học dày đặc với những môn chuyên đề, tiểu luận nặng nề, không hợp “gu”. Và Hưng bị buộc rời khỏi lớp CNTN vì kết quả học tập không đủ “tài năng”…
Trường hợp “gãy gánh giữa đàng” như Hưng là chuyện bình thường ở lớp CNTN. Thực tế tại Trường ĐH KHXH-NV cho thấy: năm 2002 có 60 SV được chọn vào lớp CNTN nhưng chỉ có 35 CNTN tốt nghiệp. Tương tự, con số này năm 2003 là 60 và 42, năm 2004 là 90 và 43. Các khóa KS, CNTN tại Trường ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên cũng không tránh khỏi sự lãng phí này. Thầy Trần Tịnh Đức, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV, nhiều năm phụ trách công tác đào tạo CNTN cho biết: “ĐHQG chú trọng đào tạo những KS, CNTN được thể hiện bằng kinh phí đầu tư rất lớn. Mỗi năm SV lớp thường được đầu tư 5 triệu đồng, còn SV lớp CNTN được đầu tư gấp 3 lần, chừng 15 triệu đồng/SV…”.
Song sự lãng phí cho những trường hợp bỏ dở nửa chừng đâu chỉ có ngần ấy. Ở đây còn là sự đầu tư công sức, tâm huyết của cả bộ máy giáo dục gồm những chuyên gia, giảng viên đầu ngành và sự kỳ vọng vào đào tạo người tài cho xã hội”. Một giảng viên của Trường ĐH KHXH-NV kể lại, trong một lần khảo sát chất lượng CNTN khoa Lịch sử, các thầy “giật mình” phát hiện hầu hết những SV được chọn giữ lại khoa làm công tác nghiên cứu và giảng dạy đều không phải là CNTN. Đơn giản là bởi sau 4 năm đào tạo, tố chất “tài năng” thiên bẩm ở gần 20 SV lớp tài năng cũng đã mai một, mất dần trong hệ “trường chuyên, lớp chọn” còn đầy băn khoăn…
Theo TS Lê Khắc Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV: “Bức tranh đào tạo CNTN vẫn có những mảng chưa phù hợp, chênh lệch, do đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội không thể cân đo rạch ròi. Việc xác định năng khiếu của một người giỏi văn hay sử cũng không đơn thuần chỉ điểm số cao hay thiên bẩm, đôi khi người thật sự giỏi thì điểm không cao và ngược lại, vô tình tạo ra lỗ hổng trong đào tạo. Trong khi, trường chỉ có thể lựa chọn căn cứ vào thước đo chung của Bộ GD-ĐT là điểm tuyển sinh ĐH-CĐ và các kỳ thi”. Nhưng liệu thước đo duy nhất này có thật sự chính xác, khách quan và công bằng để xác định một tài năng khoa học?
Bên cạnh đó, áp dụng chương trình đào tạo CNTN còn bộc lộ hạn chế ở kết cấu chương trình quá nặng. SV học lớp CNTN phải học song song chương trình đại trà hơn 2.000 tiết và 450 tiết học nâng cao. Th.Mơ, CNTN khoa Ngữ văn ngán ngẫm: “Lịch học, thi, làm chuyên đề quá nhiều khiến mình thấy đuối sức. Nhiều chuyên đề quá nặng mà giảng viên thì không đủ khả năng thuyết phục, truyền đạt cho SV những tinh túy, thiếu giáo trình, tài liệu… nên chương trình nặng mà chưa hay”.
Để chương trình đào tạo CNTN thật sự hiệu quả cần một chiến lược cụ thể. Một vị Phó giáo sư của ĐHQG hoạch định: “Đào tạo ra người thật sự tài năng cần gắn mục tiêu vào thực tiễn. Cần xác định rõ mục tiêu đào tạo ra nhà bác học hay chuyên gia trong từng lĩnh vực? Chỉ khi xác định được yếu tố này mới lựa chọn ngành nghề phù hợp và xây dựng một chương trình đào tạo hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người được thừa hưởng chương trình đào tạo tiên tiến này với xã hội”.
Chương trình đào tạo KS, CNTN của ĐHQG-HCM kỳ vọng đào tạo ra những nhân tài tương lai đã nhận sự đầu tư ngân sách nhiều gấp 3 lần những cử nhân bình thường khác. Thế nhưng, hàng trăm KS, CNTN đã tốt nghiệp vẫn chưa khẳng định được vị thế và tài năng tương xứng. Liệu đến bao giờ thì sự cống hiến của những người được nhận sự đầu tư này chứng minh được hiệu quả đầu tư cho 1 CNTN thì lợi hơn 3 cử nhân khác?
Tiêu Hà (sggp)
Bình luận (0)