Cần tạo điều kiện cho các em được nói lên “tiếng nói” của mình, qua đó, GV sẽ điều chỉnh hành vi các em đúng hướng (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều |
Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) khi tham gia công tác giáo dục (GD) không chỉ phải nắm được những chỉ số của quản lý hành chính đơn thuần như số lượng, danh sách họ tên, hoàn cảnh gia đình, học lực, hạnh kiểm của học sinh (HS) mà còn phải dự báo xu hướng tổ chức GD phù hợp với khả năng của từng HS. GVCN sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cũng như hình thành nhân cách cho HS nếu xây dựng được một kế hoạch quản lý lớp tốt.
1. GVCN cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HS và hiểu được hoàn cảnh cụ thể của từng em. Nếu xem những lỗi mà các em vi phạm có một phần trách nhiệm của mình thì chắc chắn thầy cô sẽ trăn trở, suy nghĩ, tìm ra giải pháp để uốn nắn HS ngày càng tốt hơn.
Trên thực tế, cuộc sống của giáo viên (GV) còn chật vật với mức lương quá khiêm tốn nên các thầy cô chưa thể đầu tư nhiều thời gian và công sức vào công tác giảng dạy cũng như chủ nhiệm. Thật bất công sau bao nhiêu năm học đại học, lương của GV chỉ tương đương hoặc không bằng lương của một công nhân được tuyển vào làm việc tại công ty. Bên cạnh đó, phương tiện và nguồn thông tin để các GV trau dồi, phát triển nghiệp vụ còn quá thiếu thốn.
Đến nay, nhiều GV vẫn chưa thực sự nhận thức được vai trò của mình. Theo quan niệm xưa, GV là người truyền đạt kiến thức còn HS là người tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên cách nghĩ này không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại nữa. Không chỉ có vai trò truyền thụ, người GV thời đại mới phải biết dẫn dắt, định hướng, giúp HS tư duy và phát triển năng lực của bản thân. Còn HS phải tự thân chủ động trong việc tìm tòi, phát hiện và chiếm lĩnh tri thức. Thành ngữ có câu: “ Sự học như chiếc thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt lùi”. Thế nhưng, phần nhiều GV chưa thực tâm nghiên cứu để đưa ra những biện pháp GD chất lượng nhằm lôi cuốn HS tham gia. Vì vậy, cả thầy lẫn trò không tạo được thói quen học tập tu dưỡng nghiêm túc. Kết quả cuối cùng là cả GV và HS đều làm việc chỉ vì thành tích.
2. Khi chất lượng GD xuống cấp, người GV (trong đó có GVCN) thường đổ lỗi do trong lớp có nhiều HS chậm tiến. Không ít GV vì chạy theo thành tích mà phớt lờ mặt tiêu cực này, vẫn để cho HS lên lớp rồi “đẩy” các em ra xã hội. Việc làm này “góp phần” tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Lứa tuổi của HS phổ thông là lứa tuổi đang cần sự giúp đỡ và định hướng của người lớn. Nếu không có sự giúp đỡ của GVCN thì với vốn kinh nghiệm sống ít ỏi, các em HS sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng không lành mạnh từ phía xã hội. Do đó, công tác chủ nhiệm ở trường phổ thông đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết.
GD văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho HS là việc làm thiết yếu của gia đình và nhà trường. Suốt một thời gian dài ở Việt Nam, dạy học theo đúng nghĩa chỉ dạy chữ. Điều này cho đến giờ đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. GD kỹ năng sống cho HS sẽ khó hơn khi chính thầy cô không phải là một tấm gương.
Ngoài xã hội, vai trò GVCN thể hiện ở chỗ họ là cầu nối giữa tập thể HS với các tổ chức trong và ngoài nhà trường; là người phối hợp các lực lượng GD. Có thể nói GVCN là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của HS, bảo vệ các em một cách hợp pháp. Đồng thời, họ phản ánh trung thành mọi tâm tư nguyện vọng quyền lợi của HS với BGH nhà trường, với GV bộ môn…. Vì vậy, hiệu quả của công tác chủ nhiệm phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp thực hiện liên kết GD với các tổ chức xã hội, GV bộ môn nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của các lực lượng, các tổ chức, cá nhân vào công tác GD thế hệ trẻ của đất nước. Nhiệm vụ này đòi hỏi GVCN phải có ý thức trách nhiệm cao, yêu mến HS, và là nhà hoạt động xã hội năng nổ. Để làm được điều đó, người GVCN phải biết cách nắm bắt thông tin, không ngừng tự hoàn thiện mình, khéo léo vận động mọi người cùng thực hiện mục tiêu GD.
ThS. Trần Thị Hóa
(Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận)
Bình luận (0)