Được sự đồng ý của GS.TS Trần Hồng Quân, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã có nhã ý mời bà Robyn Maher, Giám đốc điều hành và là nhà tư vấn chính của Công ty RTOhelp (tổ chức đào tạo được kiểm định), một tổ chức được Chính phủ Úc công nhận để cấp các chứng chỉ kiểm định trên khắp nước Úc… đến làm việc với Trường CĐ Nguyễn Tất Thành để hợp tác trong việc đào tạo chương trình của UPC. Bà Robyn Maher đã trình bày cho những người tham dự về sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực giáo dục ĐH, CĐ và chuyên nghiệp của Úc.
Hệ thống giáo dục tại Úc
Úc bắt đầu bằng các hệ thống giáo dục khác nhau do các quan chức điều hành ở từng tỉnh, từng bang. Do Úc là một hòn đảo lớn bao gồm 8 bang, mỗi bang có một sở giáo dục. Đó là lĩnh vực gần như độc quyền của các nhà giáo dục và công chức. Nhưng chính các doanh nghiệp (DN) và nền công nghiệp mới là lực đẩy làm thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia và đòi hỏi sự linh hoạt của hệ thống này. DN và công nghiệp đã tạo một sức ép lên Chính phủ để làm sao nguồn lao động này phải có kỹ thuật và kỹ năng, nghĩa là phải có chất lượng… Dần dần các chính sách và các mô hình giáo dục đã được phát triển, định hình như ngày nay. Chính quá trình thay đổi đã tạo nên sự phát triển của giáo dục Úc, từ đó lượng học sinh các nước đến du học tại Úc tăng nhanh. Vì vậy mà sự giao thoa văn hóa, giáo dục giữa Úc và các nước là rất cần thiết.
Ngay ở phần giới thiệu, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường đã nói: “Đất nước Việt Nam đang thay đổi từng ngày về giáo dục, kinh tế, việc hội nhập và kết hợp với các đối tác nước ngoài là rất cần thiết, để nâng cao và tiếp thu những tiến bộ của thế giới nhất là lĩnh vực giáo dục. Giáo dục phát triển sẽ tạo ra những con người năng động sáng tạo, nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN trong và ngoài nước”.
Bà Robyn Maher cho biết: Hệ thống GD&ĐT chuyên nghiệp tại sao lại quan trọng với đất nước Úc? Theo nghĩa cổ điển, đây là nơi đào tạo công nhân, dạy nghề. Như vậy là đã khác với Việt Nam, vì sinh viên khi học hệ CĐ ở Việt Nam gọi là chuyên nghiệp, những khóa học tại các trường học này chỉ chú trọng vào kỹ năng để tạo ra những người điều hành và giám sát (kỹ sư, cử nhân) tức là tạo ra “thầy nhiều hơn thợ”. Còn ở Úc kỹ năng (VET means Skills) không nhất thiết phải học ở hệ CĐ mà học sinh có thể theo học bắt đầu từ các trường trung cấp hoặc dạy nghề, từ đó họ được học liên thông lên CĐ, ĐH. Những người theo học, họ rất tự tin trong sự lựa chọn của mình cũng như được gia đình hết sức ủng hộ, vì bằng cấp của họ được công nhận trên toàn nước Úc. Những người làm công việc như phụ hồ, thợ xây, sửa xe… không học qua các trường học này sẽ không có giấy phép hành nghề do Chính phủ cấp và không tìm được việc làm. Nhưng những trường dạy nghề đó có thực sự đạt chất lượng về dạy và học? Vì nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tại Úc đòi hỏi ở người công nhân rất cao. Khi họ được tuyển vào làm thì tất cả phải làm được công việc mà người chủ yêu cầu, chứ không phải khi được tuyển vào DN hay công ty phải có trách nhiệm đào tạo lại. Các DN này đặt ra câu hỏi? Hàng năm các trường thuộc nhà nước quản lý nhận hàng triệu USD tiền tài trợ của Chính phủ, số tiền đó họ làm gì? Có đầu tư vào cơ sở vật chất để phục vụ cho việc dạy và học hay không? Từ đó hệ thống kiểm định chất lượng được hình thành. Đây là tổ chức cấp bằng chứng nhận cho các trường đạt chuẩn. Vì có đạt chuẩn theo quy định các trường này mới được dạy học và tuyển học sinh. Đây là khung đào tạo chất lượng của Úc, tất cả các trường đã đăng ký, kể cả ĐH có hệ CĐ cũng phải tuân thủ khung này. Bằng được cấp đều phải nằm trong hệ thống khung theo quy định. Trường nào được công nhận đạt chất lượng sẽ được cấp một dấu chất lượng và được công nhận trên toàn quốc. Có một chi tiết khi nhà nước mang đến các trường hệ thống kiểm định này, có rất nhiều trường đã chống lại vì họ cho rằng sẽ rất tốn kém về tiền bạc và thời gian. Cách nghĩ này là đúng, để có được bằng chứng nhận các trường phải mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Khi các trường đã chấp nhận tham gia hệ thống kiểm định, họ được lợi nhiều hơn, như được nhà nước tài trợ tiền, csvc và quan trọng là các trường sẽ được DN “đặt hàng”. Đấy chính là thành quả mà hệ thống chất lượng và kiểm định mang lại cho các trường. Sự thừa nhận này còn quý hơn bất cứ một bằng, giấy khen nào đối với các trường của Úc. Việc kiểm tra chất lượng, kiểm định quý vị nên hiểu rằng đó như một hướng đi mà không bao giờ tới nơi. Vì có trường sau khi đạt được, chỉ cần trong khi quản lý dạy và học mà để xảy ra sự cố như cho nghỉ học một học sinh hư mà không đủ chứng cứ thuyết phục, nhà trường sẽ bị người học trò đó kiện ngược lại ra tòa dễ dẫn đến bị thu hồi chứng nhận trường đạt chuẩn.
