Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa vovinam vào trường học – liệu có thực thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Bộ GDĐT đưa ra chủ trương đưa môn võ vovinam vào dạy trong trường học, dư luận xã hội đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc này? Đặc biệt, khi “môi trường giáo dục” đã và đang bị nạn bạo lực làm hoen ố màu áo học trò.

Nếu thực sự học sinh không ý thức được ý nghĩa của việc học võ – nhất là học “đại trà” – thì liệu rằng việc học võ có đem lại hiệu quả như mong muốn? Toà soạn xin giới thiệu ý kiến của nhà giáo Lê Sĩ Tứ – nguyên giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội).
Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập với người đứng đầu là ông Nguyễn Danh Thái – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
 
Với đà phát triển vovinam, giới trẻ từ bậc tiểu học đến cấp trung học phổ thông có vẻ thích môn võ cổ truyền này, nhiều em hứng thú tự tìm đến các “lò” để “thụ giáo”. Một số người cho rằng vovinam là một phương thức giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho “thế hệ cách mạng đời sau” rất hữu hiệu. Có phải vì thế mà Bộ GDĐT có ý định đưa vovinam vào dạy trong trường học? Không rõ bắt đầu từ năm học nào, cấp nào được học vovinam? Vovinam hay võ cổ truyền được coi là “quốc võ” đi nữa, đã nên trở thành môn học ở nhà trường phổ thông hay không lại là một vấn đề cần được xem xét thật nghiêm túc, thấu đáo.
Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT dự định đưa vovinam vào học trong các trường phổ thông? Hãy chưa bàn tới sự phản ứng trong làng võ cổ truyền Việt Nam, không phải họ không có lý. Ví dụ đất võ Bình Định nổi tiếng, tự hào với câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định đánh roi đi quyền”, mới biết võ Bình Định có lịch sử lâu đời, in đậm dấu ấn trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Nếu bắt học trò quê hương Nguyễn Huệ học vovinam, chắc chắn phụ huynh học sinh, dư luận xã hội, đương nhiên là cả học sinh khó mà thực thi nổi. Như trên đã nói, nếu Bộ GDĐT đưa vovinam vào trường học, vậy, bắt đầu từ cấp nào? Được coi là một môn học như bộ môn thể dục, hay chỉ là một chương nằm trong bộ môn thể dục? Điều này cần được xác định rõ, vì liên quan đến hiệu quả quá trình giảng dạy, học tập của cả thầy lẫn trò. Vovinam là môn thể thao có yêu cầu chặt chẽ về thời gian tập. Người tập phải mất cả thời gian 1 tiết học để khởi động làm nóng người mới đi vào luyện tập các “đòn thế”.
Vậy Bộ GDĐT dự định phân phối mỗi tuần có mấy tiết thể chất? Hiện nay chưa có môn vovinam đã 2 tiết/ tuần rồi. Kinh phí để dành cho môn học vovinam cũng không phải là nhỏ: Sân bãi, thảm tập, các loại binh khí, quần áo tập… Đưa môn học vovinam vào những trường đến bàn ghế cho học sinh còn thiếu, e rằng không thực tế. Đưa vovinam vào trường học, thầy đâu mà dạy. Chẳng lẽ các thầy giáo dạy môn thể chất kiêm nhiệm. Thầy Pham Trinh Kim – phụ trách bộ môn thể chất Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội – phát biểu: “Anh chị em giáo viên chúng tôi không được học vovinam, nếu có dạy cũng chỉ nặng lý thuyết suông, không có khả năng làm “thị phạm” cho học sinh. Trong khi môn học vovinam lại rất cần các thầy “miệng nói tay làm” vừa dạy, vừa làm mẫu, trò “tâm phục, khẩu phục”, các em mới có hứng thú học tập. Hơn nữa, dạy vovinam, thầy không am tường hướng dẫn kỹ cho trò, trò dễ bị tai nạn trong quá trình luyện những “miếng” võ phức tạp”.
Thầy Duệ – giáo viên dạy TDTT, có con đang học lớp 11 – lo lắng tâm sự: “Bức tranh giáo dục của chúng ta đang là nỗi bức xúc của xã hội, trong đó hiện tượng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng. Bạo lực thông qua trò chơi điện tử trực tuyến đã và đang gây nhiều rắc rối, nay lại thêm môn võ thuật, liệu mọi việc có nằm trong tầm kiểm soát của nhà trường và gia đình?”.
Vì những lý do trên, tôi kiến nghị với Bộ GDĐT: Trong điều kiện hiện nay, chưa nên đưa vovinam vào trường học. Nếu có hãy coi đó chỉ là môn học ngoại khóa dành cho những học trò ham thích có đủ điều kiện (sức khỏe, tố chất, vật chất, cha mẹ cho phép…). Đương nhiên dù là tiết học ngoại khóa, song lớp học phải đạt “chuẩn” tối thiểu (sân tập luyện, thảm, đồ dùng dạy và học, trang bị áo quần cho thầy – trò). Trong đó đăc biệt thầy dạy phải là các võ sư được đào tạo chính quy từ các lò vovinam. Bộ GDĐT khích lệ các trường tự chọn môn võ thích hợp, phù hợp đặc tính, truyền thống địa phương đưa vào môn học, đó là cách giáo dục lòng yêu nước sống động nhất. Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu môn võ dân tộc của quê hương…
    Lê Sĩ Tứ / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)