Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi bằng đề “mở” – “Mở” cả cách dạy và học

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, Phòng Giáo dục quận Tân Phú cho đề “mở” trong thi kiểm tra học kỳ 1 môn giáo dục công dân (GDCD). Hàng chục ngàn học sinh (HS) từ lớp 6 đến lớp 9 của 13 trường THCS được quyền mang tài liệu, sách giáo khoa, tập vở vào phòng thi. Giáo viên (GV), HS đón nhận “cái mới” với tâm trạng rất khác nhau.
Đề ra “độc” quá!
Học sinh THCS Hùng Vương, quận Tân Phú trong giờ học môn giáo dục công dân. Ảnh: D.DOANH
Đầu tháng 3-2009, cô Lê Thị Kim Loan, chuyên viên môn GDCD Phòng Giáo dục quận Tân Phú đến Trường THCS Hùng Vương đọc lại bài làm của HS. Chọn ngẫu nhiên một số bài điểm cao (9, 10) và điểm thấp, cô ngạc nhiên đến không ngờ.
Trả lời cho câu hỏi “Em hãy nêu một số tình huống đòi hỏi tính tự chủ mà em có thể gặp (trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng)”. Em Trần Thị Hoàng Kim, lớp 9/1 THCS Hùng Vương, quận Tân Phú viết về một số tình huống đòi hỏi tính tự chủ mà em đã gặp là khi: Không cùng quan điểm với bạn bè trong tranh luận; khi bị bạn bè hiểu lầm, nghi ngờ và tỏ ý xúc phạm mình; khi lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn, tưởng chừng như không giải quyết nổi; bạn bè rủ rê, lôi kéo vào những việc không tốt mà lại cả nể, không muốn làm mích lòng bạn; bị kẻ xấu hăm dọa bắt phải làm theo yêu cầu của chúng; muốn nhanh chóng đạt được mục đích của mình (trong học tập, thi đấu thể thao…). Cô Kim Loan tâm đắc với suy nghĩ sáng tạo của trò biết “thoát” khỏi sách để liên hệ thực tế bản thân.
Đối với câu hỏi “Em thể hiện tính năng động, sáng tạo trong học tập, công việc hằng ngày như thế nào?”, em Phan Thị Thanh Tuyền, lớp 9/1, viết: Tìm ra cách học tốt nhất cho mình; vận dụng tích cực những điều đã biết vào cuộc sống hằng ngày; vượt qua khó khăn, dám nghĩ dám làm, chú ý nghe thầy cô giảng bài, điều gì không hiểu thì mạnh dạn hỏi thầy cô. Trong công việc, em biết vượt qua khó khăn, cân nhắc và bàn bạc kỹ lưỡng khi gặp vấn đề khó giải quyết; sắp xếp lịch làm việc cho mình, vừa học, vừa làm để có thể giúp được bạn bè.
Hiệu ứng hai chiều
Tâm lý của GV, HS đón nhận đề “mở” rất khác nhau. Cô Trần Thị Thuận, Phó hiệu trưởng THCS Hùng Vương, cho biết: Khi nhà trường thông báo đề thi học kỳ 1 môn GDCD được ra theo hướng “mở”, nhiều HS vỗ tay mừng rỡ. Các em chưa hiểu hết ý nghĩa của đề “mở” nhưng viễn cảnh trước mắt không phải học thuộc lòng cũng đã là sự kiện đáng để HS “ăn mừng”. Tuy nhiên, một số HS chưa quen với dạng đề mở, làm biếng suy nghĩ, tìm tòi thì phản đối: “Cô ơi, cho đề “đóng” đi!”. Rõ ràng, dù được mở sách nhưng các em không biết viết gì.
Cơ sở pháp lý để quận mạnh dạn đổi mới thi cử xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; từ chương trình khung thoáng, chỉ yêu cầu HS đạt được kiến thức chuẩn sau mỗi chủ đề đã học. Bên cạnh đó là đặc thù của bộ môn GDCD gắn với thực tiễn cuộc sống và uốn nắn hành vi con người, do vậy, quận Tân Phú quyết định cho đề “mở” ở môn GDCD trước.
Đề “mở” phòng giáo dục ra khác nhiều với đề thi của trường những năm trước. Một số trường nhận xét đề của phòng GD còn dài, HS chưa đọc kỹ câu hỏi nên lạc đề. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các trường, kết quả làm bài của HS tương đối tốt, các em biết liên hệ bản thân.
Ban giám hiệu Trường THCS Lê Anh Xuân, cho biết: Đề vừa sức đối với HS, nội dung mới lạ nên có nhiều HS không theo kịp. HS phải tư duy nhiều, phải liên hệ thực tế để làm bài. Cô Phùng Thị Bích, Tổ trưởng môn GDCD Trường THCS Đặng Trần Côn, phân tích: Đề phù hợp với nội dung chương trình, sát chuẩn kiến thức và kỹ năng. Phân loại các đối tượng HS giỏi, khá, trung bình. Đề mở giúp HS liên hệ từ bài học đến thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu học – hiểu. Quan trọng hơn, theo nhiều thầy cô giáo, cách ra đề mới đã rèn luyện được kỹ năng đọc, cảm thụ và phân tích của HS.
Đối với đề “mở”, khâu ra đề phải có sự sáng tạo, không dập khuôn theo học thuộc lòng như sách giáo khoa, đáp án cũng phải “thoáng”. Đề cho mở sách, nhưng trong sách chẳng có gì để HS chép. Các em chỉ có thể lấy khái niệm, định nghĩa của sách nhưng giải quyết các tình huống đề yêu cầu phải là kiến thức, kỹ năng diễn đạt của mỗi HS. Do vậy, không văn phong bài làm nào giống bài nào.
Hiệu ứng hai chiều của đề “mở” không chỉ đòi hỏi HS biết tư duy, văn phong logic mà buộc GV phải đổi mới cách giảng dạy. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, nói: Nếu không có thay đổi thi cử thì đổi mới phương pháp giảng dạy chúng ta đang hô hào những năm qua chỉ là đổi mới nửa vời. Chính thi cử sẽ tác động trở lại cách dạy và học buộc người thầy phải thay đổi. GV phải dạy cho HS biết cách “động não”, nhận thức vấn đề độc lập và biết trình bày cảm nghĩ riêng của mình, biến kiến thức đã học thành “kỹ năng sống” hữu dụng.
Một số GV, HS vốn gắn bó với cách dạy học truyền thống cảm thấy khó khăn, bất tiện, một số PHHS cảm thấy thất vọng khi điểm của HS không cao như những năm trước. Nhưng điều quan trọng hơn, đề “mở” xóa đi những thành kiến đối với các môn KHXH chỉ là dạy HS học thuộc lòng như những con vẹt, HS không sao chép, không quay cóp. “Sang năm, thừa thắng xông lên, chúng tôi sẽ mở rộng ra ở môn ngữ văn, sau đó là sử, địa”, bà Hải hào hứng nói.
Hồng Liên (SGGP)
 

Bình luận (0)