Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bị cáo tuổi 16

Tạp Chí Giáo Dục

Xin được án treo vì gia đình khó khăn. Biết cha mẹ khổ, sao lúc hành động, bị cáo không suy nghĩ? Tại lúc đó… nóng quá. Học sinh mâu thuẫn với nhau là chuyện thường, sao phải cầm một lúc hai con dao để đâm nạn nhân? Giả sử N. chết thì sao? Thì… ở tù!


(Tranh minh họa) 
Chuông reo báo hiệu hết giờ thi môn thứ nhất, L.V.N ra khỏi cổng trường, qua bên đường ngồi chờ các bạn cùng về. Bất ngờ, lưng nhói đau, quay vội ra sau, N. nhìn thấy một thiếu niên tay lăm lăm hai con dao dính máu. Hoảng sợ, N. bỏ chạy vào tiệm tạp hóa gần đó trốn rồi được đưa đi cấp cứu. 
Theo kết quả giám định pháp y, N. bị vết thương thấu ngực gây tràn khí, tràn máu phổi trái, tỉ lệ thương tật 11% vĩnh viễn. 
Tỉnh dậy, nghe kể, N. mới hiểu nguyên nhân khiến N. bị đâm chỉ vì đi chung với nhóm bạn học cùng trường và nhóm này trước đó khoảng 2 tháng có mâu thuẫn, gây sự đánh nhau với nhóm của N.M.T. Vì thế, khi tình cờ nhìn thấy nhóm N. đến trường dự thi chuyển cấp (từ cấp 2 lên cấp 3), T. đã rủ các bạn đón đánh… 
Vụ án được khởi tố theo đơn yêu cầu của N. và gia đình. Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Nhà Bè – TPHCM tuyên phạt T. 9 tháng tù giam. 
Hôm ấy, TAND TPHCM xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo lẫn bị hại. Đứng trước vành móng ngựa, T. đã gây “sốc” cho HĐXX và những người dự khán bởi bộ quần jeans, áo thun bụi bặm, tóc mái dài bù xù che gần nửa khuôn mặt bướng bỉnh và giọng nói khàn khàn, cộc lốc của đứa con trai mới lớn nhưng thiếu sự giáo dục kỹ càng. 
– Bị cáo xin được án treo vì gia đình khó khăn. Biết cha mẹ khổ như vậy, sao lúc hành động, bị cáo không suy nghĩ? – vị chủ tọa hỏi. 
– Tại lúc đó… nóng quá – T. đáp. 
– Học sinh mâu thuẫn với nhau là chuyện bình thường, có đến mức phải cầm một lúc hai con dao để đâm nạn nhân không? Giả sử N. chết thì sao? 
– Thì… ở tù. 
Câu trả lời của T. khiến vị chủ tọa khựng lại mấy giây. Lẽ nào, một mạng người bị tước đoạt khi đang ở tuổi thanh xuân, một cuộc đời tươi trẻ khác bị chôn vùi trong ngục tù cũng chỉ được T. cảm nhận một cách đơn giản đến thế thôi sao? 
Thở dài, vị chủ tọa nghiêm sắc mặt nhìn T. từ tốn nói: 
– Chỉ gây thương tích thôi cũng đã phải ở tù huống chi là việc nếu bị cáo lỡ giết chết N. Nhưng mâu thuẫn nhỏ mà ra tay như vậy, có đáng không? Rồi còn tương lai của bị cáo. Phạm tội khi vừa qua tuổi 16 một ngày, bị cáo còn cả một cuộc đời rất dài ở phía trước. Không lẽ, đụng chuyện là hung hãn, côn đồ để rồi cứ phải đi tù mãi sao?… 
T. thôi không trả lời. Cái đầu bù xù hình như cúi thấp hơn một chút. Phía sau, mẹ T. nhấp nhổm không yên. Bà đưa mắt nhìn mẹ của bị hại, chờ đợi một câu nói xin giảm án cho T. 
Cuối cùng rồi mẹ N. cũng lên tiếng. Bà bảo bà không biết chữ nên khi mẹ T. đem lá đơn kháng cáo đến, bà nhờ con trai đọc giùm, nghe nội dung và nghe mẹ T. năn nỉ hết lời, bà mới ký. 
“Nghĩ đến con, tình thực tôi không muốn xin giảm nhẹ cho T. chút nào. Nhưng mà thôi, dù sao T. cũng còn nhỏ, hành động bồng bột…” – mẹ N. thở dài. 
Bị đâm khi vừa mới thi xong môn đầu tiên, N. không được xét vào lớp 10 dù em là học sinh khá trong suốt 9 năm. Chán vì phải học lại lớp 9, gia cảnh lại khó khăn, N. xin đi may gia công… 
Biện minh cho con, mẹ T. nói cha T. làm nghề gõ sắt dưới tàu, bản thân bà làm lao công trong khu chế xuất, anh trai T. bị tâm thần, em gái còn nhỏ, gia cảnh thật sự khó khăn nên bà phải gửi T. sống ở nhà dì dượng, ít quan tâm chăm sóc đến T. 
Học lực kém, hết lớp 9, T. chuyển qua học ở trung tâm dạy nghề. Tuy nhiên, sau khi vụ án xảy ra, T. nghỉ học, đi làm lơ xe buýt cho dượng để kiếm sống. 
Để có tiền bồi thường, năn nỉ gia đình bị hại và bị hại bãi nại, sau phiên xử sơ thẩm, bà phải nhờ anh em chạy mượn nhiều nơi… Đó là hoàn cảnh khó khăn rất thật và đáng được cảm thông của T. 
Nhưng như ông bà ta thường nói: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, nghèo không có nghĩa là bỏ mặc con cái, không giáo dục đúng sai, phải trái. Chứng kiến cảnh mẹ T. đi cùng con trai đến tòa chờ xét xử nhưng lại không biết phải khuyên con ăn mặc thế nào, nói năng ra sao để ít ra HĐXX nhận thấy được sự ăn năn, hối lỗi cần có cũng hiểu được phần nào vì sao T. phạm tội. 
Rất may, tòa chấp nhận kháng cáo, cho T. được hưởng án treo. Cả hai mẹ con cùng thở phào nhẹ nhõm. 
Nhưng nhìn dáng T. bước ra khỏi cổng tòa, trong tôi cứ băn khoăn bởi câu hỏi suốt thời gian thử thách của án treo (bị cáo không được vi phạm bất cứ điều gì, dù nhỏ), liệu gia đình T. có đủ sức theo sát đứa con trai không còn ở tuổi dễ nghe dễ bảo? 
Theo Tố Trâm
 Người lao động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)