Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi nào thì “uốn” được “cây non”

Tạp Chí Giáo Dục

Các chuyên viên tư vấn gia đình trẻ em trả lời cho phụ huynh biết về cách nuôi dạy trẻ hợp lý

Nhiều phụ huynh thừa nhận, sinh con không khó nhưng nuôi dạy con lại không dễ chút nào. Làm sao để có được một đứa con ngoan, biết nghe lời cha mẹ luôn là câu hỏi không lời giải của nhiều ông bố, bà mẹ…
Những đứa trẻ “cứng đầu”
Bé Mi – con chị Việt nhà ở Q.1 mới 20 tháng tuổi mà đã thể hiện rất rõ cá tính của mình. Bé có sở thích lấy đồ đạc trong nhà để… ném. Vợ chồng chị Việt đành dùng kế “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên đã cất hết các vật dụng trong tầm tay của cô con gái cưng. Thế nhưng khi có đồ chơi trong tay, bé Mi lại chứng nào tật nấy. Với suy nghĩ, con đang còn nhỏ chưa hiểu hết việc làm của mình nên vợ chồng chị Việt nhắm mắt làm ngơ.
Tương tự, đứa cháu nội của ông bà Lưu ở quận 7 mới 2 tuổi mà tính khí cũng đã khác người. Mỗi khi không hài lòng, cu Bo lại lấy chùm chìa khóa hay cốc chén… ném lung tung. Than thở với hàng xóm, ông bà Lưu lại nhận được lời trách móc: “Tại hai bác cưng chiều quá, cháu nội thì cháu nội, gặp tôi cứ quất cho mấy phát vào đít lần sau là chừa”.
Chị Việt cũng không khỏi chạnh lòng khi người bạn chung cơ quan góp ý: “Gần 2 tuổi là sợ đòn rồi, nếu cần cứ dọa cho vài roi là khiếp”.
Biết những lời khuyên đó là chân thành nhưng là người trong cuộc nên các ông bố, bà mẹ không ai nỡ giáo dục con bằng roi vọt.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Phương Nga – Câu lạc bộ Pro Prents, nhiều cha mẹ thiếu kiến thức và cả kinh nghiệm trong việc dạy con. Kiến thức thì chưa tham gia các lớp dạy làm cha mẹ, còn kinh nghiệm thì vẫn theo cách cổ truyền “cha mẹ dạy mình sao, mình dạy con như vậy”. Đây là điều không hợp lý, vì một thế hệ cách xa vài chục năm thì làm sao phương pháp giáo dục đồng nhất được. Hơn nữa ông bà xưa thường quan niệm, trẻ con như trái bầu trái bí cứ tự nhiên mà lớn. Mới nghe thì cũng có lý nhưng nghiệm lại mới thấy sai và vô cùng nguy hiểm.
Trẻ cũng phải trải nghiệm
Nhiều nhà tâm lý giáo dục cho rằng, từ 1 đến 6 tuổi là “thời kỳ vàng” để cha mẹ dạy dỗ con cái. Khi bước vào độ tuổi từ 6 đến 13 thì trẻ không còn là “cây non” nên việc giáo dục lúc này không còn dễ. Những vết nhăn trong não của trẻ khi đã được định hình thì khó mà xóa được, hơn nữa qua kiểm nghiệm người ta thấy tuổi càng nhỏ trẻ học càng nhanh, quá trình dạy về sau sẽ đỡ vất vả và tốn thời gian hơn. Ngược lại, khi trẻ đã thành “cây cổ thụ” thì rất khó uốn và nếu muốn cây đứng thẳng thì chỉ có cách chặt bỏ bớt những cành sâu lá xấu đi nhưng như thế thì đau lòng quá. Sai lầm của phụ huynh là thường đưa ra cách ngăn chặn, thúc ép con em mình mà thiếu giải thích hoặc chỉ giải trình một chiều theo ý của người lớn. Rõ ràng đây cách giáo dục khiếm khuyết, áp đặt chủ quan.
Các chuyên gia cho biết, quy trình đúng là phải giải thích đồng thời có sự trải nghiệm thực tế. Bà Nga đưa ra ví dụ như ngăn chặn bé không được đi qua vũng nước thì cha mẹ phải biết giải thích cho bé hiểu và tốt hơn hết nên cho bé trải nghiệm bằng cách… đi vào vũng nước. Tất nhiên trong tình huống đó có thể trẻ sẽ bị té. “Dù có đau lòng một chút nhưng chúng ta đã giúp trẻ có thêm trải nghiệm và hiểu ra rằng không được bước chân vào vũng nước vì nếu bước vào sẽ… có sự cố. Nhờ có bài học “xương máu” đó mà chắc chắn lần sau gặp tình huống tương tự trẻ sẽ tìm cách né tránh vì thông tin trải nghiệm đã được lưu giữ trong đầu trẻ”, bà Nga nhấn mạnh. Một ví dụ nữa là khi trẻ ném đồ, phụ huynh bắt trẻ phải nhặt lên. Đây cũng là một cách cho trẻ trải nghiệm để hiểu được rằng nếu lúc nào đó gây ra chuyện khiến cha mẹ không vừa lòng thì chính mình là người phải tự đứng ra khắc phục hậu quả đó chứ không có ai khác.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)