Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiếc cặp… oan nghiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn chiếc cặp của đứa cháu mang trên vai mỗi ngày mà lòng tôi đau. Đó là chiếc cặp to đùng, bên trong chứa rất nhiều sách vở và các dụng cụ học tập khác.

Thằng bé mới 10 tuổi thôi, người gầy nhom. Mặc dù anh chị tôi đã cho cháu ăn đầy đủ chất nhưng cháu chỉ phát triển chiều dài mà không khá hơn về chiều ngang. Cháu đã ốm yếu, lại vác sau lưng chiếc cặp to nên càng thấy cháu gầy hơn. Thương nhất là ngày đầu năm, khi chưa biết thời khóa biểu, cháu phải mang cả bộ sách vào trường khiến tôi lo lắng cho sức khoẻ của cháu. Tôi là người mua sách giáo khoa cho cháu, giúp cháu bao bìa tập nên tôi hiểu nỗi khổ của cháu như thế nào. Lúc dẫn cháu đi mua sách giáo khoa lớp 5, tôi đã phải giật mình: “Sao chỉ mới bậc tiểu học thôi mà học nhiều thế?”. Ôi thôi, nào là sách bài học, bài tập, tham khảo, kỹ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, rồi cộng thêm vở, bút mực, bút màu, bảng, thước…

Do từng lao động ở châu Âu một thời gian dài nên tôi hiểu hoàn cảnh học sinh tiểu học bên ấy. Trẻ con học như đi chơi, chiếc cặp nhẹ tênh. Nhưng không vì thế mà trẻ con bên đó lười học hoặc tư duy kém. Ngay trước ngày lên lớp, giáo viên đã cho học sinh tìm hiểu về bài học sắp tới của chúng để hôm sau học sinh tự phát biểu, làm bài. Giáo viên chỉ là người định hướng, hướng dẫn cho bài học ấy linh động hơn. Có điều gì thắc mắc, học sinh cứ hỏi trực tiếp.

Trong khi giáo dục nước ta, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã quen tư duy lý thuyết hơn là thực hành. Các bài văn mẫu, sách giải bài tập in tràn lan làm cho trẻ lười tư duy, chỉ biết dựa dẫm. Hơn thế nữa, giáo viên cứ buộc học sinh phải chép liên tục, thành ra trẻ đâu còn thời gian để lắng nghe, động não, thấu hiểu. Đó là lý do vì sao học sinh chỉ mới 9-10 tuổi mà vác chiếc cặp trên vai to không tưởng. Ngành giáo dục càng ngày càng bày ra nhiều sách mới nhưng lại không gửi gắm kiến thức nhiều vào đó cho học sinh thấu hiểu. Ông bà ta thường bảo: “Học một biết mười”, nhưng trong trường hợp này, học sinh học lan man quá nhiều nên đâu còn thời gian để tiếp thu, nhớ.

Nhớ thời tôi đi học mấy chục năm về trước, làm gì có chuyện phân chia sách bài học, sách bài tập như bây giờ (tiểu học). Giờ thì đã có sẵn sách bài tập, học sinh chẳng cần phải tự viết bài tập ấy mà chỉ cần điền đáp án vào trong sách đã ghi sẵn câu hỏi. Đúng là quá tiện lợi. Nhưng rõ ràng, chính nền giáo dục kiểu này làm cho trẻ lười viết, lười suy nghĩ. Đã thế giáo viên cũng không cần phải nghĩ ra những kiểu bài tập mới lạ (hoặc học sinh tự nghĩ ra) vì mọi thứ đã có trong sách bài tập. Thành ra trẻ không thể đi sâu vào vấn đề mà chỉ suy nghĩ ở chừng mực nào đó.

Rõ ràng kiểu học này rất thụ động, không mở lối tư duy, nên rất cần giảm tải cho học sinh tiểu học (kể cả THCS, THPT). Trẻ đang tuổi phát triển, xương non nớt, tâm hồn yếu ớt, cứ ngày nào cũng vác chiếc cặp to như thế sẽ làm cho trẻ mắc các bệnh về cột sống. Lâu dài có thể dẫn đến dị tật.

Đng Trung Thành

Bình luận (0)