Trong nhà trường phổ thông, âm nhạc dân gian là “chất liệu” chuyển tải nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm của người học. Việc đặt lời mới cho các làn điệu dân ca đã mở thêm con đường để âm nhạc dân gian có sức sống lâu bền trong thế hệ trẻ.
Tiết học âm nhạc đổi mới tại Trường Tiểu học Cổ Loa (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) |
Đây là những tiết học lý thú và sinh động đối với cả thầy và trò khi âm nhạc dân gian được “khoác thêm chiếc áo mới” về ngôn ngữ.
1. Sau khi giảng cho các em học sinh lớp 8/2 hiểu một số bài dân ca Nam bộ quen thuộc, chủ yếu là những điệu lý như Lý cây bông, Lý ngựa ô, Lý kéo chài, Lý đất giồng…, thầy Đặng Thái Sơn (giáo viên âm nhạc của Trường THCS Bình Quới Tây, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã tự đệm đàn và hát một số bài dân ca được đặt lời mới với chủ đề mái trường và thầy cô. Qua đó các em đã thấy được “hình hài mới” của các điệu lý qua lời mới. Tuy chưa thuộc lời nhưng học sinh trong lớp vẫn bắt nhịp đúng bài dân ca Lý dĩa bánh bò vì giai điệu và nhịp phách rất quen thuộc. Sau đó thầy Sơn yêu cầu các nhóm và cá nhân trình bày bài hát theo lời mới. Do được chuẩn bị từ trước nên hầu hết các nhóm đều thể hiện hoàn hảo bài hát. Cách học này đã giúp các em thấm sâu hơn những làn điệu dân ca mà ông cha ta đã gìn giữ từ hàng ngàn năm qua. Đó cũng là bài học âm nhạc mà thầy Nguyễn Văn Dương (giáo viên âm nhạc của Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) áp dụng khi dạy cho học sinh khối 3 về tiết tấu của những tác phẩm âm nhạc dân gian qua bài Cùng nhau đi hồng binh. Tuy không phải là tác phẩm âm nhạc được đặt lời mới trên nền dân ca, nhưng ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Đinh Nhu trong giai đoạn 1930-1945 lại mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh qua điệu ví giặm vùng núi Hồng, sông Lam…
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình giảng dạy âm nhạc bậc THCS có 3 phân môn: Học hát, tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức. Riêng phân môn tập đọc nhạc có nội dung hướng dẫn học sinh đặt lời mới cho các bài dân ca. Đó là các điệu: Lý con sáo Gò Công, Lý dĩa bánh bò, Lý kéo chài (Dân ca Nam bộ), Đi cấy (dân ca Thanh Hóa), Lý cây đa (Dân ca Quan họ Bắc Ninh), Hò ba lý (Dân ca Quảng Nam). Đây là công việc mà giáo viên bộ môn phải thị phạm cho người học biết và hiểu.
2. Theo nhạc sĩ Lê Phúc (Hội Âm nhạc TP.HCM), viết lời mới cho dân ca là một thử thách cho đội ngũ giáo viên vì trước nay chưa có khóa đào tạo nào cho giáo viên âm nhạc đặt lời một giai điệu cho trước hay thay lời mới cho bài dân ca. Cho nên thực tế không phải tiết học nào ở trường phổ thông cũng đáp ứng được yêu cầu này, và nếu có đáp ứng được thì cũng mang tính ước lệ, thiếu một phương pháp cụ thể làm cho mức độ lĩnh hội của học sinh còn mang tính trừu tượng.
“Không chỉ có kiến thức nhạc lý mà giáo viên âm nhạc còn phải có kiến thức về văn chương, đặc biệt là có cảm hứng sáng tác mới viết được những tác phẩm âm nhạc dựa trên lời dân ca. Có như vậy mới truyền cảm hứng cho các em học sinh lòng yêu thích âm nhạc dân tộc”, thầy Đỗ Quang Phúc (giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM) chia sẻ. |
Trong khi đó, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ khẳng định: Muốn sáng tác một tác phẩm âm nhạc dựa vào làn điệu dân ca trước hết tác giả phải có kiến thức về âm nhạc. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có cảm xúc thật sự trong quá trình sáng tác khi theo một chủ đề nào đó để có những lời ca gắn kết một cách hài hòa, nhuần nhuyễn với từng giai điệu dân gian do ông bà ta truyền lại. Theo ông, nếu Lý kéo chài là ca khúc dân gian khỏe khoắn toát lên tính cách phóng khoáng của ngư dân Nam bộ thì Lý quy phụng là sự kết hợp hai dạng thang âm điệu thức Nam với Oán nghe thắm thiết và mùi mẫn. Về bản chất nhạc, các làn điệu dân ca có cấu trúc ngắn gọn và thường được xây dựng trên nền những câu ca dao thể lục bát nên tác giả khi đặt lời mới phải nắm được đặc điểm này. Một số bài giữ nguyên thể thơ nhưng có những điệu dân ca có thêm tiếng láy, tiếng đệm hay từ phụ, câu phụ hoặc đảo ngữ với mục đích làm cho giai điệu thêm phong phú. Vì thế nếu không hiểu nguyên tắc này thì khi đặt lời mới cả thầy và trò đều không biết bắt đầu từ đâu? Có những làn điệu dân ca có 1 mảng cố định nhưng có làn điệu lại có mảng cố định và mảng thay đổi.
Cô Mai Xuân Đào (giáo viên âm nhạc của Trường THCS Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết mảng cố định là dùng cho tập thể hò theo (gọi là xô), mảng thay đổi dùng cho một người hát (gọi là xướng). Cô Đào cho biết khi hướng dẫn học sinh đặt lời mới giáo viên nên dùng bảng phụ chép “khung” của bài dân ca. Cũng có thể chép cả nhạc hoặc chỉ chép lời ca phần đệm nguyên gốc nhằm chừa khoảng trống để điền lời ca mới. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, trên thực tế vẫn có sự nhầm lẫn giữa các điệu lý, cụ thể như không phân biệt được Lý chuồn chuồn và Lý chiều chiều trong dân ca Nam bộ. Lời của nhiều điệu lý Nam bộ thường hay đảo ngược dấu giọng nhưng khi đặt lời mới phải “tròn vành rõ chữ” tránh cưỡng âm, chỉnh từ. Ngoài năng khiếu, đây là điều mà người “thay áo mới” cho các làn điệu dân ca cần phải hiểu rõ.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)