Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19; huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống Covid-19 với chi phí thấp nhất. Đây là sự kiện đầu tiên trong 10 sự kiện y tế năm 2020 đã được Bộ Y tế công bố chiều 30-12-2020.
Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân
“Chống dịch như chống giặc”
Ngày 23-1-2020, nước ta ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. 2 ca bệnh là người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam. Đến chiều 11-3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 38 ca nhiễm, phần lớn là nhập cảnh từ các nước đang có dịch. Cũng trong ngày 11-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, ngày 1-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Từ đây, cả nước bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình” – Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “Chống dịch như chống giặc”.
Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”, Việt Nam đã thực hiện cách ly cho hơn 730.000 người; xét nghiệm cho 1,7 triệu người; triển khai 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý 2020 đến nay.
Bộ Y tế lần đầu tiên huy động lực lượng cán bộ y tế gần 300 người vào “mặt trận” Đà Nẵng kiểm soát dịch trong 1 tháng. Công tác truyền thông được đổi mới, đảm bảo mọi người dân đều được truyền thông phòng, chống dịch.
Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19.
3 ca nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM
Đến chiều 31-12-2020, nước ta ghi nhận 1.465 ca nhiễm, trong đó điều trị khỏi 1.325 ca, tử vong 35 ca – đây đều là những bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh nền nguy hiểm. Số lây nhiễm trong cộng đồng 693 ca. Còn thế giới là gần 83.000.000 ca, trong đó có hơn 1.700.000 ca tử vong.
Theo công bố hồi đầu tháng 12-2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh Covid-19, nếu tỷ lệ mắc tích lũy của các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 2.060 ca trên 1 triệu dân, thì Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ mắc tích lũy thấp nhất – dưới 18 ca trên 1 triệu dân. Đồng thời nước ta cũng là một trong 4 nước có ít hơn 1 người tử vong do Covid-19 trên 1 triệu dân. Trong năm 2020, Việt Nam là một điểm sáng về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên thế giới…
Luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên ở Việt Nam. Và ca bệnh cuối cùng trong cộng đồng ở nước ta cũng được ghi nhận tại TP.HCM. Tích lũy từ ca bệnh đầu tiên đến ngày 31-12-2020, TP.HCM ghi nhận 149 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 100 ca nhập cảnh từ nước ngoài; không có ca tử vong. Đặc biệt, từ ngày 2-12-2020, TP không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định: “Trong các giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã chủ động, tích cực và khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, biện pháp phòng chống dịch bệnh đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình”.
Cụ thể, ngành y tế TP đã triển khai và luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó trong các tình huống dịch bệnh như: xây dựng quy trình, công cụ và chuẩn bị lực lượng điều tra, truy vết, xử lý dập dịch; thiết lập hệ thống 5 bệnh viện chuyên trách điều trị Covid-19 với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực chuyên môn, đồng thời vẫn sẵn sàng huy động tất cả khu cách ly của các bệnh viện trên địa bàn TP để thu dung điều trị người nhiễm Covid-19 khi dịch lan rộng; tăng cường năng lực thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Qua đó, TP đã kiểm soát hiệu quả các đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua, nhanh chóng khống chế, dập tắt những ổ dịch trong cộng đồng, điều trị hiệu quả tất cả các trường hợp mắc bệnh phát hiện trên địa bàn TP.
2 ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam Liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19, thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN). Trong đó, 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc-xin trên động vật; Công ty NANOGEN đã sản xuất 5.000 liều vắc-xin Covid-19 để thử nghiệm. Ngày 17-12-2020, công ty phối hợp cùng Học viện Quân y bắt đầu tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 cho các tình nguyện viên. Nếu thuận lợi, dự kiến đến quý II/2022, Việt Nam sẽ cung ứng rộng rãi vắc-xin Covid-19. |
BS Lê Hồng Nga – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cũng cho biết, thời gian qua, TP.HCM thực hiện quản lý và kiểm soát dịch Covid-19 theo phương pháp quản lý chuỗi lây nhiễm. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để kiểm soát các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như Covid-19, cúm…
Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM hồi giữa tháng 12-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao TP.HCM trong việc xử lý dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đặc biệt trong việc xử lý phòng tránh lây nhiễm hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta có thể nói đã kiểm soát được lây nhiễm Covid-19 của TP.HCM.
Kim Anh – Thanh Huyền
Bình luận (0)