Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chớ vội cho rằng con mình giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường Tiểu học An Lạc 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tập cho học sinh viết. Ảnh: N.Trinh

Các bậc phụ huynh lúc nào cũng kỳ vọng và lo lắng cho con mình, nhất là trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 – bậc học rất quan trọng, được coi là nền tảng của giáo dục phổ thông.
Vì vậy, trước hết trong suy nghĩ của phụ huynh phải cố gắng lo “chạy” cho con vào học ở trường trọng điểm, lớp chọn hay lớp có giáo viên dạy giỏi ít nhất là cấp trường; còn không lo được thì cố gắng dựa vào các mối quan hệ quen biết bằng mọi cách lo cho con được học thêm trước chương trình trong hè với giáo viên đang trực tiếp dạy ở trường mà con mình sắp vào học. Một mặt là để con làm quen với cô giáo, mặt khác phụ huynh muốn gửi gắm cô giáo chú ý đặc biệt tới con mình. Trẻ học thêm với cô giáo vài tuần, khi về nhà phụ huynh kiểm tra có cảm giác con mình thật giỏi vì đã đọc thông các âm trong sách tiếng Việt, viết thạo và đúng quy cách các âm tương đối khó như:  l, s, h, p, x, s…, hay các từ như: Xe chỉ, khế, thợ xẻ, ghế…. Còn trong môn toán thì trẻ biết nhận dạng các hình vuông, hình tròn, tam giác; biết so sánh cộng trừ các số trong phạm vi 10. Thú thật vào đầu năm học, giáo viên dạy lớp 1 dạy đúng những em được học trước như thế này rất khỏe, không cực nhọc từ việc nhỏ như rèn cầm cây bút cho đúng quy cách, nhắc cách đọc phát âm sao cho đúng…. Trong quá trình dạy, hình như giáo viên dạy cái gì trẻ cũng đều biết hết, nhớ hết; thậm chí đến kỳ kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 1 và cuối học kỳ 1, kết quả phần nhận xét của giáo viên cho môn tiếng Việt và môn toán, các em này đều xếp loại hoàn thành xuất sắc. Các bậc cha mẹ thấy con mình có kết quả học tập như vậy thì trong lòng vô cùng sung sướng phấn khởi, càng kỳ vọng con học giỏi hơn, và chuyện con học giỏi có khi còn là đề tài của đầu câu chuyện để cha mẹ đem khoe với đồng nghiệp trong cơ quan, với dòng họ và bà con xóm giềng…
Nhưng với kinh nghiệm thực tế từng làm quản lý chuyên môn của trường tiểu học nhiều năm, tôi xin nói thẳng: Với những trẻ đã được cho học trước chương trình, các em chưa thật sự chủ động tích cực học tập hay học giỏi. Vì thực chất các âm, các từ, các số… các em đã được làm quen, được học khi còn học mẫu giáo. Khi bắt đầu vào chương trình học kỳ 2 thì sức học của các em này sẽ bình thường so với những em trong hè không được học trước chương trình, vì lúc này môn tiếng Việt sẽ học sang phần vần, các em biết đọc đúng từ khó, biết đọc trơn câu văn, câu thơ hay cụm từ hoặc đoạn văn ngắn, biết viết đúng những từ phức tạp; còn ở môn toán kiến thức tăng dần lên như các em biết thực hành đo các độ dài đoạn thẳng, biết tóm tắt bài toán văn đơn giản, biết giải bài toán theo tóm tắt cho sẵn…
Theo tôi, trước khi vào năm học mới, phụ huynh có con vào học lớp 1 ngoài những việc cần chuẩn bị như tìm hiểu về nội dung sách giáo khoa lớp 1, làm quen với lớp học, bạn bè, thầy cô trong ngôi trường sắp vào học… thì cũng cần để ý khi vào học chính thức trẻ có chủ quan trong việc học hay không vì cái gì các em cũng biết. Theo đó, phụ huynh phải kiểm tra kiến thức con thật kỹ, cẩn thận như xem khi đọc con có thật sự ghép đúng vần hay không, hay con chỉ học thuộc lòng, cứ thấy hình trong sách là biết chữ gì, câu gì thì đọc ro ro, trôi chảy không một chút vấp váp. Đặc biệt, phụ huynh đừng vội cho rằng con mình giỏi khi thấy trẻ mới chỉ có một chút biểu hiện thông minh lanh lợi ở mấy tháng đầu năm học.
Trần Văn Tám 
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

Bình luận (0)