Thế nào là chất lượng giáo dục
Sau bài thuyết trình là những câu hỏi, trao đổi rất “nóng” của cử tọa. Mở đầu cuộc trao đổi là câu hỏi của một đại biểu: Có cách nào để Trường CĐ Nguyễn Tất Thành và một số trường CĐ khác ngoài công lập của Việt Nam đạt được chất lượng kiểm định của Úc? Theo bà Robyn Maher: Hệ thống kiểm định của Úc chỉ áp dụng cho các trường, doanh nghiệp của Úc. Nhưng không áp dụng một cách khô cứng, Chính phủ Úc cho phép khi liên kết với nước ngoài. Có thể, có khả năng đạt được bằng công nhận này nhưng không dễ và cũng không nhanh. Vì thời gian thì quý vị đã biết, nó có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và tiêu tốn khoảng 30 đến 300 ngàn USD. Có một câu hỏi đã làm tất cả từ khách mời tới người dự phải suy nghĩ theo cách lý giải của riêng mình: Hiện tại học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học rất nhiều, trong đó có Úc. Một số do các em không thi đậu vào ĐH, CĐ ở Việt Nam, nhưng tại sao khi học ở nước ngoài tốt nghiệp ra trường các em lại làm việc rất tốt và kiến thức thì rất vững vàng? Đây là một câu hỏi khó và tế nhị, nhưng tôi có thể trả lời rằng: Phần lớn họ học được vì họ phải trả rất nhiều tiền, được học lại từ một đến hai lần nếu không thi được. Và nền giáo dục ở Úc khác với nền giáo dục của các bạn. Như trên tờ lịch học của chúng tôi là 20h/1 tuần, thực tế học sinh có khi chỉ học 12h/1 tuần. Trong giờ học lý thuyết tối đa là 40 em, còn học thực hành có 15 em/1 lớp. Còn một điểm khác là ở Việt Nam có 15% học sinh THPT tốt nghiệp ra trường được lấy vào ĐH và CĐ, còn lại 85 đến 70% số đó có rất nhiều em giỏi. Khi du học ở nước ngoài với cách học và dạy tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế chắc chắn các em sẽ thành công. Qua buổi hội thảo này ít nhiều các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đã và biết mình cần phải làm gì, để ngôi trường mình đang công tác gặt hái được thành công trong sự nghiệp giáo dục.
Quang Huy
Theo thầy Hùng, đất nước chúng ta đang hội nhập với thế giới, do đó những tồn tại của nền giáo dục nước nhà đang thay đổi từng ngày. Tất nhiên ai cũng muốn thay đổi thật nhanh, nhưng phải có lộ trình rõ ràng. Chúng ta hội nhập với thế giới là để học cái hay cái tốt của họ, chứ không phải chúng ta hội nhập để hòa tan. Những yếu kém của giáo dục về dạy và học cũng như điều kiện về CSVC, chắc chắn sẽ được khắc phục và rất cần những nhà quản lý, thầy cô giáo tâm huyết với nghề hiến kế cho Đảng, nhà nước cùng Bộ GD-ĐT tìm ra cách làm nhanh nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, để đưa giáo dục nước ta sánh vai với các nước có nền giáo dục tiên tiến của thế giới. |
Bình luận (0)