Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chạy trường: Ai chạy, chạy ai?

Tạp Chí Giáo Dục

Báo chí loan tin có phụ huynh phải bỏ cả ngàn đô để “chạy” cho con vào lớp 1. Câu chuyện không mới. Đầu mỗi năm học, thậm chí trước đó từ rất lâu, nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn đã rục rịch chuẩn bị cho công việc này. “Chạy” trường – nguyên nhân do đâu? Bài viết sau đây thử đưa ra một vài gợi ý.
Để thuận tiện trong quản lý, điều hành, ngành giáo dục (GD) cho phép mỗi trường công lập chỉ được tuyển sinh trên từng  địa bàn nhất định. Nói cách khác, học sinh phải học đúng tuyến. Học sinh muốn vào học ở một trường không đúng tuyến thì phụ huynh phải “chạy”.
Học trò tiểu học. Ảnh: Bảo Anh
Vấn đề phức tạp ở chỗ, vẫn phải có một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp dành cho học sinh diện không đúng tuyến. Lợi dụng điều này, “chạy” trường có cơ sống dai dẳng cho dù dư luận không ngớt lời kêu ca. 
Học sinh trái tuyến là học sinh không có hộ khẩu trên địa bàn trường đứng chân.
Để từ “trái tuyến” thành “đúng tuyến”, nhiều phụ huynh tìm mọi cách chuyển hộ khẩu cho con em mình về địa bàn của trường.
Cách phổ biến hiện nay là để học sinh đăng ký hộ khẩu chung với một người khác. Một vài trường quy định phải có hộ khẩu trước thời điểm tuyển sinh 2 năm nhằm hạn chế nạn “chạy” trường, song vẫn chưa hiệu quả. Vì có trường hợp hợp thức hóa thủ tục hộ khẩu trước khi xin cho con vào lớp đầu cấp từ trước đó 3 năm.
"Không thể để học sinh không được đến trường vì không có chỗ học. Vì thế, lấy hộ khẩu làm căn cứ tuyển sinh, trên thực tế, chưa phù hợp".
Câu hỏi đặt ra, là tại sao lại có một  tỷ lệ nhất định tuyển trái tuyến. Câu trả lời từ phía ngành GD cũng rất đơn giản. Sở dĩ có tỷ lệ ấy là để tạo điều kiện học tập cho mọi đối tượng học sinh. 
Không thể để học sinh không được đến trường vì không có chỗ học. Vì thế, lấy hộ khẩu làm căn cứ tuyển sinh, trên thực tế, chưa phù hợp. Trẻ ở quê theo cha mẹ lên Hà Nội sinh sống là ví dụ điển hình. Mặt khác, còn có một số trường không tuyển đủ học sinh nên phải tuyển thêm diện trái tuyến (tức là  những em không có hộ khẩu trên địa bàn). 
Nếu như tỷ lệ tuyển trái tuyến không bị lạm dụng, không bị biến tướng… thì không có “chạy” trường. Song cái khó là ranh giới đúng – sai trong việc này lại  không rạch ròi và có phần  giao thoa.  
Chính phụ huynh, giáo viên (GV), cán bộ trong và ngoài ngành GD đã làm cho mục đích tốt đẹp nói trên biến tướng, méo mó đi. Trên thực tế người “chạy” trường phải có thế lực và có tiền. Một vài cá nhân, một vài trường sử dụng tỷ lệ tuyển sinh trái tuyến để “đối ngoại” và là một hình thức thu nhập thêm.     
Có người đề xuất, với kiểu “chạy” trường như trên thì có thể hạn chế bằng cách ưu tiên hàng đầu dành cho học sinh có hộ khẩu, có nhà, sống cùng cha mẹ trong thời gian dài… trên địa bàn trường tuyển sinh. 
“Chạy” trường, bản chất là phụ huynh chọn trường cho con em mình theo những tiêu chí chủ quan.  Vậy có thể đặt vấn đề, phải chăng chất lượng dạy học, cơ sở vật chất, môi trường GD… của các trường khác nhau nên phụ huynh đổ dồn vào những trường tốt nhất?
Chất lượng dạy học là điểm khó đánh giá. Bởi cho tới nay trường tốt xấu phần nhiều do đồn đoán. Nhiều GV cho rằng không có sự khác nhau nhiều về chất lượng GV, chất lượng dạy học trên một địa bàn hẹp như nội thành Hà Nội hoặc Tp HCM. 
Môi trường GD thì có sự khác biệt. Trường tập trung học sinh con em trí thức, cán bộ, công nhân… hẳn sẽ thuần hơn học sinh ở nhiều khu vực khác, nhất là những nơi tập trung lao động tự do, ngoại tỉnh. 
Đầu tư cơ sở vật chất giữa các trường hiện chưa hợp lý, chưa công bằng.  Trường nào có “quan hệ tốt” với phòng GD, sở GD, chính quyền địa phương thì được chăm chút nhiều hơn. Số đông phụ huynh có điều kiện tài chính, một số có quyền và cũng là một lợi thế cho trường.    
Quy hoạch mạng lưới trường học chưa khoa học và chưa được ưu tiên. Có địa bàn dân số đông, chưa đủ trường, trong khi đó có nơi lại tập trung vài trường trong một phạm vi hẹp. Trường Tiểu học Bà Triệu – Hà Nội là một ví dụ. Ngôi trường này không có sân, lễ khai giảng phải tổ chức dưới lòng đường. Trước đây, người ta đã dự định xây trường ở vị trí mới, nhưng vị trí đó nay lại là tòa nhà trung tâm thương mại. 
Gần đây, GD Phần Lan nổi lên như một hiện tượng khiến các nền GD tiên tiến như Anh, Mỹ… phải thán phục. Một trong những quan điểm GD của Phần Lan là Giáo dục bao quát (comprehensiveness of education). Mọi học sinh đều được nhận, không chọn lọc, không chia nhóm hay phân loại theo bất kỳ tiêu chí nào. Ở mọi trình độ, giáo viên đều phải giỏi và tận tâm (competent teachers). Giáo viên có quyền tự chủ hoàn toàn trong lớp. 
So sánh GD Việt Nam với Phần Lan là khập khiễng, nhưng rõ ràng quan điểm không phân loại, chia nhóm học sinh và GV có năng lực là quan điểm GD tiến bộ nên tham khảo. Nó khác hẳn với kiểu phân biệt (cho dù không chính thống) như trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, chương trình tài năng, thí điểm, tăng cường, chất lượng cao… ở ta. Phải chăng chính quan điểm GD này đã góp thêm gió cho mồi lửa “chạy” trường?
Ngô Thiệu Phong / Vietnamnet


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)