Đã vào tuần học đầu tiên của năm học mới nhưng ngành giáo dục TP.HCM vẫn đau đầu vì thiếu trường lớp. Còn học sinh (HS) nhiều nơi phải chen chúc trong lớp học có sĩ số đông.
Thiếu trường, đôn sĩ số lớp
"Học sinh Q.Gò Vấp bước vào năm học 2011 khi địa phương vẫn còn thiếu tới gần 500 phòng học cho cả 3 khối mầm non, tiểu học và THCS. Để cho tất cả HS trong quận đều được đến trường, có chỗ để học, quận phải đau đầu phân bổ HS để các trường "gánh" đỡ cho nhau, đôn sĩ số ở các lớp lên", ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, hiện tại, tất cả các trường học trên địa bàn Q.Gò Vấp sĩ số HS trong lớp đều vượt quá quy định. Bình quân sĩ số là 48,7 HS/lớp. Trong đó, khối mầm non là 34,4 HS/lớp (so với tiêu chuẩn là 30 HS/lớp); tiểu học là 45,76 HS/lớp (tiêu chuẩn là 35 HS/lớp); THCS là 45,8 HS/lớp (so với tiêu chuẩn là 45 HS/lớp). Một số trường tiểu học, THCS có sĩ số HS lên đến 48-55 HS/lớp. Cũng như quận không có trường tiểu học và THCS nào tổ chức dạy 2 buổi/ngày đạt 100%. Riêng có 3 phường của Q.Gò Vấp "trắng" trường mầm non.
Nhiều quận, huyện đau đầu sắp xếp trường lớp sao cho HS có đủ chỗ học |
Quá tải về trường lớp không chỉ diễn ra tại Q.Gò Vấp mà còn là tình hình chung của nhiều quận, huyện tại TP.HCM.
Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, chia sẻ: Tại Q.6, mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các phường. Số lượng trường công lập của cả quận chỉ đáp ứng thu nhận 91,25% trên tổng số trẻ 5 tuổi, số còn lại phải học trường tư thục. Có phường ở trong quận còn “trắng” trường mầm non công lập. Bên cạnh đó, sĩ số HS trong lớp còn quá cao. Lớp 5 tuổi bình quân sĩ số lên đến 55,6 trẻ/lớp.
Trong khi đó, Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú báo cáo trên địa bàn quận còn thiếu đến 219 lớp tiểu học và 409 lớp THCS để đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong năm học 2011-2012.
Chờ vốn xây trường
Trong Hội nghị Chuẩn bị năm học mới 2011-2012 của HĐND TP.HCM diễn ra hôm nay (16.8), các đại biểu đã cùng ngành GD “mổ xẻ” căn bệnh thiếu chỗ học cho HS.
Nhiều đại biểu cho rằng, các dự án xây dựng trường học có tốc độ còn chậm so với nhu cầu nâng cao chất lượng GD. Đặc biệt, TP.HCM phải “gánh” tỷ lệ tăng dân số cơ học quá cao.
Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết: Mỗi năm, quận tăng thêm khoảng 30.000 người, đồng nghĩa với việc mỗi năm huyện tăng thêm một xã. Điều này kéo theo sự căng thẳng trong việc giải quyết hết chỗ học cho con em các hộ dân sinh sống tại huyện.
Hiện nay, H.Bình Chánh chỉ có ba trường THPT. Nếu trong năm 2012 không thể xây dựng 2 trường THPT nữa thì không thể giải quyết hết đầu ra của học sinh THCS trên địa bàn.
Mặt khác, khi thực hiện Nghị quyết 11 về giảm đầu tư công, nhiều dự án trường học tại TP.HCM bị ngưng vốn kéo theo những khó khăn trong giải quyết chỗ học đầu năm học mới.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết: Năm 2010, UBND TP.HCM đã có quyết định bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 6 dự án bồi thường giải tỏa và 12 dự án xây dựng trường học tại quận. Nhưng đến năm 2011, một số dự án này bị ngưng vốn nên khó khăn cho ngành GD giải quyết chỗ học cho HS.
Thế là, HS vẫn chờ có trường, lớp học.
Trước bức xúc về chỗ học trên cho HS TP, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: TP không cắt giảm đầu tư đại trà. UBND TP đang xem xét thứ tự ưu tiên đối với các công trình cấp bách, quyết tâm đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trường học nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho HS.
Năm học 2009-2010, TP.HCM đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học, riêng 6 tháng đầu năm 2011 hoàn thành thêm khoảng 1.000 phòng học. Ngân sách TP bố trí cho ngành GD trong năm 2011 là 5.200 tỉ đồng.
Viên An
Thanh nien
Bình luận (0)