Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ðào tạo nhân lực chế biến nông, lâm, thủy sản

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trong phát triển nông nghiệp của nước ta hiện nay, ngành chế biến nông, lâm, thủy sản có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng vẫn chưa được phát huy, nên hiệu quả thấp, không đáp ứng quá trình CNH, HÐH đất nước. Nguyên nhân chính khiến là do việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức.Công nhân TNHH thực phẩm xuất khẩu Sơn Tây số đông là lao động phổ thông, không được trang bị bảo hộ lao động nên sản phẩm kém sức cạnh tranh.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực cho chế biến nông, lâm thủy sản của nước ta khá phong phú và đa dạng với các trình độ từ dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Hình thức đào tạo cũng linh hoạt như chính quy,  vừa học, vừa làm, đào tạo từ xa, liên thông, bồi dưỡng ngắn hạn… Tính đến hết tháng 8 năm 2008, cả nước có 83 trường đại học và cao đẳng chuyên đào tạo hoặc có đào tạo ngành nghề liên quan chế biến nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, hệ thống các trường dạy nghề cũng phát triển với  75 trường cao đẳng, 242 trường trung cấp, 60 cơ sở đào tạo, 1.123 cơ sở giáo dục và tám nghìn trung tâm học tập cộng đồng có đào tạo, giáo dục nghề chế biến nông, lâm, thủy sản. Ngành nghề đào tạo trong các trường khối nông, lâm, thủy sản cũng được mở rộng theo nhu cầu xã hội như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm sinh, chế biến lâm sản, nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản… Quy mô đào tạo đến hết tháng 7 năm 2008 của cả nước có hơn một triệu 603 nghìn sinh viên thì số sinh viên các ngành nông nghiệp chiếm 3,32%, sinh viên các ngành lâm nghiệp 1,13% và sinh viên ngư nghiệp chiếm 0,31%. Mặt khác, ở các trường còn đang đào tạo 186 nghiên cứu sinh và 4.285 học viên cao học về chế biến nông, lâm, thủy sản. Một số trường đào tạo nhân lực chế biến nông, lâm, thủy sản lớn như: Trường đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 4.129 sinh viên, Ðại học Nha Trang đào tạo  3.155 sinh viên và Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội đào tạo 1.600 sinh viên chế  biến nông, lâm, thủy sản mỗi năm.

Vẫn thiếu nguồn nhân lực

Trên thực tế, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta ngày một phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện trạng nguồn nhân lực đúng chuyên môn trong ngành lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Ở sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phần lớn cán bộ quản lý chế biến nông, lâm, thủy sản lại được đào tạo từ các ngành khác như kinh tế, cơ khí… Ðáng chú ý, nguồn nhân lực có chuyên môn về chế biến nông, lâm, thủy sản trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều nhà máy, cơ sở chế biến có đến 70% số người lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Thậm chí, các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành như chế biến chè, rau quả, thủy sản có từ 88,3% đến 91,6% số người lao động không được đào tạo mà chỉ qua lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo tổ chức hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức. Ngay cả những người sử dụng lao động cũng có nhiều hạn chế về hiểu biết pháp luật và chuyên môn sản xuất. Qua khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có tới 36,8% đến 65,8% số chủ cơ sở chế biến không có chuyên môn kỹ thuật và có tới 48,5% đến 88,4% hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật. Ðiều này không những ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động và thu nhập người lao động mà còn ảnh hướng lớn đến chất lượng cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ở các ngành, các loại hình sản xuất khác nhau trong khối chế biến nông, lâm, thủy sản cũng có sự khác biệt về chất lượng nguồn nhân lực. Ðiển hình là các doanh nghiệp tư nhân trong chế biến chè có cán bộ trình độ đại học ít hơn 5,51 lần, trình độ trung học ít hơn 6,63 lần so với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp chế biến tư nhân ở nhiều ngành như chế biến lâm sản, chế biến thịt… lại chủ yếu sản xuất theo truyền thống, dựa vào kinh nghiệm và lao động thủ công là chính.

Cần sự hợp tác và giải pháp đồng bộ

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực chế biến nông, lâm, thủy sản ở nước ta có những bước phát triển khá nhưng thực tế hiện trạng nguồn nhân lực phục vụ lại còn nhiều hạn chế. Ðiều đó cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực chế biến nông, lâm, thủy sản ở nước ta thiếu sự linh hoạt trong chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động còn quá ít.  Trong khi đó, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, nơi đào tạo "thợ" cho phát triển sản xuất lại chỉ có 4% số học sinh thuộc khối chế biến nông, lâm, thủy sản… Chính vì vậy, để đào tạo nguồn nhân lực chế biến nông, lâm, thủy sản theo nhu cầu xã hội cần có sự phối  hợp giữa các bộ, ngành và các giải pháp phù hợp thực tế từ nhiều phía, trong đó sự phối kết hợp giữa ngành giáo dục với ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Cần căn cứ vào thực trạng của nông nghiệp, nông thôn, đối chiếu với các mục tiêu chiến lược và định hướng cơ bản để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tế. Các chương trình đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp cần phải đánh giá, tham khảo các chương trình đào tạo của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển theo hướng hiện đại phù hợp thực tế nước ta. Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Ðào tạo Bành Tiến Long cho rằng: Cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội… nhằm thành lập tổ công tác liên ngành để điều hành hoạt động đào tạo, sử dụng nhân lực theo nhu cầu và đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập hội đồng hiệu trưởng hoặc trưởng khoa một số ngành có lợi thế cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước thuộc khối nông, lâm, thủy sản nhằm giúp các trường phát triển chương trình đào tạo phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, hai bộ cũng phải kết hợp trong chia sẻ, trao đổi thông tin về năng lực đào tạo của các trường và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Riêng đối với các trường cần xây dựng chương trình khung đồng thời hằng năm có sự cập nhật, bổ sung nội dung mới. Khuyến khích các trường mở các ngành đào tạo mới nếu chứng minh được  nhu cầu việc làm hiện tại hoặc cho tương lai nhưng phải bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình, quyền lợi người học và có ý thức trách nhiệm với doanh nghiệp. Trong đào tạo cần bảo đảm học sinh, sinh viên không chỉ có kiến thức cơ bản, cơ sở vững chắc mà phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng thực hành tốt. Còn các chuyên gia nông nghiệp thì nhận định: Cần tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và đơn vị, doanh nghiệp chế biến thông qua hội nghị, hội thảo hoặc là đơn vị thực tập, thực tế trong giảng dạy. Mặt khác, đơn vị doanh nghiệp chế biến phải là một kênh thông tin quan trọng tư vấn cho các trường điều chỉnh quy mô đào tạo thích hợp xu hướng phát triển của ngành và là người giới thiệu, tuyển dụng sinh viên của cơ sở đào tạo sau khi ra trường có việc làm ổn định… nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy ngành chế biến nông, lâm, thủy sản ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nước ta.

XUÂN KỲ (Theo Nhân dân)

 

Bình luận (0)